Đạo diễn Đặng Nhật Minh và những bộ phim gắn liền số phận

Thứ Tư, 02/02/2011, 15:13
Vị giáo sư về văn hóa phương Đông ở Hawaii kể với NSND Đặng Nhật Minh: Ông đã hơn 100 lần chiếu phim "Bao giờ cho đến tháng 10" cho sinh viên xem, lạ thay, mỗi lần xem, lại nhận ra những chi tiết mới, bởi trong đó chứa đựng cả văn hóa tâm linh, đời sống tình cảm của người Việt Nam.

Dẫu chưa từng qua một trường lớp chính qui nào về điện ảnh, nhưng cái tên Đặng Nhật Minh dường như đã gắn liền với những tác phẩm điện ảnh mang tính nghệ thuật đích thực. Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến những bộ phim đã đi vào lịch sử điện ảnh không chỉ của Việt Nam như: "Bao giờ cho đến tháng mười", "Cô gái trên sông", "Thương nhớ đồng quê", "Trở về", "Mùa ổi", "Đừng đốt" v.v… Vậy nhưng NSND Đặng Nhật Minh rất ít nói về mình.

Nhiều người đã nhận xét Đặng Nhật Minh làm phim bằng tố chất tự thân thiên bẩm, nên sự thành công đến với ông một cách bền vững, bằng liên tiếp các giải thưởng danh giá: Bông sen Vàng tại các Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần VI, VII, XI, XIII..., tiếp đến là Giải Cánh diều vàng. Cùng với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), ông còn vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Đặc biệt, bộ phim "Bao giờ cho đến tháng 10" đã được kênh truyền hình CNN của Mỹ bầu chọn là 1 trong 18 bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Ông cũng được nhận Giải Nikkei Asia Prize (Nhật Bản), Giải Thành tựu trọn đời vì sự nghiệp điện ảnh của châu Á (tại Hàn Quốc) và mới đây, Đặng Nhật Minh là đạo diễn Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh (HLNT&KHĐA) Mỹ vinh danh vì những cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh. Điều đặc biệt nữa mà có lẽ ít người biết đến là ở Việt Nam duy nhất có 2 cha con cùng được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh: Giáo sư Đặng Văn Ngữ và NSND Đặng Nhật Minh.

NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, mỗi bộ phim là một thông điệp mang tính cá nhân của tác giả, đòi hỏi phải làm hết mình để chinh phục được khán giả, bằng xúc cảm và sự chân thành. Vì thế, đa số phim của Đặng Nhật Minh, đều do ông tự viết kịch bản, để thể hiện được trọn vẹn ý tưởng của mình.

NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ: "Với tôi, làm phim là để nói lên suy nghĩ về cuộc đời, về con người, về xã hội mà mình đang sống với lòng mong muốn sao cho nó tốt đẹp hơn". Có lẽ vì thế mà phim của ông luôn ngập tràn cảm xúc, khiến người xem bị ám ảnh, day dứt về những vấn đề đặt ra trong phim. Tác phẩm của ông luôn hướng đến thân phận con người với những vấn đề khái quát mang tính số phận của dân tộc, của nhân loại. Đó cũng là lý do Thời báo Nihon Keizai (Nhật) chọn ông để trao giải Nikkei Asia Prize với lời trân trọng: "Đặng Nhật Minh - người nghệ sĩ đã bằng điện ảnh nói lên tâm tư, tình cảm của dân tộc mình và cũng là của các dân tộc châu Á, ra với thế giới".

Có điều lạ lùng là, hầu hết các bộ phim của ông đều thành công vang dội, nhiều tác phẩm chinh phục cả các nhà làm điện ảnh tên tuổi của thế giới, nhưng chúng cũng rất "thân phận".

"Cô gái trên sông" là bộ phim mang nhiều kỷ niệm đặc biệt với ông nhất. Với tính nghệ thuật cao, ngôn ngữ điện ảnh phong phú nên ngay khi ra đời, bộ phim được người xem từ Nam chí Bắc đón nhận nồng nhiệt. Phim cũng được chiếu tại LHP Việt Nam năm 1987 với 13 đoàn quốc tế tham dự và vì say mê bộ phim, đoàn của CHDC Đức đã mua một bản phim này để lồng tiếng Đức, chiếu ở nước mình. Sau đó Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và nhiều nước cũng mời chiếu, kể cả LHP Toronto.

Thế rồi, bỗng có tin đồn (chứ chẳng phải là một văn bản nào), về việc một người có trách nhiệm cho rằng, bộ phim "có vấn đề". Từ đó, bộ phim không còn được ra mắt khán giả. Năm 2005, ông bất ngờ nhận được điện thoại của một Việt kiều gọi về báo, "Cô gái trên sông" vừa được chiếu trên kênh truyền hình văn hóa châu Âu (ARTE). Mới đây, Công ty Văn hóa phương Nam in lại những tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam, trong đó có "Cô gái trên sông". Ông bảo, lâu rồi xem lại bộ phim, lại chợt nhận ra nhiều suy tư, tình cảm trong đó… và thấy đây là phim làm ông tâm đắc nhất.

NSND Đặng Nhật Minh đang chỉ đạo cảnh quay.

