Câu chuyện hòa bình từ phế liệu chiến tranh

Thứ Hai, 03/12/2012, 16:37
Là tác giả đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, hơn 10 năm ròng đã âm thầm kiếm tìm, lựa chọn, lưu giữ những đồ vật được “hóa kiếp” từ phế liệu chiến tranh, để chúng cất lên tiếng nói của “hòa bình”, như chính anh “chia sẻ”.

PV: Anh bắt đầu công cuộc sưu tầm hiện vật làm từ xác máy bay B52 và các phế liệu chiến tranh, gắn với một vùng ký ức không thể nào quên của Hà Nội, từ bao giờ?

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Ngay từ khi bắt tay sưu tầm hiện vật thời bao cấp vào những năm 1998, tôi đã chú ý đến vật dụng làm bằng xác máy bay Mỹ bị bắn cháy trên bầu trời miền Bắc, trong đó có xác B52. Giản đơn vì nhà tôi ở phường Phương Liệt, nằm trong vệt bom B52 rải thảm từ ga Giáp Bát kéo dài đến ga Hàng Cỏ vào tháng 12/1972. Cách nhà tôi khoảng 10 mét chính là một hố bom sâu hoắm. 

PV: Thông điệp mà anh muốn giới thiệu qua triển lãm “Tôi kể chuyện này”, là gì?

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Hơn 50 đồ vật trưng bày trong triển lãm cũng toát lên điều rất giản dị: Người dân Việt Nam vô cùng sáng tạo và khéo tay khi biến những thứ gây chết người thành các đồ dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Có một điều không ai muốn nói ra, nhưng đúng là, nó như sự “hóa kiếp”, biến chuyển những thứ chuyên dùng để giết người sang một kiếp khác. Đừng nghĩ đồ vật không có tiếng nói, đồ vật trong triển lãm của tôi lên tiếng rằng: Chúng tôi muốn mãi là vật dụng hữu ích, chúng tôi không muốn quay trở lại làm vũ khí gieo rắc sự chết.

Tôi nhớ khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973, câu cửa miệng của người Hà Nội lúc trở về từ nơi sơ tán là: Hòa bình rồi ăn cháo cũng sướng. Vậy thôi, thông điệp của triển lãm chỉ ngắn gọn trong từ: Hòa bình…

PV: Theo anh thì những đồ vật thân quen như chiếc lược chải đầu, kẻng báo giờ, thau đựng nước… được người dân Hà Nội và các địa phương “chế tác” từ phế liệu chiến tranh, đã có giá trị sử dụng trong một thời bao cấp khốn khó hay chỉ đơn thuần mang tính biểu trưng?

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Đúng là một số đồ vật mang tính biểu trưng và là niềm tự hào vì nó chính là chiến lợi phẩm thu được, ví như chiếc lược chải đầu, điếu cầy hay gạt tàn thuốc lá làm từ xác máy bay F-4, F-111A hay xác pháo đài bay B52. Tuy nhiên cuộc sống thời chiến là vô cùng khó khăn, để có một chiếc cối giã cua hay giã vừng, thì sử dụng những chiếc mũ sắt xem ra lại thuận tiện nhất. Khi còi báo động máy bay thì vẫn có thể đội nó lên đầu để tránh mảnh bom. Rồi vành xe đạp mọt rỉ trong khi nguyên liệu làm ra chiếc vành sắt không có thì tại sao không tận dụng vỏ bom bi hay xác máy bay nung chảy đúc thành chiếc vành xe đạp vừa nhẹ, vừa cứng?

Điếu cày được làm từ xác máy bay B52.

PV: Trong hành trình đi tìm và lưu giữ các hiện vật, có câu chuyện liên quan nào đọng sâu vào xúc cảm của anh, khiến anh ám ảnh, không dứt ra được?  

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Phần lớn những đồ vật tôi sưu tầm đều là những kỷ vật của các cá nhân, của bộ đội, Công an, dân thường và khi đã là kỷ vật thì đều gắn với những câu chuyện riêng tư nào đó. Không ai giữ những thứ không có cảm xúc trong nhà mình.

Tôi được nghe nhiều câu chuyện, đó là khi Mỹ ném bom Bệnh viện Bạch Mai đêm 22/12/1972, một chị hộ lý tên Thúy nhà ở phố Hàng Chiếu mang thiếp cưới đến bệnh viện, tranh thủ trực đêm viết mời bạn. Nhưng chính đêm đó chị mãi mãi ra đi. Tấm thiếp thời chiến tranh giản đơn nằm lặng thinh bên xác chị mà không bao giờ đến được với bạn bè.

Chuyện thứ hai của chị Liễu, ở trong Đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động. Cha mẹ đều chết vì bom Mỹ nhưng chị vẫn vững vàng ngồi trên mâm pháo cùng đồng đội bắn rơi máy bay. Chị chính là cảm hứng để nhà thơ Tố Hữu viết nên những dòng đầy xúc cảm: “Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi cô gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt rơi không làm nhòa mặt quân thù…” trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa”.

Đèn dầu làm từ vỏ lựu đạn quả na.

PV: Nghe nói trong thường ngày, các hiện vật quý giá này được giữ gìn ở chính nhà riêng của anh, và bộ sưu tập càng ngày càng nhiều lên. Điều này có cản trở đến cuộc sống của anh?

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Tôi nhớ trong bài thơ “Nhà chật” của Lưu Quang Vũ có câu: “Nhà chỉ có mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi, Nếu mà mơ, em quờ tay vào thùng gạo”… Nhà tôi chắc là rộng hơn nhà của nhà thơ Lưu Quang Vũ thời bao cấp nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Vả lại nếu đi ra đi vào mà chạm tay vào lịch sử thì cũng thú vị đấy chứ!

PV: Từng nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái cho tập sách “Đi ngang Hà Nội” và “Đi dọc Hà Nội”, giờ lại là triển lãm hứa hẹn sẽ gợi nhiều cảm xúc cho người dân Thủ đô, vậy hành trình "Vì tình yêu Hà Nội" của anh còn được tiếp tục như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Chắc là sẽ viết tiếp những trang sách mà ít người viết về Hà Nội…

PV: Trân trọng cảm ơn nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

Triển lãm gồm các đồ vật như kẻng từ vỏ bom, vành xe đạp từ vỏ bom bi; lọ cắm hoa từ vỏ đạn pháo 130mm, 105mm, 85mm, 37mm…; võng đan bằng dây dù; khăn choàng cắt tóc, ri đô, khăn quàng cổ mùa đông… từ dù pháo sáng; chậu đựng nước thử săm của thợ sửa xe đạp, gầu múc nước, cối giã từ mũ sắt; đèn làm từ vỏ quả đạn M79 (cối cá nhân), ống pháo sáng...

Đặc biệt có 16 vật dụng như: điếu cầy, gạt tàn thuốc lá, vỏ phích, đĩa đựng chén uống nước, hòm đựng quần áo, bàn nước... được chế tác từ xác máy bay các loại, trong đó có pháo đài bay B52 bị bộ đội Phòng không - Không quân bắn rơi trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Mi Sol (thực hiện)
.
.
.