Chuyện cảm động phía sau tấm ảnh nhạc sĩ Văn Cao
27 bức ảnh, được lựa chọn từ kho tư liệu ảnh chụp Văn Cao rất lớn của Nguyễn Đình Toán, mà chính ông cũng không nhớ đã chụp bao nhiêu cuộn phim. Những bức ảnh lặng im mà đầy ắp thông tin, như dòng hồi tưởng mang sắc màu nhiếp ảnh, miêu tả đời sống thường nhật và quá trình lao động nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Cao, mang giá trị tư liệu rất lớn.
Nhà cùng khu phố với nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Đình Toán thường xuyên đến gia đình Văn Cao chụp ảnh. Càng chụp, càng phát hiện nhiều phẩm chất hay ở người nhạc sĩ lớn, ông càng bị cuốn vào cảm xúc ấy. Nguyễn Đình Toán kể, đến nhà Văn Cao, sau khi chào hỏi, thì cứ việc ai nấy làm. Nhạc sĩ làm công việc của mình và để Nguyễn Đình Toán mặc sức chụp, xong việc rồi lại đi. Nhưng không bao giờ Văn Cao hỏi về ảnh đã chụp. Chỉ có lần ông bảo: Anh chụp tôi có khi hàng yến, chứ không chỉ hàng cân ảnh nữa đâu nhỉ!”.
Không thích nói về mình, Nguyễn Đình Toán từ chối mọi lời mời phỏng vấn. Nhưng gợi chuyện về những bức ảnh, thì ông lại say sưa, như quên cả thời gian. Phía sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện vô cùng xúc động, liên quan đến cuộc đời người nhạc sĩ và mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Chỉ cần ngắm những bức ảnh về Văn Cao, đủ thấy được lao động nghệ thuật nghiêm cẩn của tác giả. Chỉ có thể là một niềm đam mê với người nhạc sĩ lớn, mới ghi lại những khoảnh khắc sinh động và chân thực đến thế. Với Nguyễn Đình Toán, chỉ khi nào thấy hay, thấy rung động, ông mới chụp. Đã hay thì chụp không tính toán, dù tiền mua phim (trước đây) và rửa ảnh không hề rẻ, đặc biệt là so với đồng lương “còm” của ông.
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán cùng gia đình nhạc sĩ Văn Cao tại triển lãm. |
Nguyễn Đình Toán không thích chụp ảnh theo cách bố trí, sắp đặt, nên những bức ảnh của ông đều rất chân thật, từ cuộc sống đến tính cách, trạng thái tình cảm. Giá trị tư liệu chính là ở đó, giúp công chúng có cái nhìn đầy đủ hơn về nhạc sĩ Văn Cao. Cuộc đời của nhạc sĩ lớn hiện lên sinh động, bình dị và gần gũi: Nhiều bức Văn Cao lặng lẽ một mình, hay tâm trạng bên nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo. Cũng có bức ghi được phút giây ông hồn nhiên bên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hay cười hóm hỉnh bên nhạc sĩ Thanh Tùng v.v… Có lúc ông trịnh trọng comple trong các sự kiện lớn, nhưng rất nhiều bức chụp ông trong trang phục giản dị ở nhà, giữa căn phòng quá đỗi đơn sơ. Dường như, luôn thấy có chén rượu trắng trên tay trái Văn Cao. Đôi lúc, bên bàn ông còn có cả rượu ngoại. Theo Nguyễn Đình Toán, Văn Cao luôn thích uống rượu trắng và uống bằng chén sứ, chỉ khi bạn bè đến, ông mới mở rượu mạnh.
Nguyễn Đình Toán còn ghi lại được hình ảnh trong đêm nhạc “Âm nhạc Văn Cao đồng hành cùng tuổi trẻ”, NSND Quý Dương bắt nhịp bài “Tiến về Hà Nội” ở chính giữa, nhưng điểm nhấn lại ở 2 bên, nơi có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao, đặc biệt là lúc nhạc sĩ đang hát rất sinh động.
