Đại tá, nhà văn Dương Duy Ngữ: Tôi thích viết về vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam

Thứ Hai, 01/09/2014, 10:00
Từ lâu, Đại tá, nhà văn Dương Duy Ngữ đã nổi tiếng với các tác phẩm viết về văn hóa truyền thống của Việt Nam, bên cạnh mảng đề tài về LLVT và chiến tranh cách mạng, với các cuốn “Người giữ đình làng”, “Rước chữ”, “Người trồng địa lan”, “Chuyện làng ba họ”, “Linh khí”... Hơn 3 thập kỷ sáng tác, ông đã có ngót 30 đầu sách, trong đó, có 4 cuốn viết về đề tài người chiến sĩ Công an, Dương Duy Ngữ cũng là một nhà văn thường xuyên cộng tác với các đơn vị báo chí, xuất bản trong CAND. “Tác phẩm đầu tay” lần này trò chuyện cùng ông:

Là một nhà văn Quân đội và lại thành công ở mảng đề tài về làng quê, về văn hóa truyền thống. Vậy thì tác phẩm văn học đầu tay của ông là viết về người lính, hay viết về văn hóa làng quê, thưa ông?

NV Dương Duy Ngữ: Khi bắt đầu viết văn, tôi đang là lính pháo cao xạ của Phòng không Không quân (PKKQ). Vì thế, tôi đã viết về cuộc chiến vô cùng khốc liệt của bộ đội pháo cao xạ mà chính tôi cùng đồng đội tham gia. Giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, Trung đoàn pháo cao xạ của tôi chiến đấu bảo vệ bầu trời nước bạn Lào. Và tác phẩm đầu tay “Sắc trời” của tôi là viết về những trận đánh máy bay Mỹ ở chiến trường Nam Lào mà tôi đã trải qua với những ký ức không thể quên: Hôm đó, đang ở Trung đoàn thì tôi xin về dưới Đại đội. Anh Đỗ Chu can tôi đừng xuống lúc này, vì còn đang đánh nhau dữ lắm, nhưng tôi cứ đi, 2h sáng mới đến nơi. Buổi sáng, Đại đội trưởng cho người gọi tôi sang hầm của anh ăn lương khô, thì anh bạn ở hầm trinh sát bảo, ở đây nhiều lương khô lắm, cần gì phải đi. Nhưng tôi vẫn sang. Nào ngờ, vừa chui vào hầm Đại đội trưởng, thì một quả bom laze rơi trúng hầm trinh sát, làm căn hầm chữ A bẻ ngửa ra, hất tung cả 3 chiến sĩ trong đó lên trời. Còn tôi và Đại đội trưởng bị sức ép đến mức, phân ra cả đằng miệng. Không có nước để súc miệng, Đại đội trưởng bảo tôi lấy đất mà súc miệng. Những chi tiết này, về sau, tôi cũng đưa vào những trang viết của mình. Vì những thiệt hại do bom laze của Mỹ gây ra rất lớn, nên bộ đội PKKQ đã nghiên cứu, tìm cách đánh để chống được bom laze, thông đường, giải phóng xe, thay đổi tình hình. Kinh nghiệm này đã được phổ biến toàn quân. Thực tế này đã lắng sâu trong tâm trí tôi, để tôi viết “Sắc trời” vào năm 1977-1978.

Tại sao tới hơn mười năm sau, tác phẩm đó mới ra đời, thưa ông?

NV Dương Duy Ngữ: Thời gian đó, 21 anh em bộ đội có khả năng viết lách của các binh chủng được tập hợp về học khóa sáng tác đầu tiên của Quân đội ở Trường Viết văn Nguyễn Du, rồi được đi trại sáng tác 2 tháng ở Đà Lạt. Lớp của chúng tôi khi đó có Chu Lai, Đỗ Chu, Xuân Đức, Khuất Quang Thụy…, do nhà nhơ Hữu Thỉnh làm lớp trưởng. Mỗi người đều chọn những đề tài mà mình hiểu biết và tâm đắc để viết: Chu Lai có tiểu thuyết “Nắng đồng bằng” viết về lực lượng đặc công, Xuân Đức có “Cửa Gió” viết về địa đạo Vĩnh Mốc, Hữu Thỉnh viết “Đường tới thành phố”… Còn tôi, là lính cao xạ nên chọn đề tài về PKKQ để viết truyện ngắn. Những chuyện chiến đấu năm xưa tôi vẫn ấp ủ, nay có cơ hội viết và “Sắc trời” ra đời.

Đại tá, nhà văn Dương Duy Ngữ.

Con đường nào đưa ông từ một người lính pháo thủ trở thành nhà văn?

NV Dương Duy Ngữ: Nghiệp viết văn cũng bắt đầu từ chuyện chiến đấu. Năm 1965, tôi làm pháo thủ số 5 ở Đại đội 1 của đoàn Tam Đảo, PKKQ. Do lập nhiều chiến công xuất sắc, nên đơn vị tôi được phong danh hiệu Anh hùng LLVT và được Bác Hồ về thăm. Người đội thử chiếc mũ sắt của tôi, rồi chia thuốc lá cho các chiến sĩ bộ đội và chụp ảnh chung với chúng tôi. Những kỷ niệm này để lại dấu ấn trong tôi, nên sau này, khi có phong trào viết về những kỷ niệm sâu sắc trong chiến tranh chống Mỹ, tôi đã viết một bài dài “Bác Hồ với khẩu đội chúng tôi”. Nhưng nhà văn Hữu Mai và Đại Đồng, lúc đó là đang hướng dẫn tại trại viết do Quân chủng PKKQ tổ chức, góp ý tôi nên chia bài viết nhỏ ra và tôi đã viết thành ba mẩu chuyện: “Điếu thuốc của Bác Hồ”, “Khóm hoa hồng của Bác Hồ” và “Bác Hồ với chiếc mũ sắt”. Cả 3 chuyện nhỏ ấy sau này được in nhiều lần trong các cuốn sách về Bác Hồ.

