Ca từ trong một số ca khúc trẻ gây thảm họa cho nhạc Việt

Chủ Nhật, 11/07/2010, 18:35
Có lẽ, chưa bao giờ ca khúc lại được ra đời dễ như hiện nay với danh từ "nhạc sĩ" lạm phát như lúc này. Thế nhưng, đó lại không phải là điều đáng mừng của âm nhạc Việt Nam, khi mà, chất lượng của nhiều ca khúc chỉ làm tăng thêm nỗi lo âu của xã hội, bởi không mang lại tính thẩm mỹ cho công chúng, trong khi lại được không ít bạn trẻ đón nhận nhờ Internet.

Các nhạc sĩ chân chính không khỏi chạnh lòng khi giờ đây, vô số bài hát hiện nay không phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca từ và giai điệu, tiết tấu, mà thiếu tinh tế, thẩm mỹ nghệ thuật, ca từ chỉ là những câu chữ ngô nghê, thậm chí phản cảm. Nhiều bài hát quanh quẩn với đề tài tình yêu cá nhân bi lụy, đề cao cái tôi và dễ dàng bắt gặp những câu từ gần với khẩu ngữ, thậm chí, khó hiểu. Không ít ca khúc có tiết tấu giống nhau, hay sao chép nhạc nước ngoài! Thiếu bản lĩnh, non kinh nghiệm và vốn sống, nhiều ca khúc không có sự sáng tạo, đặc biệt là vốn văn học và tư duy hòa thanh.

Đáng tiếc, có những bài hát ca từ lặp đi lặp lại mà vô  nghĩa, khiến người nghe không hiểu tác giả định nói gì, như "Da nâu" (tác giả Nhật Đăng) chỉ có 13 từ: "Em sống trong khát khao. Em sống trong ước ao. Mang đến những ước ao. Mang đến những khát khao. Làn da nâu... làn da nâu... làn da nâu...". Sau khi phát sóng trong chương trình "Sức sống mới" của VTV1, bài hát đã được "phong tặng" là "thảm họa V-Pop 2010" và "một trong ba ca khúc khủng khiếp nhất Vpop 2009", khiến người đẹp hát bài này phải xin lỗi khán giả.

Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu (Nhạc viện Hà Nội) nhận xét: "Người viết nghiêng về tính đại chúng nhiều hơn nghệ thuật, cố gây "sốc" về hình thức hơn sự tinh tế nội dung. Thiếu khả năng thẩm thơ không sao, đuối khả năng thẩm âm cũng chẳng sợ, lời ca đâu cần chăm chút đến chất thơ hoặc hình tượng văn học, mà cứ ngôn từ đời thường đến mức tầm thường, còn giai điệu có thể vay mượn vô tư".

Nhạc sĩ Bá Quảng xót xa trước tình trạng "nhạc sĩ" corvest nhạc nước ngoài tuỳ tiện, còn ca từ hời hợt, sáo rỗng: "Họ vô tình đánh mất chính bản thân họ, đánh mất thuần phong mỹ tục của dân tộc, vô tình hạ thấp trình độ dân trí, xói mòn thị hiếu thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật và làm ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ sau".

Nhiều bậc trưởng lão của nền âm nhạc Việt Nam như Nguyễn Đức Toàn, Phạm Tuyên và Doãn Nho lại cho rằng, trách nhiệm chính để tình trạng ca khúc chất lượng kém hiện nay là do công tác lý luận phê bình âm nhạc còn yếu. Công tác quản lý cũng bị buông lỏng, thiếu sự thẩm định chuyên nghiệp trước khi phát hành. Hội Nhạc sĩ Việt Nam nên có một trung tâm nghiên cứu và phát triển nhạc trẻ, gồm những nhà chuyên môn đủ đức tài, đủ uy tín và lý luận để phê bình và phủ nhận những sản phẩm chưa tốt, đồng thời giúp các tác giả trẻ giữ gìn bản gốc, tinh hoa âm nhạc Việt Nam. Dĩ nhiên, công tác phê bình lý luận âm nhạc vẫn phải là yếu tố hàng đầu.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, tân Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VIII:

Những hiện tượng bức xúc trong âm nhạc cũng không thể tự dưng dẹp đi, hay bằng cách cấm đoán, hạn chế, mà thông qua hệ thống kiểm định khoa học, có chất lượng và hiệu quả, sẽ hạn chế được những tác phẩm không có chất lượng.

