Chàng thiếu uý Công an mê hát nhạc thính phòng

Thứ Năm, 26/01/2006, 16:08

Ngoài đời, “Sao mai” Đào Tiến Lợi trẻ hơn so với khi mặc bộ sắc phục công an đứng trên sân khấu. Nhưng phong thái và cách nói chuyện có nét gì đó chững chạc, chất riêng có của những ca sĩ, chiến sĩ công an.

Sở hữu một giọng nam trung sang trọng, cảm xúc nồng nàn trong từng bài hát, Tiến Lợi đã thuyết phục khán giả từ vòng ngoài cho tới đêm chung kết. Những ca khúc kinh điển và “đóng dấu thương hiệu” của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như : “Người chiến sĩ ấy”, “Trường ca Sông Lô”, “Việt Nam trên đường chúng ta đi” và “Những thành phố bên bờ biển cả” đã được anh thổi vào đó cảm xúc, sức trẻ của một thế hệ mới. Nhìn Đào Tiến Lợi say mê với từng ca khúc trên sân khấu, nhiều người yêu âm nhạc thính phòng có thể tin về sự kế thừa xứng đáng lớp nghệ sĩ đi trước như: Qúy Dương, Trung Kiên, Quang Thọ…

Ngay khi Sao Mai vừa kết thúc, Đào Tiến Lợi lại cùng Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân, nơi anh đang công tác chuẩn bị chương trình cho chuyến biểu diễn xa. Trong khi không ít những người trẻ có chút năng khiếu âm nhạc, chọn cho mình con đường nghệ thuật dễ dàng nhờ công nghệ lăngxê thì anh lại lựa chọn cho mình một con đường đi gian khổ hơn nhiều.

Nhìn Đào Tiến Lợi chững chạc trên sân khấu với thể loại nhạc thính phòng, ai cũng nghĩ anh thuộc diện con nhà “nòi”. Nhưng sự thật là chàng trai đất thành Nam  (quê anh ở Nam Trực, Nam Định) này sinh ra trong gia đình không ai theo nghệ thuật. Bố mẹ làm giáo viên và dù biết con mê hát từ nhỏ nhưng chẳng ai muốn con mình theo nghiệp này vì nghệ thuật “bấp bênh” lắm. Giấu bố mẹ, Tiến Lợi nộp hồ sơ và thi đỗ vào Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội. Chàng trai thành Nam ấp ủ giấc mơ nghệ thuật của mình bắt đầu từ những năm tháng khổ luyện và cuộc sống nhọc nhằn của một sinh viên tỉnh lẻ xa nhà. Những ngày đầu học tập khó khăn, có những khi anh tưởng như nản lòng nhưng rồi sự quyết tâm giúp Tiến Lợi đứng vững với sự đam mê của mình.

Chuyện Tiến Lợi vào Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân cũng rất tình cờ. Năm 2001, khi đang là sinh viên Nhạc viện, anh dự thi và là một trong số rất ít người được tuyển vào đoàn. Ngày đầu tiên khoác lên mình màu áo chiến sĩ công an cũng là ngày anh nhận lệnh đi công tác vào Tây Nguyên. Đây là chuyến đi xa nhà đầu tiên của anh. Đến bây giờ, Đào Tiến Lợi vẫn say sưa kể về chuyến đi đáng nhớ ấy với những buổi tối diễn trong tiếng nổ của máy phát điện, anh và các đồng đội trong đoàn vẫn say sưa hát dù “sân khấu” chỉ là mô đất hay sàn nhà rông…

Tôi hỏi: “Liệu những nội quy có phần nghiêm ngặt của Lực lượng Công an có mâu thuẫn với chất nghệ sĩ trong anh?”. Đào Tiến Lợi chân thực: “Không hề, trái lại những nội quy này luôn khiến cho Lợi thấy mình trưởng thành và chững chạc hơn trong mọi lĩnh vực”. Trong cuộc thi Sao Mai, người tinh ý sẽ thấy trong những lần thi quan trọng, Tiến Lợi đều mặc bộ quân phục của ngành. Một bí mật nho nhỏ mà anh tiết lộ là không hiểu sao mỗi lần mặc trên mình bộ quân phục ấy, anh thấy tự tin hơn rất nhiều. Đó có lẽ cũng là một trong những bí quyết giúp anh là một trong 3 giọng ca sáng giá nhất và được nhạc sĩ Thanh Tùng đánh giá là người hát chuẩn  phong cách thính phòng.

Hơn 4 năm gắn bó với đoàn, đã từng nếm trải nỗi vất vả của người chiến sĩ, nhưng anh bảo: “Mình sẽ mãi gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Công an, đó là cái nôi nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc, là căn nhà giúp mình trưởng thành”. Anh thường xuyên đọc báo và nghẹn lòng khi biết tin đồng nghiệp của mình trên một mặt trận nào đó vừa đổ máu vì sự bình yên của cuộc sống. Mỗi lần như thế, anh cảm thấy mình như vừa được tiếp thêm nội lực để tiếp tục cho những chuyến công tác dài ngày, đem tiếng hát của mình tới những vùng xa, nơi người dân và các chiến sĩ công an còn rất khó khăn. Và có lẽ một album ca nhạc đầu tiên, gồm các bài hát về người chiến sĩ công an sẽ là món quà anh tặng riêng cho những đồng đội, và cho chính mình trong sắc phục công an

Thảo Duyên
.
.
.