Dàn diễn viên Việt - Pháp công diễn vở "Antigone Việt Nam": Kết tinh độc đáo của những miền xa lạ

Thứ Ba, 17/06/2008, 15:45
Vở "Antigone Việt Nam" sẽ đi một vòng Hà Nội - Huế - Sài Gòn trước khi trở lại Hà Nội vào ngày 17/6 này. Đây là lần thứ ba tôi xem kịch của đoàn Monte-Charge công diễn ở Hà Nội - trong đó, hai lần sau đoàn không còn đứng tên riêng, mà ghi danh là Sân khấu Monte-Charge và Nhà hát Tuồng Trung ương.

Ngay từ vở đầu tiên, "Scapin", với vẻ "thuần túy" Pháp (cải biên kịch "Tartuffe" của Molière), đoàn Monte-Charge gồm 5 diễn viên Pháp và Tây Ban Nha vào vai 9 nhân vật (do có sử dụng mặt nạ), khán giả đã có thể thấy một sắc thái mới lạ của hướng hoà nhập: diễn viên nói tiếng Pháp, cốt truyện Pháp, hình thức đậm nét hề kịch của Pháp, nhưng tất cả đã thấm đẫm một không khí tuồng từ những mặt nạ cường điệu và trang phục tơ lụa sặc sỡ tới phong cách diễn xuất với những động tác ước lệ (cưỡi ngựa, múa đao, xưng danh, động tác mở cửa, run rẩy, ngất xỉu…).

Tới vở thứ hai (2006), vở "Vòng cát", sự hoà hợp và kết tinh đã phát triển lên một bước mới đập vào mắt khán giả. Cốt truyện lấy khung cảnh ở Việt Nam, với những đề tài môtíp quen thuộc của tuồng cổ: ác và thiện, trung nghĩa và phản bội, âm mưu và thoán đoạt…

Đặc biệt, lần này trên sân khấu xuất hiện cả các diễn viên tuồng Việt Nam, và các "ông Tây bà đầm" cũng đóng tuồng luôn! Ai nói tiếng của người ấy, vậy mà chính nhờ những đối thoại giữa hai thứ tiếng (Việt và Pháp) được phối hợp và kết tinh khéo léo đã khiến vở kịch được công diễn hàng trăm lần, cả công chúng Việt Nam và nước ngoài đều hiểu. Đó là một kỳ công bắt đầu từ việc viết kịch bản, tới trang phục (thiết kế: Minh Hạnh).

Lần này, đoàn Monte-Charge, với ông bầu của "gánh hát" vẫn là Alain Destandau, lại cùng Nhà hát Tuồng Trung ương cho ra mắt tại Hà Nội, Festival Huế và TP Hồ Chí Minh vở "Antigone Việt Nam". Điều đáng ghi nhận ở lần này là sự phối hợp vừa mở rộng, vừa sâu xa vào những miền xa thẳm của vô thức, của truyền thống, của thời gian và không gian.

Có thể nếu không có vài lời mào đầu dẫn vào tích cổ (của phương Tây) thì khán giả Việt Nam không thể hiểu thấu hết những tầng ý nghĩa, những ám dụ, và cả cốt truyện của vở kịch nữa. Antigone là một nhân vật của huyền thoại Hy Lạp, là mẫu gốc đã được nhiều tác gia kịch nổi tiếng thế giới tái tạo lại qua nhiều thế kỷ.

Khán giả am hiểu điển tích mới thấy được những cải biên đầy sáng tạo ở vở "tuồng" nhằm dựng lên một Antigone (tên Việt là Ti An) đã Việt hóa trước hết ở tình tiết cốt truyện. Điển tích xưa về hận thù, về huynh đệ tương tàn đầy không khí định mệnh đã chuyển thành câu chuyện về anh em giết nhau bởi sa vào bẫy của một kẻ không cùng huyết thống ném đá giấu tay - kẻ giết vua và cướp ngôi.

Kết thúc của huyền thoại Hy Lạp tắm trong bi kịch: dù triều đình kết án tử hình Antigone vì cô định chôn cất người anh (Polynice) nhưng cô vẫn quyết chống lại lệnh của triều đình và tự sát sau khi đã làm tròn nghĩa vụ của người em. Còn kết thúc vở "Antigone Việt Nam", bầy chim mà trước đó Ti An phóng thích khỏi lồng đã quay về cứu cô khỏi bóng ma của chết chóc.

Đằng sau bóng dáng người con gái vận đồ tang cô đơn và tuyệt vọng đang khâm liệm Vương Pô (chuyển dịch tên Polynice sang tiếng Việt) không nỡ "bỏ lại người anh cô đơn… linh hồn phải lạc loài vô định trong khi thịt da tan nát", đã xuất hiện tin vui cấp báo: âm mưu của kẻ thoán ngôi đã bị vạch trần, cô sẽ không phải chết.

Vũ đạo đã phát huy được vẻ đẹp và sức gợi mở cho tích truyện. Ngay từ mở đầu, trong không khí thanh bình, qua màn múa đơn của Vong Li (một trong hai người anh), những động tác dữ dội đã đến với Ti An như trong cơn ác mộng, như là điềm triệu của tấn bi kịch sẽ tới.

Cảnh các diễn viên đấu giáo mác (được lời dẫn vở kịch ghi rõ "thể hiện theo phong cách diễn xuất tuồng") thật đẹp mắt và ấn tượng, gần như một màn vũ đạo. Toàn bộ vở kịch được điểm nhịp bằng sức mạnh của bộ gõ (Nguyễn Văn Quỹ chỉ đạo). Ngay từ đầu, tiếng trống đã mang không khí dự báo bi kịch. Kết hợp với vũ đạo, có lúc nó giống như tiếng súng, có lúc nó là nhịp đập dữ dội của cuộc tàn sát bi thảm.

Bên cạnh đó, đàn bầu (nghệ sỹ Xuân May) đưa ta về một thế giới khác, khẽ khàng và sâu lắng, khúc hát thê lương tràn ngập âm sắc tuồng pha trộn nỗi buồn, giận dữ và tuyệt vọng của Ti An đòi hỏi một công chúng tinh tế lắng nghe. Bởi theo đúng với nét độc đáo của đối thoại do "gánh hát" này thực hiện, ở sân khấu không có micro mà diễn viên nói "mộc", để khán giả thấm thía hết chất giọng của từng vai.

Với đoàn Monte-Charge, các diễn viên (Bétina Schneberger, Alain Destandau, Richard Cayre, Nguyễn Thị Lộc Huyền, Nguyễn Việt Yên, Nguyễn Văn Thọ) hầu hết đều đeo mặt nạ, nên đã dành cho ta sự bất ngờ khi cúi chào lần cuối: tấm mặt nạ đã gỡ ra, những gương mặt trẻ trung, hiện đại đột ngột xuất hiện, nhắc nhở ta nhìn câu chuyện từ một khoảng cách, để suy ngẫm về một miền khác, tại đây và bây giờ.

Chắc chắn rằng buổi công diễn chính thức mở đầu vào ngày 17/6/2008 ở Hà Nội sẽ khiến khán giả có những thể nghiệm mới mẻ không những về một hình thức sân khấu, mà cả những vấn đề đương đại

Đặng Anh Đào (Nhà phê bình)
.
.
.