Nhiều người xúc động trước bức ảnh Văn Cao ngồi độc ẩm bên bàn, trước mặt là một chiếc chén và một ấm trà. Gương mặt ông trầm lặng, suy tư. Đây là giây phút ông chờ đợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm nhà vào ngày 6 Tết Nhâm Thân 1992. Chụp 10 kiểu, Nguyễn Đình Toán mới có được bức ảnh này. Sau đó, là bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên Văn Cao, cả 2 người đều có gương mặt trầm tư, đau đáu, đầy tâm sự, bên cạnh là chai rượu không mở. Đây là khoảnh khắc đặc biệt mà Nguyễn Đình Toán ghi lại được.
Khi tôi đề nghị chụp ảnh bà Nghiêm Thúy Băng (phu nhân nhạc sĩ Văn Cao), bên một bức ảnh trong triển lãm, bà yêu cầu chụp bên bức ảnh cuối cùng trong cuộc đời nhạc sĩ. Đó là tấm ảnh chụp Văn Cao trong Bệnh viện Việt Xô, bên cạnh lọ sen trắng sắp tàn. Nguyễn Đình Toán kể lại: “Ngày 7/3/1995, tôi đến thăm và giở máy ra chụp ông, thì bà Thúy Băng can đừng chụp, vì lọ sen sắp tàn rồi, chụp sợ “sái”. Đây là bó hoa do nhà điêu khắc Lê Liên mang tặng Văn Cao từ ngày 29/6. Nhưng tôi không nghe, nên mới có được bức ảnh này. Vì 7 ngày sau, Văn Cao qua đời”. Vì thế, với gia đình và người yêu mến Văn Cao, bức ảnh này trở thành một kỷ vật vô giá.
Đằng sau những bức ảnh im lặng kia, đều chứa những câu chuyện về số phận, thậm chí, mang cả tính lịch sử với bao điều chưa nói, chưa biết về một nghệ sĩ lớn, mà Nguyễn Đình Toán đã ghi lại bằng cả tài năng, niềm đam mê lẫn sự dũng cảm. Có rất nhiều thử thách Nguyễn Đình Toán phải đối mặt mà ông không muốn kể. Chỉ biết rằng, ông từng phải chấp nhận không ít hy sinh, để thỏa mãn niềm đam mê, cũng như để chia sẻ với những số phận mà ông yêu thương, trân quí, bằng cách ghi lại những hình ảnh quí giá về họ. Chả thế mà không ít người đã bày tỏ niềm cảm ơn với Nguyễn Đình Toán “đã cho chúng tôi hiểu thêm về Văn Cao, một người con vĩ đại và niềm tự hào của dân tộc”.
Xúc động trước những tấm ảnh “Văn Cao 18 năm về trước”, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bày tỏ: “Nguyễn Đình Toán không chỉ đưa ra những tấm ảnh Ánh sáng và Bóng tối của Văn Cao, mà đây là sự trình thị trân kính sâu sắc với niềm vui và nỗi buồn, sự cô đơn của thân phận nghệ sĩ đa tài có một không hai của làng văn nghệ Việt Nam thế kỷ XX. Tôi như thấy cả ngọt ngào và cay đắng, cả an ủi và tự hào về những tháng ngày quây quần bên anh Văn không thể nào quên”. Nhà văn Phạm Xuân Nguyên lại đưa ra một câu đối thú vị: “Anh Toán chụp ông Văn, ảnh ông Văn rất nét Toán/Ông Văn trong ảnh anh Toán, hình ông rõ chất văn”.
Nhà văn Trần Thị Trường thì chia sẻ: “Những bức ảnh về Văn Cao thật đẹp, chứng tỏ một tay nghề, một cảm xúc thăng hoa tới điểm sáng tạo tuyệt vời của Nguyễn Đình Toán. Nghệ thuật nhiếp ảnh qua mắt Nguyễn Đình Toán càng cuốn hút mắt người nhìn. Nhờ anh, không chỉ chân dung Văn Cao được gìn giữ trong khoảnh khắc của thời gian, của ánh sáng và cuộc đời, mà Nguyễn Đình Toán còn nhiều chân dung nghệ sĩ khác”.
Nhiều người chắc sẽ thật vui, khi biết rằng, Nguyễn Đình Toán đang ôm ấp dự định sẽ triển lãm về một nhóm văn nghệ sĩ mà ông yêu mến và kính trọng