Chi hội nhà văn Công an: Một năm bận rộn và nhiều thành quả

Thứ Ba, 25/01/2011, 14:44
Cái rét ngọt giữa Hà Nội ngày cận Tết không làm cho không khí buổi gặp mặt cuối năm (diễn ra vào sáng 24/1) của các tác giả thuộc Chi hội Nhà văn Công an bớt đi phần ấm cúng và cả sôi nổi khi trao đổi về những việc đã làm được, cũng như chưa làm được trong suốt thời gian qua.

Buổi gặp mặt có sự tham dự của Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND - Tổng Biên tập Báo CAND - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ phía Bắc, các tác giả là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sinh hoạt tại Chi hội. Theo nhà văn Ngôn Vĩnh, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Công an, từ sau Đại hội lần thứ 4 diễn ra vào tháng 6/2010, dù mới trên dưới nửa năm, nhưng các tác giả trong Chi hội đã hoàn thành được những phần việc ra tấm ra món.

Các nhà văn Công an tham dự Đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ 8 đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, có tính đột phá, được các đông nghiệp ghi nhận. Tuyển tập Nhà văn Công an (tập 2) bao gồm các sáng tác mới, xuất sắc của 32 tác giả được Nhà xuất bản Công an nhân dân (NXB CAND) ấn hành đã ra mắt công chúng.

Trong năm 2010, NXB CAND đã tổ chức thành công Trại sáng tác và tạo điều kiện cho nhiều tác giả, kể cả các tác giả ngoài ngành Công an được đi thực tế, thâm nhập tìm hiểu hoạt động của các đơn vị trong lực lượng Công an, để tích lũy kiến thức, trau dồi thêm sự hiểu biết về công việc thường ngày của người chiến sỹ Công an giữa thời bình. Thành quả của các chuyến đi thực tế đã được nhiều tác giả giới thiệu ngay trên các ấn phẩm của Báo CAND, như: Văn nghệ Công an, Cảnh sát toàn cầu, An ninh thế giới...

Chi hội cũng phối hợp cùng NXB CAND tổng kết cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký "Vì bình yên cuộc sống". Các tác phẩm nhận giải đều được dư luận chú ý, cũng như sự tỏa sáng của các cây bút trẻ, mới như Nguyễn Xuân Thủy, Chu Thanh Hương chính là chứng nhận hoàn hảo cho thành công của cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký "Vì bình yên cuộc sống".

Dù mỗi người rất bận rộn với công việc của mình, nhưng các nhà văn Công an đều dành tâm sức để sáng tác, và đều đặn ra mắt các tác phẩm cá nhân. Tập lý luận phê bình của nhà văn Đinh Quang Tốn, tập thơ tình của nhà thơ Hồng Thành Quang trình làng thời gian qua, được công chúng rộng rãi hoan nghênh, ủng hộ. Nhà thơ Khổng Minh Dụ ra mắt cùng lúc một tập thơ, một tập truyện ký đầy nhân tình thế thái. Các bài bình luận văn nghệ của nhà thơ Phạm Khải thường trực xuất hiện trên ấn phẩm Văn nghệ Công an, các bài ký chân dung của nhà văn Như Bình trên An ninh thế giới cuối tháng, giữa tháng hay những sáng tác mới của nhà thơ Hà Văn Thể, nhà văn Nguyễn Hồng Thái trên các trang báo trong và ngoài ngành Công an, đã tạo nên những điểm nhấn riêng.

Góp ý cho phương hướng hoạt động của Chi hội, các nhà văn Khổng Minh Dụ, Lương Sỹ Cầm, Trần Hữu Tòng, Tôn Ái Nhân, Lê Hoài Nguyên đều tâm đắc, trong năm 2011, Chi hội Nhà văn Công an cần lên kế hoạch hoàn thiện nốt những công việc còn dang dở trong năm 2010, như: Giới thiệu thêm các tác giả trong lực Công an vào Hội Nhà văn Việt Nam, để bổ sung lớp kế thừa, tăng thêm sức trẻ cho Chi hội; tổ chức hội thảo về nhà văn Lê Tri Kỷ, người được coi như "anh cả" của đội ngũ nhà văn Công an.

Cùng với đó là xây dựng hồ sơ, đề nghị truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho nhà văn Lê Tri Kỷ, để ghi nhận những đóng góp của ông cho văn học thuộc mảng đề tài "Vì bình yên cuộc sống". Trong năm 2011, Chi hội nhà văn Công an còn đảm lãnh nhiệm vụ, phát động, động viên và tạo điều kiện cho các tác giả đi sâu tìm hiểu, viết về gương chiến đấu, rèn luyện của các cán bộ Công an lão thành, bởi đấy là nguồn tư liệu sống vô giá của ngành Công an... 

Kết luận buổi gặp mặt, Trung tướng  -  nhà văn Hữu Ước - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an cho rằng: Hội thảo về nhà văn Lê Tri Kỷ là việc cần phải làm, nhưng phải chuẩn bị mọi việc thật kỹ lưỡng và nghiêm túc. Chủ trương tiếp tục mở Trại sáng tác trong năm 2011 là đúng, nhưng phải tính đến hiệu quả, đồng thời, Trung tướng - nhà văn Hữu Ước, cũng yêu cầu các nhà văn phải tích cực quảng bá tác phẩm của mình và các ấn phẩm báo chí CAND cũng có trách nhiệm hơn, tích cực hơn để giới thiệu các sáng tác đó tới với công chúng rộng rãi

N.H.S.
.
.
.