Đại tá, nhà văn Trần Diễn: Chữ tình giúp tác phẩm sống mãi với thời gian

Thứ Hai, 25/08/2014, 09:50
Suốt 3 thập kỷ gắn bó với văn chương, Đại tá, nhà văn Trần Diễn, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB CAND, đã có gần 20 tiểu thuyết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc. Ông đặc biệt thành công ở mảng sáng tác về lĩnh vực tình báo, phản gián và đã giành những giải thưởng văn học lớn. “Tác phẩm đầu tay” lần này có cuộc trò chuyện cùng ông, một trong những nhà văn xuất sắc của lực lượng Công an.

+ Tác phẩm đầu tay của nhà văn, luôn có nhiều dấu ấn và đó là điều được bạn đọc quan tâm. Còn ông?

Nhà văn Trần Diễn: Năm 1984, tôi trình làng tác phẩm đầu tay "Mã số 07" - một tiểu thuyết phán gián, do NXB QĐND ấn hành, với số lượng 40.000 bản. Cuốn sách nói về hoạt động của gián điệp nước ngoài nằm vùng ở phía Bắc, đã tìm cách lấy cắp tài liệu về vũ khí bí mật quân sự của Việt Nam nhưng bị lực lượng an ninh của ta phát hiện và bắt được. Tiểu thuyết dày hơn 200 trang này được viết trong khoảng một tháng. Ban đầu, tác phẩm có tên là “Viên bi tròn”, sau đó, đổi thành “Viên bi số 7” và cuối cùng, chốt lại với tên “Mã số 07”. Về sau, cuốn sách đã được tái bản, được dịch sang tiếng Trung và đăng tải toàn bộ trên Báo Sài Gòn Giải phóng bản Trung Văn.

+ Đề tài về tình báo rất thành công, tại sao ông lại không tiếp tục?

Nhà văn Trần Diễn: Sau khi tôi viết cuốn “Mã số 07”, một người bạn của tôi, cũng là nhà văn, tâm sự với tôi, không nên đi sâu đề tài này vì dù sao tôi cũng từng sống ở nước đó nhiều năm. Lời khuyên ấy quả thực đã làm tôi suy nghĩ và không quay về mảng đề tài này nữa.

+ Ông vẫn tiếp tục trăn trở với đề tài tình báo của các nước khác ở Việt Nam, có phải vì ảnh hưởng từ thành công của tác phẩm đầu tay?

Nhà văn Trần Diễn: Ngay từ tác phẩm đầu tay và cho đến những tác phẩm sau này của tôi đều có chung đề tài về an ninh Tổ quốc, trong đó đi sâu vào lĩnh vực hoạt động tình báo phản gián, không phải do tác phẩm đầu tay định hướng, mà là do tính chất công việc của tôi. Trên cơ sở chất liệu thực tế, tôi nhào nặn, hư cấu và sáng tạo nên tác phẩm của mình. Vẫn đi vào lĩnh vực tình báo, nhưng hoạt động gián điệp của Nhật, Mỹ cũng khác nhau, nên trong tác phẩm của tôi phản ánh cũng khác.

+ Trong toàn bộ sáng tác của mình, ông chỉ “chung thủy với một đề tài. Có khi nào ông thấy nhàm chán, hay ngược lại, ông nghĩ đó là ưu thế?

Nhà văn Trần Diễn: Tại sao lại nhàm chán với một mảnh đất màu mỡ, chưa mấy người khai thác, đặc biệt, đó là môi trường tôi đã sống, đã làm việc và đồng đội tôi vẫn còn tiếp tục làm việc? Vì thế, tôi đã viết với tất cả niềm yêu mến, trân trọng công việc và đồng đội mình. Đây là một đề tài hấp dẫn nhưng không dễ viết, nếu không am hiểu thực tế, vì đòi hỏi chất liệu cuộc sống, lao động quá khứ của bản thân rất nhiều. Do đó, tôi coi đây là thế mạnh của mình, vì từng công tác ở môi trường ấy, nên khá am hiểu công việc của đồng đội. Đó cũng là lý do, ngoài các tiểu thuyết, tôi còn viết kịch bản phim “Người cận vệ” cũng đề tài này. Xin bật mí tôi đang hoàn tất kịch bản phim 30 tập “Cô gái chạy trốn”, “Chàng kỹ sư và 2 người tình” cũng dài 30 tập,

+ Thông điệp chính mà ông muốn gửi đến bạn đọc trong các tác phẩm xuyên suốt một đề tài của mình là gì?

Nhà văn Trần Diễn: Viết về đề tài Công an, nhưng tôi đi sâu vào lòng nhân ái, cái thiện trong từng nhân vật. Tôi muốn bạn đọc hiểu nhiều hơn về công việc của lực lượng trong CAND. Họ là những người rất thông minh, dũng cảm trong nhiều cuộc đấu trí với kẻ thù, để giành chiến thắng cuối cùng. Bên cạnh đó, là bài học cảnh giác cho mỗi người trước những âm mưu, thủ đoạn của đối phương luôn có ý đồ xấu đối với dân tộc ta, đất nước ta.

