Chuyên án CM12 lên phim

Thứ Năm, 24/02/2005, 07:50
Chuyên án CM12 là một chiến công lừng lẫy của lực lượng Công an... đã được 2 nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng - Lê Hoài Nguyên gói gọn trong kịch bản phim truyện nhựa Trò chơi sinh tử đang gấp rút hoàn thiện để có thể bấm máy vào trung tuần tháng 3. Với thể loại phim phản gián, phim đang hy vọng sẽ thu hút đông đảo khán giả.

Trò chơi sinh tử - bộ phim ca ngợi chiến công của lực lượng Công an tóm gọn nhóm biệt kích có sự hậu thuẫn của bọn phản động nước ngoài do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu. Bối cảnh phim khá rộng: Trong và ngoài nước, nhưng tập trung nhiều ở vùng sông nước Cà Mau, An Giang...

Từ những nguyên mẫu có thật

Để có được kịch bản này, riêng nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng đã phải tham khảo rất nhiều tài liệu, từ tiểu thuyết Đêm yên tĩnh của nhà văn Hữu Mai, hồi ký Kế hoạch CM12 của tác giả Phước Tân và một lượng lớn Báo Công an nhân dân những năm 80 của thế kỷ trước. Đặc biệt, ông đã có một chuyến đi khảo sát địa danh, gặp gỡ những nhân chứng đã làm nên chiến công này.

Theo tác giả Nguyễn Anh Dũng thì khi bắt tay vào viết kịch bản này, hai ông gặp khá nhiều khó khăn mà lớn nhất là sự bộn bề của sự kiện và nhân vật. Độ dài phim chỉ gói gọn trong 120 đến 130 phút, nên để phản ánh hết được chiến công của lực lượng Công an trên nhiều trận tuyến, nhiều địa bàn là một điều không dễ dàng. Và sau chuyến đi thực tế, ông thu lượm được thêm nhiều chi tiết hay, đặc sắc nằm ngoài chính sử. Giữa ngồn ngộn những tư liệu ấy, để chọn được chi tiết điển hình, với ông giống như "lạc vào rừng". Từ khâu đề cương đến khâu viết kịch bản, ông phải thực hiện tới lần thứ 3 mới tạm hài lòng.

Sau chuyên án, trong lực lượng Công an đã có 3 cá nhân và 2 đơn vị được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Để tái hiện thành tích ấy nhưng không sa vào tuyên truyền khô cứng là thách thức với các nhà làm phim. Việc làm nổi bật sự tài trí, dũng cảm của các chiến sĩ Công an là một điều không dễ. Đó là những tên tuổi như đồng chí Tám Thậm (khi đó là Trưởng Công an huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), đồng chí Mười Lắm (hiện là Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau), đồng chí Bảy Thất, hiện là Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục An ninh... và rất nhiều chiến sĩ Công an khác. Cùng với những nguyên mẫu ấy là những cuộc đấu trí, đấu lực đầy gay cấn, hấp dẫn.

Về phía địch, Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh là 2 nhân vật chóp bu của tổ chức mà chúng gọi là "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" với tổng hành dinh đặt ở nước ngoài. Lê Quốc Túy đã có nhiều hoạt động nguy hại đến cách mạng Việt Nam. Hạnh và Túy tuy có tính cách đối lập nhau nhưng lại bổ sung cho nhau, tạo thành một cặp bài trùng về ý đồ phản dân hại nước hết sức nguy hiểm. Lê Quốc Túy vốn là con một đại địa chủ đồng bằng Nam Bộ, sống cuộc sống phóng túng như một "công tử Bạc Liêu". Hạnh lại mang tính cách của một viên chức người Bắc làm việc cho Pháp: trầm tính, kín đáo và thủ đoạn. Túy và Hạnh đã gặp nhau tại Pháp. Chúng đã tập hợp những lực lượng phản động trong và ngoài nước thành lập mật khu kháng chiến, hoạt động chống đối.

Liệu phim có hấp dẫn được khán giả?

Thể loại phim phản gián vốn rất dễ thu hút khán giả, song điều quan trọng là phải thể hiện được những tình tiết hấp dẫn, bất ngờ. Nâng cao yếu tố hấp dẫn đang được những người thực hiện Trò chơi sinh tử chú trọng. Công việc đầu tiên của các nhà làm phim là khai thác những yếu tố đời tư, những nhân vật đặc biệt để mềm hóa sự kiện. Có một nhân vật ngoài đời mà các nhà làm phim chọn để khai thác khá kỹ để dựng thành nhân vật điện ảnh. Đó là Phạm Công Danh. Vốn là Phó phòng Khai thác thủy sản của một tỉnh dưới chế độ mới nhưng do "vung tay quá trán", Danh đã làm thụt quỹ của Nhà nước. Lo sợ bị bắt, Danh trốn ra nước ngoài, rơi vào trại tị nạn và lọt vào bàn tay của Hạnh, Túy. Sau khóa huấn luyện, Danh được đưa về hoạt động tại Việt Nam. Nhưng rồi trong lòng địch, chính Danh lại được lực lượng Công an cảm hoá và trở thành một trong những người góp phần không nhỏ đưa chuyên án đến thành công.

Từng thành công trong một số phim về đề tài lịch sử như Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh, Ông tướng tình báo và hai bà vợ, X413... tác giả Nguyễn Anh Dũng vẫn rất băn khoăn khi bắt tay vào viết kịch bản này. Theo ông, càng đi sâu vào chuyên án lại càng thấy chiến công lớn lao, sự mưu trí tuyệt vời của lực lượng Công an, vậy làm thế nào để thể hiện được điều ấy bằng ngôn ngữ điện ảnh. Phim đang được thực hiện ở khâu phân cảnh. Tuy nhiên, theo chuyến khảo sát của tác giả kịch bản thì để chọn được những địa điểm phù hợp với mật cứ khi xưa là một vấn đề khó khăn, vì với hơn 20 năm, cảnh sắc đã thay đổi nhiều. Diễn viên, bối cảnh, kinh phí vẫn đang là những cái khó "bó cái khôn" của Điện ảnh Việt Nam nói chung và Điện ảnh CAND nói riêng.

Được biết, có thể đạo diễn Đào Bá Sơn sẽ giữ một vai chính trong phim này và dự tính phim sẽ được làm với kinh phí không dưới 5 tỷ đồng. Đến thời điểm này, tác giả Nguyễn Anh Dũng đang loay hoay làm thế nào để đưa thêm chi tiết hay vào phim, còn đạo diễn Vương Đức lại kêu trời vì thời gian làm phim còn rất ngắn. Tuy nhiên, âm vang thành công của câu chuyện phản gián CM12 sẽ thôi thúc và tạo cảm hứng sáng tạo cho các nhà làm phim để Trò chơi sinh tử kịp ra mắt khán giả nhân dịp 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND

Thảo Duyên
.
.
.