Chuyển nhượng trong thể thao Việt Nam: Còn nhiều vấn đề bất cập

Chủ Nhật, 02/05/2021, 07:11
V-League, giải đấu thể thao quy mô và chuyên nghiệp nhất Việt Nam hiện nay gần như không tồn tại khái niệm “chuyển nhượng” cầu thủ, HLV. Chính vì thế, khi vụ lùm xùm ở làng bóng chuyền giữa Kim Huệ và Vĩnh Phúc nổ ra, người ta mới giật mình nhìn lại cơ chế, quy định chuyển nhượng của nền thể thao nước nhà. Tất cả đều mông lung, lắt léo như đường lên chuyên nghiệp.


Ít ai biết bóng chuyền Việt Nam đã lên chuyên nghiệp từ năm 2004. Giải vô địch quốc gia Việt Nam thay thế Giải vô địch bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc, đến nay đã có 18 mùa giải được tổ chức.

Chính vì tính phổ biến không cao của bóng chuyền, các vụ chuyển nhượng cầu thủ, HLV giữa các đội bóng thường xuyên diễn ra trong im lặng và chỉ có người trong giới biết với nhau. Phải đến mùa giải 2021, việc HLV Kim Huệ và 3 nữ VĐV của CLB Ngân hàng Công Thương (NHCT) chuyển sang Bamboo Airways Vĩnh Phúc thất bại mới khiến người ta nhận ra những bất cập của hệ thống chuyển nhượng bóng chuyền.

Chỉ có số ít CLB ở V-League “nắm đằng chuôi” trong hợp đồng với cầu thủ như Hà Nội, Viettel hay HAGL.

Theo tài liệu đăng tải trên trang chủ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV), quy chế chuyển nhượng được cập nhật lần cuối cùng từ… tháng 1 năm 2010. Cả bản quy chế dài chưa đầy 5 trang, không đủ quy định cho tất cả các trường hợp có thể xảy ra và dẫn đến việc HLV Kim Huệ và 3 nữ VĐV của NHCT bị kỷ luật mà không phục. Vụ lùm xùm này hứa hẹn sẽ mở ra một chương mới cho bóng chuyền Việt Nam, đặc biệt khi các ông lớn bắt đầu quan tâm và muốn đầu tư nhiều hơn vào bộ môn này.

Nếu như bóng chuyền từ ngày lên chuyên nghiệp mới có một vụ chuyển nhượng gây tai tiếng, thì bóng đá đã có rất nhiều hợp đồng mà giới mộ điệu không thể định nghĩa. Thậm chí, nhiều người tin rằng V-League không có khái niệm “chuyển nhượng” giống như những gì tất cả đều tin rằng. Bạn sẽ không tìm được bất cứ tài liệu chính thống nào về phương thức, quy định chuyển nhượng cầu thủ giữa các CLB trong giải đấu, bất chấp sự thật V-League đã chuyên nghiệp hóa hơn 20 năm qua.

Ngay trong bản điều lệ mới nhất của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), chuyển nhượng cũng là từ xa lạ. Tất cả những gì VPF quan tâm là danh sách đăng ký và thời hạn đăng ký cầu thủ. Tương tự như vậy, VFF có rất nhiều tài liệu, nhưng tuyệt nhiên không có những văn bản rõ ràng về chuyển nhượng cầu thủ, về mức phí chuyển nhượng, thời hạn hợp đồng…

Khi Công Vinh sang Hà Nội T&T và sau này là CLB Hà Nội (tiền thân là Hà Nội ACB), đó hoàn toàn là giao dịch giữa một VĐV tự do - sau khi hết hạn hợp đồng với CLB cũ và một đơn vị đang đăng tin tuyển dụng. ACB không trả tiền cho T&T và T&T cũng không mất tiền cho SLNA để có được chữ ký của Công Vinh. Thương vụ bom tấn của ngôi sao số một bóng đá Việt Nam một thời đã diễn ra như thế.

Ở đây, Công Vinh sẽ tự mình giải phóng khỏi hợp đồng với CLB cũ và đàm phán gia nhập CLB mới. Trong quá trình này, Công Vinh nhận một khoản phí lót tay khổng lồ - một khái niệm rất riêng của bóng đá Việt Nam. Nếu như trên thế giới, tiền lót tay - hoa hồng chuyển nhượng chỉ chảy vào túi các “siêu cò” thì ở V-League, các vụ chuyển nhượng chỉ có thể xảy ra khi cầu thủ có tiền lót tay tương ứng với danh tiếng của anh ta.

