Cần đầu tư nhiều hơn cho… khán giả sân khấu

Thứ Ba, 15/12/2020, 07:23
Mặc dù sân khấu được xác định trong tình trạng khủng hoảng về nhiều mặt trong nhiều năm trở lại đây nhưng vẫn chưa thu hút được đông đảo người xem. Một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là việc thiếu đầu tư, chăm lo cho khán giả.


Quan niệm nghệ thuật truyền thống rất khó thu hút giới trẻ trong cơ chế thị trường và sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai hiện nay không hẳn đã chính xác. Đó là khẳng định mới đây của NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam khi bàn về nghệ thuật sân khấu truyền thống và những giá trị dành cho người trẻ.

Theo NSND Bích Ngoan thì kinh nghiệm của một người 42 năm gắn bó với sân khấu Chèo của chị cho thấy, giới trẻ ngày nay không “quay lưng” với giá trị nghệ thuật truyền thống, nếu không muốn nói là ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến những môn nghệ thuật này. Điều đó thể hiện ở việc có rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ đóng góp rất lớn vào các tác phẩm tạo được dấu ấn đậm trong lòng khán giả tại các kỳ liên hoan, hội diễn, cuộc thi tài năng trẻ.

Cảnh trong vở “Ngàn năm mây trắng”.

Có rất nhiều dự án cộng đồng phi lợi nhuận của các bạn trẻ yêu nghệ thuật truyền thống diễn ra sôi nổi như: “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương”, “Vẽ về hát bội”, trình diễn trang phục cung đình… Chính sự rung cảm trước tinh hoa văn hóa dân tộc, những người trẻ đã sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mới để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng mà vẫn giữ nguyên hồn cốt vốn có. Gần đây nhất, trao đổi, tọa đàm “Tái sinh nghệ thuật Chèo với dư duy thiết kế” do “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” và Trường Đại học RMIT, Trường Đại học Việt Nhật phối hợp với Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức là một điển hình.

Các bạn trẻ đã có rất nhiều ý tưởng, sản phẩm sáng tạo, như: Sử dụng các clip hoạt hình ngắn, thực hiện từ điển online cho thuật ngữ Chèo, đưa Chèo vào điện ảnh, sử dụng các video Tiktok với sự hỗ trợ của một số ngôi sao văn hóa đại chúng… Tuy nhiên, để người trẻ tiếp cận gần hơn với công chúng thì cần phải thay đổi cách làm nghệ thuật, cách tiếp cận nghệ thuật truyền thống trong xã hội.

Thực tế, thời gian gần đây, việc thay đổi cách làm nghệ thuật, cách tiếp cận công chúng cũng đã được nhiều đơn vị nghệ thuật, người làm nghề quan tâm đầu tư hơn. Vở kịch nói “Dưới ánh đèn sân khấu” được tác giả, đạo diễn mạnh dạn đưa vào những đoạn ca diễn thuộc nhiều thể loại khác nhau. Vở “Ngàn năm mây trắng” có sự kết hợp của nhiều loại hình kịch hát dân tộc. Dự án “Huyền sử Việt” tích hợp cả ca – kịch – xiếc…

Tuy nhiên, như chia sẻ của chính các nghệ sĩ tham gia các vở diễn, dự án này thì đây chỉ là một cách làm mang tính thử nghiệm nhằm làm mới cho đời sống sân khấu, đưa sân khấu tiếp cận gần hơn với khán giả hiện nay. Để sân khấu thực sự thoát khỏi tình trạng khủng hoảng lâu nay thì những nỗ lực thử nghiệm nói trên chỉ là những bước đầu. Nói theo cách nhận định của nhà phê bình sân khấu, nhà báo Cao Ngọc, văn học, nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng là sáng tạo không ngừng, không thể bước mãi trên con đường quá quen thuộc.

Đổi mới là đòi hỏi của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, là nhu cầu tự thân của sáng tạo văn học, nghệ thuật. Còn phải qua nhiều tranh luận, qua nhiều tổng kết, nhưng những tác phẩm rất mới mẻ, đậm màu sắc dân gian mà vẫn có tiết tấu, hơi thở của thời đại vẫn luôn là những thử nghiệm đáng xem… Với nghiên cứu lý luận, nên chăng cũng cần có sự nhập cuộc để xem xét những giá trị đương thời, đánh giá, đưa ra định hướng để có thể hướng dẫn người làm nghề có được sự vững chắc, tự tin hơn trong thực hành nghề.

PGS.TS Trần Trí Trắc thì cho rằng, nghệ thuật sân khấu Việt Nam chỉ thoát khỏi  tình trạng “khủng hoảng khán giả” khi thị hiếu thẩm mĩ của nghệ sĩ đồng cảm với thị hiếu thẩm mĩ của khán giả. Cũng theo PGS.TS Trần Trí Trắc, khán giả là một trong những thành tố nội sinh cơ bản của nghệ thuật sân khấu nhưng lâu nay ít được quan tâm so với tác giả, đạo diễn, diễn viên… Muốn chấn hưng lại nghệ thuật sân khấu thì trước hết nên đầu tư chiến lược cho khán giả bằng giáo dục thẩm mĩ sân khấu cho khán giả.

“Mặc dù khán giả Việt Nam đương thời có sự phân hóa lớn về thị hiếu thẩm mĩ theo vùng miền Bắc – Nam, ngược – xuôi, thành thị - nông thôn, giàu – nghèo, già – trẻ, học thức cao – thấp với nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Nhưng xét cho cùng, ở họ vẫn chung một lý tưởng – định hướng xã hội là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, lý tưởng thẩm mĩ này chính là hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu Việt Nam vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại, và cần được trở thành nội dung, hình thức trong sáng tạo của nghệ thuật sân khấu hôm nay”, PGS.TS Trần Trí Trắc đề xuất.

N.Nguyễn
.
.
.