Cổ tích… tò he
Pằng... Pằng... Pằng, tiếng súng nổ ngay bậc cửa làm cả nhà giật mình, thì ra cậu bé hàng xóm mới được bố mẹ cho tiền mua đồ chơi Trung thu dù cả tháng nữa mới tới dịp. Nhìn món đồ chơi bọn trẻ cầm, bất giác tôi nhớ đến một món đồ chơi dân gian rất giản đơn nhưng giàu ý nghĩa. Tò he!
Mất cả một buổi tối để chuẩn bị đồ nghề, bao gồm những túi đựng bột ẩm nhiều màu sắc, những món đồ chơi nhỏ làm bằng bột ngộ nghĩnh: nào là rồng, là phượng, những con vật linh thiêng trong truyền thuyết và cổ tích Việt Nam, thậm chí cả những ông già Noel để đáp ứng nhu cầu của trẻ con thời hiện đại, bà Đặng Thị Sanh đã sẵn sàng cho "buổi chợ" sớm mai của mình tại một góc Vườn Bách thú Hà Nội. Bà Sanh là một trong số rất ít nghệ nhân còn lại của làng nghề truyền thống Xuân La, chuyên nặn thứ đồ chơi dân dã, rẻ tiền nhưng đã chinh phục được biết bao trái tim con trẻ: tò he.
Tôi còn nhớ cái cảm giác hồi hộp và sung sướng đến ngạt thở khi được mẹ mua cho con tò he đầu tiên, đó là một con trâu cắm ngất ngưởng trên que tre với đôi sừng đen cong vút, có một khoáy tròn màu nâu ngay trên đỉnh đầu, và kỳ lạ hơn nữa trên lưng trâu còn có một đứa trẻ ngồi đọc sách! Đó là năm tôi lên 6 tuổi, lần đầu tiên được mẹ cho đi chơi vườn bách thú.
"Làm thứ đồ chơi rẻ tiền này không thực khó mà cũng chẳng dễ dàng gì" - người nghệ nhân già nhẩn nha nói, đôi tay gầy guộc thoăn thoắt véo, nặn những miếng bột màu bé xíu, vê thành những mẩu nho nhỏ, mà khi lắp ghép chúng lại, ta sẽ được một ông quan công thật oai hùng với đầy đủ mũ, đao, khuôn mặt bằng... bột gạo vẫn tỏa ra cái vẻ quả quyết! Quả thật, phải có đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ thế nào mới có thể làm ra được những thứ đồ chơi nhỏ xíu, chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái nhưng thể hiện được đầy đủ cái hồn của người và vật.
Đã có thời, những con tò he hoàn toàn biến mất trên phố phường Hà Nội, cả làng lao đao mất nghề kiếm sống. Bởi tò he bị quy kết là một thứ đồ chơi "tiểu tư sản" trong thời buổi "gạo ăn đong, đậu phụ mua bằng phiếu" ngót hai chục năm về trước. Nhưng may mắn, nhờ có những nghệ nhân như bà Sanh, ông Thuận, ông Tố... làng nghề truyền thống vẫn được duy trì và đang hồi sinh từng ngày.
Hiện cả làng Xuân La có hơn 200 hộ gia đình chuyên nghề nặn tò he kiếm sống từ Nam chí Bắc. Một người thợ khéo tay và chăm chỉ có thể kiếm được một triệu đồng mỗi tháng, chưa trừ tiền nguyên vật liệu. Bà Sanh là đời thứ sáu trong gia đình họ Đặng làm nghề nặn tò he, bà hy vọng rồi đây những đứa cháu, chắt của mình vẫn tiếp tục theo nghề... Tùy theo kích thước to hay nhỏ, mẫu phức tạp hay đơn giản, một con tò he được bán với giá 2.000đ đến 5.000đ, trong khi thời gian nặn chỉ mất khoảng dăm phút đối với một người thợ lành nghề. Thế nhưng, theo như lời bà Sanh nói thì "phàm những nghề gắn với hạt gạo đồng chiêm có "hái ra tiền" bao giờ?". Tò hè chỉ bán được vào mỗi dịp lễ, Tết hay chủ nhật và không phải ai cũng sẵn lòng mua cho con mình thứ đồ chơi giá 5.000đ mà chỉ chơi được có một vài ngày.
Có thể một ngày nào đó bạn sẽ bắt gặp một người nặn tò he trên đường phố, nhớ mua cho mình một con tò he làm kỷ niệm! Người nặn tò he mà bạn gặp chắc chắn sinh ra ở làng Xuân La, xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây đấy. Bạn cũng đừng cố gắng hỏi tên của họ, bởi từ lâu lắm rồi, người Xuân La đã quen với cái tên chung thân thuộc: ông, bà tò he!
Một món đồ chơi dân gian đã quen thuộc liệu có mất đi cùng năm tháng và sự bùng nổ của đồ chơi hiện đại toàn dao găm, súng lục và hình thù quái dị được sản xuất bằng công nghiệp?