Trong trường hợp cầu thủ còn hợp đồng với CLB cũ nhưng muốn ra đi? Cách giải quyết tương tự như trên, cầu thủ sẽ đứng ra đàm phán hủy hợp đồng với mức đền bù nhất định. Quá trình thương thảo thường thấy trên thế giới: CLB mua chốt thỏa thuận cá nhân với cầu thủ, đàm phán phí chuyển nhượng với CLB bán gần như không tồn tại ở V-League. Ngược lại, cũng có rất nhiều ngôi sao bị “trói” mãi ở một CLB mà không có cơ hội tìm bến đỗ khác xán lạn hoặc nhiều thử thách hơn.

Có lẽ cũng chính vì thế, các thông tin chi tiết về các hợp đồng ở V-League chỉ được truyền tai trong giới, khi mọi chuyện đã xong xuôi. Người hâm mộ sẽ không thể biết được CLB này đang muốn mua cầu thủ nào, hay cầu thủ này muốn chuyển đến CLB nào. Tất cả đều bí mật một cách lạ thường.

Đó là chưa kể đến những lần “điều động” cầu thủ lộ liễu như việc Hải Phòng đưa 3 trụ cột Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân và Fagan sang Hải Phòng ở giai đoạn 2 mùa giải năm ngoái. Ở thời điểm đó, Than Quảng Ninh đang chơi tốt, nằm trong nhóm tranh chức vô địch, nhưng họ lại “hy sinh” các ngôi sao lớn vì Hải Phòng có nguy cơ xuống hạng. Hay như mùa giải 2019, Hà Nội đồng ý để chân sút xuất sắc nhất lịch sử CLB và cả V-League: Hoàng Vũ Samson chuyển đến Quảng Nam vào giữa mùa giải. Đó là lúc Quảng Nam đang đứng thứ 11/13 sau lượt đi.

Trong thực tế, các CLB, các cầu thủ buộc phải đi theo hệ thống chuyển nhượng theo “lệ làng” của V-League 2021. Giữa các mối quan hệ nhằng nhịt, rất khó cho các bên nói chuyện với nhau bằng quy định, bằng các điều luật hai năm rõ mười.

Tuy nhiên, chuyển nhượng rõ ràng là vấn đề bất cập cần được sửa chữa, thay đổi ở V-League. Bên cạnh các trận đấu, chuyển nhượng chính là điều mà người hâm mộ quan tâm nhất. Người hâm mộ Việt Nam đã phải sống trong mê cung mua bán cầu thủ - thậm chí mua bán cả một đội hình quá lâu và xứng đáng được tiếp nhận nhiều thông tin hơn. Chỉ có như vậy, V-League mới thực sự tạo thành một hệ sinh thái chuyên nghiệp, tạo ra sức hút bền vững cho giải đấu.                        

Cần cơ chế bảo vệ các lò đào tạo

Chính vì hệ thống chuyển nhượng thiếu minh bạch, các CLB thấp cổ bé họng vốn dựa vào lò đào tạo địa phương ngày càng trở nên khốn đốn. Những cái tên của ngày cũ như Đồng Tháp, Long An, Nam Định, SLNA đều đang đi vào ngõ cụt vì thiếu kinh phí, vì không thể bán cầu thủ và tái đầu tư cho đội bóng như quy luật thông thường.

Đồng Tháp đã xuống đến hạng nhì Quốc gia, Long An chơi ở hạng nhất, Nam Định lên xuống V-League như đi chợ. Mới nhất, SLNA chạm đáy V-League 2021 trong sự ngỡ ngàng và chua sót của tất cả. Trong khi các cầu thủ xứ Nghệ bằng cách này, cách khác đang tung hoành khắp nơi, thì cái nôi của họ lại đứng trước nguy cơ phải xuống hạng Nhất lần đầu tiên trong lịch sử.

Ở châu Âu, các CLB luôn phải trả tiền phí đào tạo cho các CLB đầu tiên của các cầu thủ sau mỗi vụ mua bán. Những khoản phí đó dù ít hơn nhiều so với phí chuyển nhượng, nhưng cũng đủ giúp các CLB nhỏ tiếp tục sống và tiếp tục “đãi cát tìm vàng” cho cả nền bóng đá.

Đơn Ca
.
.
.