Đà Nẵng: Khai quật di tích Chăm rồi “bỏ rơi” do thiếu kinh phí
Mới đây nhất, tại thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), người dân tiếp tục phát hiện di tích tháp Chăm; tại đây các nhà khảo cổ thu thập được 161 hiện vật có xuất xứ từ văn hóa Chăm cổ xưa. Đặc sắc nhất là bậc tam cấp làm bằng đá nguyên khối, trong đó bậc dưới cùng tạo thành hình sen rộng, được xem là bậc tam cấp đá nguyên khối lớn nhất và duy nhất được biết từ trước tới nay trong nghệ thuật điêu khắc đá Chăm. Vào tháng 4/2011, người dân cũng phát hiện một số hiện vật Chăm ở Phong Lệ (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiến hành hai đợt khai quật trên diện tích rộng trên 500m2 và cũng hết sức bất ngờ khi lần đầu tiên phát hiện hố thiêng trong di tích Chăm Phong Lệ. Việc khai quật đã giúp giới nghiên cứu, khảo cổ biết được những cấu trúc cụ thể của lòng tháp Chăm.
Tuy nhiên, hai năm sau khi được khai quật, khu di tích tháp Chăm Phong Lệ vẫn còn giữ nguyên hiện trạng dở dang. Một phần diện tích được hoàn thổ, trả lại hiện trạng mặt bằng, còn lại các phiến đá thì phơi mình giữa nắng mưa. Hố thiêng tại di tích Chăm Phong Lệ bị xói lở và biến dạng. Bên cạnh đó, cuộc sống người dân sống trong ranh giới bảo tồn cũng gặp không ít khó khăn.
Sau hai năm khai quật, khu vực hố thiêng trong quần thể di tích Chăm Phong Lệ chỉ được che bằng tấm bạt sơ sài. |
“Nhìn các di tích khai quật lên rồi để đó thấy xót xa lắm, mưa gió sẽ làm cho nó bào mòn, biến dạng hết. Chúng tôi cũng không biết khi nào mới được di dời khỏi đây”, bà Nguyễn Thị Diêu (trú tổ 3, Phong Lệ, phường Hòa Thọ Đông), cho biết.
Được biết, từ cuối năm 2013, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt ranh giới bảo tồn khu di tích Chăm Phong Lệ, với tổng diện tích trên 2.600m2 và có 4 hộ dân bị ảnh hưởng, khả năng phải di dời. Nhưng, đến nay chính quyền phường Hòa Thọ Đông vẫn chưa biết rõ bao giờ được triển khai.
Theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, những cuộc khai quật các di tích Chăm tại Đà Nẵng đều vì mục đích nghiên cứu, phần lớn sau khi được khai quật xong, những di tích này đều được hoàn thổ. Chỉ riêng di tích Chăm Phong Lệ được quy hoạch để phục vụ nghiên cứu và phát triển du lịch.
“Hiện chúng tôi đang triển khai kế hoạch khai thác di tích Quá Giáng, sau đó sẽ tiến hành hoàn thổ. Còn di tích Phong Lệ thì đang chờ được phê duyệt, bởi hiện nay kinh phí đầu tư rất hạn hẹp, trong khi Đà Nẵng hiện có nhiều di tích cần được tôn tạo gấp”, ông Thắng cho biết