+ Với gần 20 tác phẩm, có thể gọi là chuyên biệt về đề tài tình báo, phản gián, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm sáng tác trong mảng đề tài rất hấp dẫn bạn đọc này? Các câu chuyện của ông đều phải có chất liệu thực tế?

Nhà văn Trần Diễn: Câu chuyện nào cũng có một chút thực tế, nhưng chủ yếu người viết phải sáng tác bằng sự tưởng tượng của mình, chứ không phải là sao chép, ghi lại hiện thực cuộc sống và sự việc như nó vốn có. Vả lại, viết về lực lượng Công an, nhưng tôi không viết về sự việc, con người cụ thể, hay những trận đánh đấm, mà khai thác tâm lý, tình cảm nhân vật giải quyết thế nào trước sự kiện đó, để đưa ra những vấn đề mang tính xã hội. Mỗi nhân vật lại có một số phận riêng, không trùng lặp.

+ Quả thực là ông đã rất thành công trong sáng tác ở đề tài độc đáo này, khi nhiều cuốn được tái bản và riêng tiểu thuyết "Cuộc truy tìm T72" đã được tái bản 3 lần, với tổng lượng in tới 80.000 ngàn bản-con số đủ khiến nhiều người cầm bút phải ngưỡng mộ. Ông có thể chia sẻ những bí quyết cá nhân?

Nhà văn Trần Diễn: Định viết về lĩnh vực nào, phải am hiểu lĩnh vực đó. Ở đây, phải am hiểu công việc của lực lượng tình báo và phải viết bằng sự đồng cảm, thấu hiểu của trái tim, cũng như suy nghĩ, gắn với đời sống hằng ngày. Dĩ nhiên, còn đòi hỏi cả phông văn hóa của người viết. Tôi thường viết một mạch theo suy nghĩ, có khi xong chương cuối đẩy lên thành chương đầu. Tôi không viết theo đề cương, vì tôi sáng tác chứ không viết theo kiểu tiểu thuyết tư liệu, vì như thế sẽ không có sự rung cảm của nhà văn trong đó.

+ Nghề viết, với ông, có khi nào phải chịu thiệt thòi, hay đều là được nhận?

Nhà văn Trần Diễn: Viết văn thì chả có gì thiệt thòi. Ngoài mất sức khỏe, còn thì tôi thấy được tất cả. Tôi được giải tỏa suy nghĩ, cảm xúc của mình, được bạn đọc biết đến và điều quan trọng nhất với người cầm bút là được chia sẻ tình cảm, suy nghĩ của mình với mọi người.

+ Giờ đây, muốn nói về nghề viết, ông sẽ nói gì?

Nhà văn Trần Diễn: Người viết tiểu thuyết là dùng ngòi bút phân tích, chứng minh cái nhất của đời người: kẻ thù lớn nhất, tội lỗi lớn nhất, thất bại lớn nhất, ngu dốt lớn nhất, lỗi lầm lớn nhất, thắng lợi lớn nhất, tình yêu say đắm nhất … Mỗi nhà văn trong một hoặc hai, ba tiểu thuyết viết về một cái nhất. Riêng tôi thì cho rằng, cái nợ lớn nhất của đời người là tình cảm. Nợ thì phải trả. Điều đó cắt nghĩa tại sao những nhân vật của tôi dù làm cán bộ công chức, Công an, bộ đội hay cô gái bán bia trong nhà hàng karaoke… cũng được đối xử bao dung, nhân ái, vị tha để trả cái nợ, cái lỗi lớn nhất của đời người là tình cảm. Viết được điều ấy, chắc chắn, mỗi tác phẩm sẽ sống mãi với thời gian. Bởi, chữ tình duy trì cả thế giới.

+ Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Đại tá, nhà văn Trần Diễn đã xuất bản gần 20 đầu sách: “Mã số 07”, “Cuộc truy tìm T72”, “Đường dẫn đến tội lỗi”, “Bức thư giải oan”, “Trùm phản chúa”, “Mihara - người bạn Nhật”, “Đứa con lạc mẹ”, “Hai người tìm nhau” vv... Tác phẩm mới nhất của ông là tiểu thuyết “Tình án”. Ông còn 2 kịch bản phim truyền hình cũng về đề tài an ninh Tổ quốc chuẩn bị dàn dựng.

Ông cũng đã được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn và Bộ Công an về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống cho tác phẩm “Đứa con lạc mẹ” và Giải thưởng 10 năm văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống cho tiểu thuyết “Bức thư giải oan”.

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.