Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng

Thứ Bảy, 23/07/2011, 13:29
Chiều 22/7, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động do Chủ tịch nước trao tặng nhà văn Sơn Tùng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự buổi lễ.

Tới dự buổi lễ còn có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban Liên lạc đồng hương huyện Diễn Châu tại Hà Nội; các nhà văn lão thành; đại diện các chi hội nhà văn; đại diện quê hương và gia đình của nhà văn Sơn Tùng, cùng các độc giả yêu mến nhà văn.

Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 8-8-1928 trong một gia đình có nền nếp nho học và yêu nước tại làng Hoa Luỹ, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia Việt Minh từ năm 1944, tham gia vận động tổng khởi nghĩa tại các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành. Là cán bộ Đoàn xuất sắc, ông đã đại diện cho tuổi trẻ Việt Nam dự Đại hội Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ V tại Vacsava (Ba Lan) năm 1955.

Sau một thời gian công tác tại Trường Đại học Nhân dân, những năm 60 của thế kỷ trước, ông trở lại làm báo tại Báo Nông nghiệp và Tiền phong. Khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lan ra miền Bắc, Sơn Tùng tình nguyện làm phóng viên thường trú tại Khu 4, nơi căng thẳng và ác liệt nhất. Rồi ông lại tình nguyện vượt Trường Sơn tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ, địa bàn gian khổ, thiếu thốn và ác liệt vào bậc nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cho ra đời những bài báo làm nức lòng bạn đọc. Ông còn đi tới nhiều cơ quan, đơn vị để kể chuyện về Bác Hồ. Nhiều đêm ông vừa kể, vừa khóc vì cảm nhận sâu sắc tấm lòng yêu thương vô hạn của nhân dân miền Nam đối với Bác.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà văn, bạn bè, gia đình nhà văn Sơn Tùng.

Năm 1971, trong một trận bom rải thảm của Mỹ, nhà văn Sơn Tùng bị thương nặng, với nhiều mảnh đạn găm vào sọ não và toàn thân. Ông được chuyển ra Bắc điều trị tại BV Quân y 108. 

Với thể trạng yếu nhưng Sơn Tùng vẫn vừa tập cầm bút, vừa khôi phục lại trí nhớ. Đề phòng những cơn co giật, ông lại nhờ vợ chằng dây cột người vào ghế mỗi khi ngồi viết. Ngoài hàng nghìn bài báo, ông đã cho xuất bản khoảng 30 đầu sách, trong đó nổi tiếng nhất là những tác phẩm viết về Bác Hồ. Tiểu thuyết "Búp sen xanh" của ông, từ khi ra đời (năm 1982) tới nay đã tái bản hơn 20 lần, luôn là cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ độc giả Việt Nam, đặc biệt là lứa tuổi thiếu nhi.

Có thể nói, Bác Hồ là nguồn cảm hứng bất tận của nhà văn Sơn Tùng, một đề tài mà ông đã dành cả đời mình để nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và thể hiện trên các trang viết. Sơn Tùng được coi như biểu tượng về ý chí, nghị lực của một người cầm bút tận tâm tận lực với nghề, vượt lên trên những thương tật của cơ thể, để sống, viết và cống hiến cho đời.

Tại buổi lễ trang trọng cảm động, Chủ tịch nước đánh giá cao tấm gương lao động, gắn bó với đồng bào, đồng chí của nhà văn Sơn Tùng để sáng tác những tác phẩm văn học có giá trị, chỉ rõ nghị lực và sức phấn đấu của nhà văn Sơn Tùng rất đáng để chúng ta học tập.

Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của những nhà văn đã trải qua chiến tranh, cần tiếp tục viết về những sự kiện, nhân vật, con người còn thầm lặng để lại cho thế hệ sau. Hội Nhà văn Việt Nam cũng nên chủ động xem xét, chọn lọc, giới thiệu những gương mặt nhà văn có nhiều đóng góp, cống hiến để Hội đồng thi đua đánh giá xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động như nhà văn Sơn Tùng

Hương Sen-Thu Uyên
.
.
.