Trong biệt thự cổ nơi ông làm việc ở con ngõ Phan Chu Trinh vắng vẻ, chúng tôi cùng nhắc lại những ấn tượng mạnh từ bộ phim nổi tiếng "Bao giờ cho đến tháng 10". Cảnh chợ âm dương chính là khát vọng đoàn tụ của những người thân yêu, để làm vợi đi mất mát của chiến tranh, là nét văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Đây cũng là cảnh mà nhà văn Ngô Minh gọi là "trường đoạn rất tài hoa". Nhưng chính cảnh này đã từng bị yêu cầu cắt bỏ vì lý do "mê tín dị đoan". Các ý kiến tranh cãi khiến bộ phim đã lập "kỷ lục bất đắc dĩ" khi phải duyệt đi duyệt lại tới 13 lần.

NSND Đặng Nhật Minh nhớ lại: Giữa những ý kiến nhiều chiều, GS.TS.NSND Đình Quang, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, đã lên tiếng bảo vệ: "Chừng nào trong mỗi gia đình Việt Nam còn có bàn thờ, thờ cúng người đã khuất, thì trường đoạn chợ âm dương trong phim này là điều bình thường!". Để rồi, "Bao giờ cho đến tháng 10" đã mang sứ mạng là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam đến Mỹ và nhanh chóng gây được tiếng vang lớn ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, trước khi nhận Giải đặc biệt của Ban Giám khảo LHP tại Honolulu, Hawaii. Cách đây 3 năm, trong một lần gặp gỡ, vị giáo sư về văn hóa phương Đông ở Hawaii kể với NSND Đặng Nhật Minh: Ông đã hơn 100 lần chiếu phim "Bao giờ cho đến tháng 10" cho sinh viên xem, lạ thay, mỗi lần xem, lại nhận ra những chi tiết mới, bởi trong đó chứa đựng cả văn hóa tâm linh, đời sống tình cảm của người Việt Nam.

Kịch bản phim "Thương nhớ đồng quê" của Đặng Nhật Minh từng bị từ chối. Nhưng đây lại là kịch bản được các nhà làm phim Nhật Bản đánh giá cao nên đã đầu tư sản xuất và đã được đánh giá hay nhất trong bốn bộ phim mà Nhật đầu tư ở các nước dịp này. Trong khi dư luận trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt, thì "Thương nhớ đồng quê" vẫn bị một số ý kiến cho là "bôi đen hiện thực, không thấy những thành tựu đổi mới… Để rồi, dù bộ phim "Thương nhớ đồng quê" bị loại ra khỏi giải thưởng LHP Việt Nam XI, nhưng đạo diễn Đặng Nhật Minh lại nhận giải Đạo diễn xuất sắc!

Còn phim "Thị xã trong tầm tay" của ông từng giành Huy chương vàng và được đánh giá là "giàu chất điện ảnh", thế nhưng, đây cũng là bộ phim bị những ý kiến phản đối quyết liệt ở khâu duyệt kịch bản: Kịch bản thiếu kịch tính, thiếu yếu tố để làm thành một phim truyện và nhất là, có đoạn động chạm đến công tác tổ chức!

Ở tuổi 70, đã nghỉ hưu nhưng trong trái tim người nghệ sĩ tài danh, tình yêu và tâm huyết với điện ảnh nước nhà lúc nào cũng vẹn đầy. Giữa bối cảnh các dòng phim đan xen, xu hướng làm phim vì doanh thu có phần lấn át, NSND Đặng Nhật Minh vẫn kiên trì với quan điểm làm phim vì nghệ thuật. Để rồi, ông lại tiếp tục tỏa sáng với "Đừng đốt" - bộ phim có nhiều giải thưởng nhất trong nước năm 2009 và từng tranh giải phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar 2009.

Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2010 đang rớt xuống, NSND Đặng Nhật Minh đã có thêm một bất ngờ cho công chúng, bất ngờ với cả chính ông, khi được nền điện ảnh Mỹ vinh danh với lời đánh giá là "đạo diễn huyền thoại". Một lần nữa, "Mùa ổi" - vốn đã được ngôi sao điện ảnh Pháp, Emmanuelle Béart, bày tỏ ấn tượng sâu sắc là phim đã giúp cô cảm nhận rõ hương vị, tinh thần và con người Việt Nam, lại tiếp tục mang đến cho ông điều kỳ diệu, khi được Viện HLNT&KHĐA Mỹ công chiếu trong lễ vinh danh ông, đêm 10/11/2010.

Bà Ellen Harrington, Giám đốc đối ngoại Triển lãm và sự kiện đặc biệt, thành viên Ban tuyển chọn phim nước ngoài tham dự Oscar, cho biết: "Chúng tôi nghĩ người Mỹ sẽ thích nhìn thấy cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam, điều có thể tìm thấy trong "Mùa ổi". Và sở dĩ, Viện chọn đạo diễn Đặng Nhật Minh để vinh danh, bởi ông là một nhà làm phim tiên phong trong cộng đồng những người làm phim không chỉ ở Việt Nam".

Nhưng khi nói về thành công của mình, NSND Đặng Nhật Minh chỉ giản dị: "Tôi không phải là người có những tìm tòi phát hiện mới mẻ về hình thức và ngôn ngữ điện ảnh. Tôi chỉ là người kể chuyện về đất nước mình, kể chuyện một cách chân thành"

Thanh Hằng - CAND Tết 2011
.
.
.