Đạo diễn Khải Hưng: Sao phải “kiêng” vấn đề nhạy cảm?
Bắt đầu từ tháng 1/2008, vào "giờ vàng" trên cả 2 kênh VTV1 và VTV3 sẽ chiếu phim Việt. VTV1 sẽ dành cho mảng phim chính luận, VTV3 sẽ dành cho mảng phim giải trí. Riêng về mảng phim chính luận, Giám đốc VFC khẳng định, sẽ động chạm trực tiếp đến những vấn đề nhạy cảm...
- Sau một thời gian thực hiện “chiếu phim Việt vào giờ vàng trên kênh VTV1” với 2 phim mở đầu – Ma làng, Luật đời... hiệu quả mang lại thế nào, thưa ông?
- Việc trở thành thông lệ chiếu phim Việt vào những giờ cố định đã giúp cho phim Việt khởi sắc bởi vì đã có một địa chỉ, đã có một địa điểm để chiếu. Trước đây, có thể tuần này chiếu phim Việt, tuần sau phiếu phim nước ngoài nên người ta khó theo dõi. Tuy nhiên, hiện nay vào đúng giờ ấy, bật kênh ấy thì có phim Việt.
Điều này khiến cho nguồn quảng cáo vào phim Việt tăng lên. Bởi các nhà quảng cáo muốn có phim hay, có địa chỉ ổn định và chúng ta đã đáp ứng được cả hai điều đó. Tôi tin rằng nếu với đà này thì chúng ta dứt khoát thắng trận ở phim truyền hình. Thắng ở cả 2 mặt: Đối với người xem - đây là điều quan trọng nhất - và có nguồn quảng cáo để lấy thu bù chi.
- Bắt đầu từ 2008, phim Việt sẽ phát sóng vào "giờ vàng" trên cả 2 kênh VTV1 và VTV3. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ cần một số lượng phim rất lớn. Ông có thể cho biết, Trung tâm sản xuất phim đã chuẩn bị được những gì rồi?
- Trên VTV1, chúng tôi đã có phim để phát đến hết tháng 6 và có kịch bản phim để phát đến hết năm 2008. Trên VTV3, chúng tôi đã hoàn thành được 10 tập phim Sitcom Những người độc thân vui vẻ và đang tiến hành quay tập 18.
Một cảnh trong phim "Những người độc thân vui vẻ" sắp được phát sóng. |
- Thời gian ngắn, số lượng phim lại nhiều, các ông làm thế nào để số lượng đi liền với chất lượng?
- Số lượng thì chắc chắn chúng tôi không cáng được hết, số lượng này phải là nhà nước và nhân dân cùng làm, gọi là xã hội hoá đấy. Các đơn vị tư nhân cùng nhảy vào làm mảng giải trí trên VTV3. Đơn giản đó là quy luật cạnh tranh.
Tuy nhiên, chúng ta không chấp nhận những phim có chất lượng quá tồi chiếu trên sóng truyền hình được mà chúng ta phải có gạn lọc. Mà gạn lọc đầu tiên là ở chúng tôi đã. Chúng tôi phải có phim hay thì mới có thể so sánh với phim xã hội hoá hay hoặc dở. Chúng tôi phải là ngọn cờ đầu, phải làm phim hay thì lúc ấy chúng tôi mới có thể nói rằng phim của xã hội hoá kém hay hơn chúng tôi.
Thế mạnh của chúng tôi là người nhà Đài nên chúng tôi luôn luôn đi sâu vào những đề tài mà chắc rằng những người làm phim xã hội hoá sẽ không muốn làm: cập nhật những vấn đề chính luận, các quan điểm của nhà nước, xới lại những vấn đề lịch sử, những cái được và chưa được. Đây là những vấn đề cực kì khó làm và nhạy cảm.
Ví dụ những bộ phim mở đầu như Ma làng, Luật đời của VFC đã gây được tiếng vang, tạo được thương hiệu. Chúng tôi sẽ phấn đấu giữ nguyên thương hiệu, sẽ tiếp tục đề cập những vấn đề chính luận gay gắt, mạnh mẽ nhưng đó là tiếng nói của nhân dân và mong muốn của nhà nước.
