Cúi đầu trước chữ Nhân

Thứ Hai, 14/08/2006, 08:26

Có người chẳng biết viết chữ Nhân như thế nào, chẳng hiểu Nho học bàn về đức nhân ra sao, nhưng làm điều nhân đức như một lẽ "tự nhiên, nhi nhiên" trong cuộc sống.

"Chữ Nhân ấy chữ tượng vàng
Ai mà nhận được thì càng sống lâu"
                                                             (Ca dao)

Sau khi HLV Riedl họp báo để "kêu cứu" cho quả thận bị suy của mình, đã có rất nhiều người thông qua các kênh truyền thông, báo chí để bày tỏ ý định tặng thận của mình cho ông, ngõ hầu giúp "bệnh nhân người Áo" vượt qua bệnh tật.

Họ làm vậy với mục đích gì?

Để truy cầu danh tiếng khi gắn tên mình với một người của công chúng?

Để kiếm tìm lợi ích vật chất từ một HLV có tiền lương tính bằng đôla?

Hay đơn giản hơn là thừa không dùng đến nên cho?

Không! Dù rằng ở nơi nào đó trên thế giới, chuyện bán thận lấy tiền không phải là hiếm, nhưng trên mảnh đất Việt nhỏ bé và xinh đẹp của chúng ta, chẳng có ai rơi vào tận cùng của sự khốn khổ để có thể hy sinh một phần cơ thể cho chuyện mưu sinh, nhất là khi pháp luật Việt Nam chưa cho phép việc mua bán các cơ quan nội tạng, cũng như việc phẫu thuật ghép tạng chưa phổ biến. Và tất nhiên, người ta cũng khó thể tưởng tượng có ai cuồng vọng đến mức bệnh hoạn để đổi một phần máu thịt của mình lấy phút phù du, hư ảo của danh tiếng.

Vậy nên cá nhân người viết đồ rằng, trước hết và trên hết, tất cả những nghĩa cử mà các fan Việt đó dành cho vị HLV trưởng đều xuất phát từ một chữ Nhân.

Cái chữ Nhân mà thuở xưa, Đức Khổng Tử đã giảng nghĩa: "Người có đức Nhân là bản thân mình muốn đứng vững trong cuộc sống thì cũng nên giúp người khác đứng vững trong cuộc sống. Mọi việc đều có thể từ mình mà nghĩ đến người…".

Cái chữ Nhân mà ngày nay những tưởng mờ ảo và vơi vai giữa thời buổi kim tiền đảo điên, danh lợi lên đầu.

Cái chữ Nhân mà hành trình "nhập thế" từ sách thánh hiền ra cuộc đời trần tục vừa khó lại vừa dễ. Có kẻ cậy chữ, đọc sách cả đời mà chẳng truy tìm được chân giá trị của chữ Nhân. Cũng có người cậy mồm, luôn miệng giảng đạo về lòng nhân, nhưng nói chẳng bao giờ đi đôi với làm.

Thế nhưng, có người chẳng biết viết chữ Nhân như thế nào, chẳng hiểu Nho học bàn về đức nhân ra sao, nhưng làm điều nhân đức như một lẽ "tự nhiên, nhi nhiên" trong cuộc sống.

Như chàng thanh niên tên Vũ Minh Đức đã "gõ cửa" Báo CAND để mở lòng cho Riedl quả thận. Anh là ai? Một người nhà quê ra phố. Một nhân viên kinh doanh nghèo của một cửa hàng bán gas. Một chàng trai chắt chiu từng đồng tiền để gửi về cho mẹ già nơi quê nhà. Một thanh niên mà trình độ học vấn chỉ dừng ở lớp 9 đã phải "lăn" vào đời để mưu sinh. Vậy mà chữ Nhân trong anh không bị khuất lấp bởi những vất vả trên đường đời kiếm sống hay sự hạn chế của học vấn. Hành xử đầy thiện tâm của Đức với Riedl cũng thật giản đơn và nhẹ nhàng như đúng với những lời bộc bạch thật thà của anh: "Tôi đọc Báo CAND mới biết thông tin ông A.Riedl đang rất cần một quả thận khỏe mạnh để thay thế. Khi biết ông ấy thuộc nhóm máu O, tôi liên tưởng đến ngay mình cũng cùng nhóm máu, tại sao mình không thể hiến tặng ông ấy nhỉ?". 

Thế mới biết, chữ Nhân kia hẹp mà rộng, thấp mà cao, khó mà dễ, không phân biệt hạng người.

Chuyện Đức và rất nhiều những người khác sẵn sàng hiến thận cho HLV Riedl không chỉ là tấm gương về lòng nhân ái, mà nó đã mở ngõ thiện tâm, khởi nguồn nhân đạo để mọi người có cơ hội cứu giúp đồng loại chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo. Nó là sự mở đầu, nhưng hy vọng không phải là duy nhất

Bảo Hân
.
.
.