"Bước chân Việt Nam" - Một bộ phim phản động và xuyên tạc

Thứ Hai, 21/05/2007, 12:53
"Coi xong phim này, tôi thấy đạo diễn ngớ ngẩn quá - nếu không muốn nói là ngu. Tôi đã từng ở qua các trại cải tạo được nhắc đến trong phim như Trại Suối Máu, trại Đá Bàn, nhưng tôi chưa bao giờ nghe mấy ông quản giáo chửi mắng trại viên chứ đừng nói gì đến đánh đập hay bắn giết…" - Ông Quang Thanh Le, một cựu sĩ quan nguỵ, đã viết.

Ngày 17/5, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin đã có công văn gửi Chánh Thanh tra Sở VHTT các tỉnh, thành trong cả nước, yêu cầu chỉ đạo lực lượng thanh tra kiểm tra, thu hồi toàn bộ đĩa phim DVD có nhan đề "Bước chân Việt Nam", nhập lậu từ nước ngoài vì nội dung mang tính phản động và xuyên tạc tình hình trong nước. Vậy phim "Bước chân Việt Nam" là phim gì?

Được khởi quay cách đây 4 năm trước, có tên tiếng Anh là “Journey from the fall” (tạm dịch: Hành trình từ sự sụp đổ), nhưng khi đưa ra trình chiếu vào ngày 23/3 tại rạp chiếu phim Rose Center, TP Westminster, bang California, Mỹ, tựa đề được chuyển sang tiếng Việt: "Vượt sóng".

Phim do một người Mỹ gốc Việt tên Trần Hàm làm đạo diễn, Nguyễn Lâm phụ trách sản xuất, cùng các diễn viên như Kiều Chinh (trong vai bà nội), Nguyễn Thái Nguyên (trong vai Lai), Nguyễn Long (trong vai Long),  Diễm Liên (trong vai Mai, vợ Long) và Mai Thế Hiệp (trong vai Thanh, bạn Long).

Về diễn viên Kiều Chinh thì có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ: Trong những năm từ cuối thập niên 50 đến cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, Kiều Chinh đã tham gia đóng khá nhiều bộ phim chống Cộng, do Trung tâm Quốc gia điện ảnh - Cục Tâm lý chiến, chế độ Sài Gòn sản xuất và phát hành. Sang Mỹ, Kiều Chinh tiếp tục tham gia đóng một số phim vẫn với nội dung chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Riêng Trần Hàm, Diễm Liên, Nguyễn Long, Mai Thế Hiệp, đều là những người theo gia đình vượt biên và vì không hiểu biết tình hình ở quê nhà, cộng với sự tuyên truyền, xuyên tạc sự thật của những nhóm người Việt phản động trên đất Mỹ nên họ đã cố tình đi ngược con đường chung của dân tộc.

Thoạt đầu, Trần Hàm làm đơn gửi các cơ quan chức năng Việt Nam, xin được quay một số ngoại cảnh tại TP HCM cùng một vài tỉnh, thành khác. Nhưng do phát hiện nội dung kịch bản phim mang tính xuyên tạc, phản động nên Việt Nam đã từ chối.

Sau đó, năm 2003, Trần Hàm chuyển sang Thái Lan, thuê mướn một số địa điểm rồi dàn dựng để thực hiện các cảnh quay, mô tả phố sá, nhà cửa, làng mạc, ruộng vườn Việt Nam sau ngày 30/4/1975.

Năm 2005, bộ phim hoàn tất nhưng không nơi nào đồng ý chiếu. Mãi cho đến tháng 3/2007, Trần Hàm mới thuê được Hí viện Rosa Center để làm nơi ra mắt bộ phim rồi sau đó, thuê rạp số 12 ở Westminster để trình chiếu.

Ông Lam Nguyen, một người Việt hiện đang sinh sống tại Westminster, đã viết kể lại cảnh tượng của những buổi chiếu phim này trên trang web cafevietnam như sau: "Rạp có khoảng 600 chỗ ngồi, nhưng suất đông nhất cũng chưa tới 100 người. Giới trẻ sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ thì không đứa nào đi coi vì tụi nó chê là phim dở hơi. Còn những người lớn sau khi coi xong, hầu hết đều cho rằng tình tiết trong phim có quá nhiều khiên cưỡng, bịa đặt".