Sau khi chính thức đi vào nghiệp viết, ông vẫn tiếp tục với đề tài mà tác phẩm đầu tay đã chọn?

NV Dương Duy Ngữ: Tôi say sưa theo đuổi đề tài này chừng 13-14 năm nữa. Nhưng thấy viết hàng chục cuốn sách mà không nổi lắm, trong khi anh em trong quân đội cùng lứa với mình được lăng-xê nhiều hơn, tôi cũng buồn. Rồi tôi dừng viết về đề tài người lính trực tiếp chiến đấu, mà chuyển sang viết về người lính thời hậu chiến, với những phong tục, tập quán và văn hóa ở làng quê và không ngờ lại thành công.

Quan điểm của ông về công việc sáng tác?

NV Dương Duy Ngữ: Viết gì thì viết, nhưng tôi chỉ đi tìm vẻ đẹp trong con người Việt Nam. Vẻ đẹp đó tôi quan niệm như giọng opera trong âm nhạc, rất hiếm có và khó tìm. Nhưng vẻ đẹp ấy kết tinh lại, giúp chúng ta làm nên chiến thắng. Trong văn chương, nhiều người có “giọng” chửi đổng, “chửi mất gà”, nhưng tôi không thích thế. Tôi thích đi tìm vẻ đẹp. Tôi rất thán phục khi đọc Đỗ Chu, vì ông chỉ viết về cái đẹp – thứ rất khó viết mà tôi thấy mình không với được. Nhiều người nói văn Đỗ Chu là “văn học tuổi xanh”, nhưng thực ra, viết về cái đẹp hay như thế, phải là cao thủ mới đạt tới được, nên nó giống như giọng opera trong âm nhạc.

Một nhà văn Quân đội, thành danh từ những cuốn sách viết về văn hóa truyền thống, làng quê Việt Nam, nhưng cũng tạo được tên tuổi trong đề tài Vì an ninh Tổ quốc. Ông có thể chia sẻ nguyên do ông chọn viết về hình tượng người chiến sĩ Công an?

NV Dương Duy Ngữ: Năm 1998, Bộ Công an mở trại viết và mời một số nhà văn, trong đó có tôi. Tiếp cận với mảng đề tài này, tôi thật mừng khi thấy đây như một mỏ quặng dồi dào, chưa được khai phá mấy, nên lao vào viết. Mà được viết về cái đẹp thì quả là rất sung sướng, nên tôi khai thác hết truyện ngắn lại sang tiểu thuyết về đề tài này. Tất cả có 4 cuốn. Nội dung chính của các tác phẩm này vẫn là khai thác cái đẹp trong tâm hồn, tình cảm của người Công an. Họ là những người thông minh, giỏi giang, nắm chắc tình hình dân chúng, địa bàn, diễn biến tiêu cực, cái gì cũng biết, nhưng luôn tỏ ra như không biết gì hết. Và vì thế, chớ có coi thường họ.

Điều tâm huyết nhất mà ông muốn gửi gắm trong mỗi trang viết, là gì?

NV Dương Duy Ngữ: Hãy đào sâu vào cái đẹp của dân tộc, của con người Việt, vì còn nhiều vẻ, rất phong phú. Mỗi thời kỳ, do nhu cầu cuộc sống lại nảy nở những vấn đề khác nhau. Và tôi luôn yêu thích cái đẹp.

Được biết, mặc dù đã không còn trẻ khỏe, ông vẫn đang tiếp tục sáng tác?

NV Dương Duy Ngữ: Tôi đang viết về đồng đội tôi, những người lính của khẩu đội pháo cao xạ năm xưa trong cuộc sống hôm nay. Mỗi người sẽ là một chương trong cuốn sách, với những câu chuyện đầy chất nhân bản và mang đậm văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó là lòng vị tha, là sự bao dung ấm áp tình người. Tôi cũng muốn viết tiếp đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, vì còn rất nhiều tư liệu quí mà chưa được nhiều người khai thác.

Cảm ơn ông!

Đại tá, nhà văn Dương Duy Ngữ sinh năm 1942 ở xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Năm 1964, ông vào bộ đội, thuộc đoàn pháo binh Tam Đảo, chiến đấu ở Nam Lào.

Nhà văn Dương Duy Ngữ đã có nhiều tác phẩm: “Phía trước mũi súng”,  “Hạnh phúc của tôi”, “Làng gỗ”, “Người hùng”, “Anh cảnh sát khó ngủ”, “Rước chữ”, “Hai cụ thượng làng”, “Cây mộc nhà Chúa”, “Lộc người”, “Tướng quân”…

Ông cũng được trao nhiều giải thưởng văn học: Giải thưởng của Bộ Quốc phòng 1989-1994 cho tập truyện “Người hùng”; Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập truyện “Rước chữ”; Giải thưởng của Bộ Quốc phòng cho tiểu thuyết “Lộc người”; Giải thưởng Văn học sông Mê Kông cho tác phẩm “Chuyện lạ nước Lào”.

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.