- Cập nhật những vấn đề chính luận, xới lại những vấn đề lịch sử... là những đề tài "khô", không dễ làm hay và vì đã "khô" lại không hay nên khó thu hút được công chúng. Các ông sẽ làm gì để không phải rơi vào "vòng luẩn quẩn" ấy?
- Tôi nghĩ nếu nói đúng mong muốn của khán giả thì họ sẽ xem còn nếu nói không đúng thì họ không xem. Chúng tôi sẽ luôn luôn thoả mãn những mong muốn đó của khán giả đồng thời cũng phản ánh những chỉ đạo của nhà nước nên chắc chắn sẽ thu hút được khán giả.
- Điều đó cũng đồng nghĩa là các bộ phim sẽ động chạm đến những vấn đề "nóng" và nhạy cảm?
- Đương nhiên! Chúng tôi đã từng động chạm. Có sao đâu? Mọi người cứ nghĩ là động chạm đến những vấn đề nhạy cảm là ghê gớm nhưng chúng ta phải đứng trên một thang bậc nào đó, chúng ta phải có một sự thăng bằng nào đó chứ. Tôi nghĩ, con đường ấy không khó đi đâu.
Tôi thấy có nhiều vấn đề động chạm mọi người cứ sợ thế nọ thế kia nhưng khi chiếu lên nhân dân ủng hộ, nhà nước ủng hộ. Có vấn đề gì đâu! Tại sao chúng ta phải “kiêng” vấn đề ấy?
- Ông chắc chắn?
- Tôi chắc chắn thì tôi mới làm chứ. Tôi chắc thắng thì tôi mới làm chứ. Không thì tôi phá sản à?
- Các ông sẽ có biện pháp gì để không diễn ra tình trạng lúc nào bật kênh này, kênh kia cũng gặp từng ấy gương mặt, từng ấy giọng nói?
- Việc gặp các gương mặt quen thì đương nhiên. Trừ khi chúng ta có trường đại học truyền hình tuyển diễn viên riêng truyền hình thì sẽ có nhiều gương mặt còn chừng nào chúng ta chỉ có ăn nhờ, đợi sẵn nguồn diễn viên của các nhà hát, của trường Sân khấu Điện ảnh thì chúng ta sẽ bị chạm, không bao giờ là không bị chạm cả.
Vấn đề là chúng ta phải biến cái chạm của chúng ta khác với cái chạm của người khác thì nó ra một cái khác. Với một diễn viên nhưng tôi khai thác ở mặt này, người khác khai thác ở mặt khác thì họ có thể đóng được nhiều vai khác nhau. Mà đóng nhiều vai khác nhau thì không sợ chạm. Còn nếu mà cùng chạm vào một người mà tôi khai thác người ta như thế này người khác cũng khai thác đúng dạng ấy thì rõ ràng chúng ta chạm.
- Tại sao các ông không có kế hoạch mở các khoá đào đào tạo diễn viên ngắn hạn như trước đây?
- Chúng tôi không có chức năng đào tạo. Chỉ trừ khi Trung tâm sản xuất phim truyền hình có chức năng đào tạo nhân lực thì lúc đấy chúng tôi mới có kế hoạch cụ thể được. Còn với tình hình hiện tại, chúng ta phải có những gương mặt chung. Cả thế giới người ta cũng làm thế...
- Các ông có kế hoạch sản xuất rất nhiều phim trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo sát các đoàn làm phim chúng tôi thấy sự thật là công nghệ làm phim còn lạc hậu quá...
- Công nghệ làm phim của những năm trước đây đã lỗi thời rồi. Năm 2008 là năm bản lề để thay đổi công nghệ làm phim: sẽ dùng 3 máy quay, quay trong trường quay, thu âm trực tiếp... Khi đó phim sẽ có màu sắc khác.
Ngay làm Những người độc thân vui vẻ, chúng tôi đã liên kết với tư nhân để làm... Chúng tôi có trường quay của tư nhân, chúng tôi ghi hình nhiều máy, thu tiếng đồng bộ... Đây là năm đầu tiên đột phá mở ra một thay đổi công nghệ làm phim truyền thống của truyền hình, đưa phim truyền hình trở về đúng nghĩa với nó.
- Cám ơn ông!