Nhưng tôi cho rằng, điều quan trọng là phải có nhiều tác phẩm tốt, những chương trình ca nhạc hay, để làm giảm thiểu những điều chưa như mong muốn trong đời sống âm nhạc.

Như chương trình âm nhạc chào mừng đại hội hôm nay gồm các tác phẩm âm nhạc của 6 Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thật xúc động và ý nghĩa, đã cho thêm niềm tin về mạch chảy của đời sống âm nhạc truyền thống Việt Nam vẫn sừng sững chứ không phải bị lấn át.

Nhạc sĩ Hồng Đăng: Chấn chỉnh từ bút pháp cho học sinh sáng tác

Việc ngăn chặn ca từ và giai điệu không lành mạnh bằng phương pháp kiểm duyệt và ngăn chặn khó có hiệu quả. Nhưng với người sáng tác, lời khuyên của người nghe lại rất cần thiết. Nhưng hiện tại, không có ai nhắc nhở họ, mà chỉ thấy tiếng vỗ tay tán thưởng nên cứ tưởng là hay. Do vậy, cần chấn chỉnh từ bút pháp cho học sinh sáng tác, dạy cho họ cách tu sửa tác phẩm hoàn chỉnh, để trong lời hát đừng có những thiếu sót, những ca từ không nên có.

Người nghe có quyền thích cái này hay cái kia và đó là điều bình thường, nhưng nhà phê bình phải lên tiếng, nhắc cho họ, cái này là món ăn ngon, cái kia là món ăn dở, để họ tránh. Hiện có hiện tượng đáng buồn là có những sáng tác chưa có chất lượng, nhưng đã được bộ máy biểu diễn vội vã tung lên. Mà họ có gu thẩm mỹ khá đâu, chỉ ở mức sơ sơ thôi. Người nghe nhiều là ngấm vào và những sáng tác âm nhạc kiểu đó dễ làm sa đọa con người.

Nhạc sĩ trẻ Trần Mạnh Hùng, BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam: "Những người làm âm nhạc Việt Nam cần tỉnh giấc"

Khắc phục những "dị tât", "ba-via" xung quanh âm nhạc, trước hết phải do cơ quan quản lý văn hóa, bằng việc khép chặt việc sản xuất băng đĩa, chương trình, tránh lọt ra những tác phẩm kém chất lượng. Ngoài ra, còn do trình độ văn hóa, đạo đức nghề nghiệp của người làm chương trình, nhiều khi họ biết chưa đạt giá trị chân - thiện - mỹ, hay đẳng cấp quốc tế, nhưng vì đồng tiền, họ cứ đưa ra, làm rác rưởi nền âm nhạc Việt Nam. Rồi cả sự lăng-xê quá đáng…

Có tờ báo lăng-xê quá mức một số người gọi là nhạc sĩ, nhưng thực ra, họ chỉ là tầng lớp sáng tác nhạc vàng mới, hay còn gọi là tân sến. Họ cứ làm những gì mà bạn trẻ thích, ca sĩ mua, chứ không thật với lương tâm của họ. Đó chỉ là sự chộp giựt, ảnh hưởng đến sự phát triển của âm nhạc.

Một ngày diễn ra bao nhiêu điều của cuộc sống, vô cùng sôi động, nhưng chỉ thấy các nhạc sĩ trẻ và ca sĩ trẻ nhắc đến chuyện yêu đương, là không trung thực, vì họ không thể dành cả 24 giờ cho việc này. Báo chí cần "gõ cửa" cho họ tỉnh dậy. Nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật thường là điều tâm huyết từ trong trái tim, nếu không, chất lượng tác phẩm sẽ có vấn đề.

Thanh Hằng
.
.
.