Nội dung phim "Vượt sóng" có thể tóm tắt như sau: Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Long - lính chế độ cũ, cùng vợ là Mai ở lại Sài Gòn. Sau đó, Long đi học tập cải tạo, còn Mai ở ngoài dẫn con là Lai cùng bà mẹ chồng (Kiều Chinh) vượt biên.

Trong trại, Long âm mưu cùng Thanh bỏ trốn nhưng Long chết. Trên đất Mỹ, gia đình Mai xảy ra nhiều xung đột giữa mẹ chồng, con dâu. Mãi đến khi Mai cùng mẹ chồng biết tin Long chết thì họ mới hòa thuận trở lại.

Có thể nói, "Vượt sóng" là bộ phim nghèo nàn về nội dung, đơn điệu về tiết tấu. Tuy nhiên, mục đích của Trần Hàm là làm phim chống Việt Nam nên gã đạo diễn này đã đưa vào nhiều trường đoạn nặng tính xuyên tạc.

Ông Quang Thanh Le, một Trung úy pháo binh của chế độ cũ, nay định cư ở San Jose, California, Mỹ, đã viết trên trang web cafevietnam, chủ đề "phim Vượt sóng", như sau: "Coi xong phim này, tôi thấy đạo diễn ngớ ngẩn quá - nếu không muốn nói là ngu. Tôi đã từng ở qua các trại cải tạo được nhắc đến trong phim như Trại Suối Máu, trại Đá Bàn, nhưng tôi chưa bao giờ nghe mấy ông quản giáo chửi mắng trại viên chứ đừng nói gì đến đánh đập hay bắn giết…".

Cũng trên trang web cafevietnam, một người có biệt danh (nickname) là "thanphong", viết: "… Dĩ nhiên là trong trại cải tạo hồi ấy không thể ăn sung mặc sướng như ở nhà. Cho dù các bạn không thích chế độ Cộng sản, nhưng nếu các bạn đã từng ở qua các Trại Phong Quang, Thanh Cẩm, Xuân Lộc, Thủ Đức như tôi, thì chắc chắn các bạn phải thừa nhận một điều là không ai bị bỏ đói, không ai chết vì đói như trong phim "Vượt sóng"…".

Sau khi phim "Vượt sóng" được trình chiếu, ngoại trừ những tiếng hô hào, cổ vũ của những nhóm nhỏ người Việt phản động, bốc thơm Trần Hàm, Kiều Chinh, Nguyễn Long… lên tận mây xanh, còn thì đa số cộng đồng người Việt hải ngoại đều thờ ơ, hoặc lên tiếng phê phán. Không chỉ người Việt, mà cả người Mỹ cũng thế.

Trên tờ OC Weekly số ra chủ nhật ngày 1/4, xuất bản tại California, nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng người Mỹ là Scott Foudas đã nhận định về phim "Vượt sóng" như sau: "Trong nhiều thập niên, phim ảnh về Thế chiến thứ 2 cho chúng ta thấy nước Đức và Nhật Bản chỉ toàn là những kẻ tàn ác, còn đồng minh là những anh hùng. Nhân cơ hội tương tự để làm phim về Việt Nam, ông Trần Hàm đã tạo ra một thể loại tuyên truyền rút gọn để đề cao mọi người vượt biên đều là thánh, còn tất cả Cộng sản là những người tội lỗi đầy mình - một kiểu tiếp cận chẳng có lợi chút nào cho những người muốn tìm hiểu sự thật…".

Đầu tháng 5/2007, phim "Vượt sóng" đã xuất hiện tại Việt Nam - chủ yếu là ở TP HCM qua những người bán băng, đĩa dạo. Với nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật, thì việc thu hồi đĩa phim này là điều hết sức cần thiết

V.C.
.
.
.