Biết Hà Nội đẹp mà tôi vẫn tìm

Chủ Nhật, 29/08/2010, 14:33
"Vẻ đẹp của Hà Nội chưa bao giờ cạn kiệt cả. Chúng tôi ngấm cái đẹp của nơi này với nhiều tầng, nhiều chiều hình ảnh không gian và thời gian... Vẻ đẹp của Hà Nội không dễ dãi, vẫn chờ đợi quanh đây nếu ai muốn tìm" - nhạc sĩ Lê Tâm tâm sự.

Sáng 26/8, dù trời mưa rất nặng hạt nhưng dòng người yêu ca nhạc vẫn đội mưa đến Văn Miếu - Quốc Tử giám để thưởng thức những giai điệu về Hà Nội của 6 album nhạc được hãng Hồ Gươm Audio phát hành nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, album nhạc với cái tên ấn tượng "Hà Nội M6 phố" do nhóm các tác giả Ngô Tự Lập, Lê Tâm, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngô Hồng Quang, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thắng sáng tác đã gợi lại trong lòng người những ấn tượng đẹp về một Hà Nội xưa và nay. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Lê Tâm nhân dịp phát hành đĩa nhạc này.

- Thưa nhạc sĩ Lê Tâm, "Hà Nội M6 phố" là một album ca nhạc khá ấn tượng gồm những bài hát về Hà Nội của nhóm tác giả M6. Anh có thể tiết lộ đôi chút về việc bếp núc sản xuất Album được không?

- Tất cả chúng tôi đều muốn và đã viết bài hát về thành phố có quá nhiều kỷ niệm này. Chào mừng 1000 tuổi của thành phố, chúng tôi rất hào hứng góp mỗi người 2 ca khúc. Nhưng riêng Ngô Hồng Quang đang ở Trung Quốc nên không kịp thu ca khúc thứ hai. Thành ra album có 11 bài. Tôi nghĩ, con số 11 cũng hay đấy chứ.

- Tôi còn nhớ, trong năm 2009, các anh cũng đã ra mắt một chương trình ca nhạc của nhóm M6 rất đa dạng 6 người 6 kiểu, thường thì người ta sẽ tụ họp nhau vì những cái chung, vậy tại sao không có một M6 thống nhất phong cách âm nhạc?

- Nếu 6 người một kiểu thì tốt nhất là thà làm riêng album cá nhân cho xong. 6 kiểu mới là sự thú vị. Tiếng nói chung của M6 không phải là cùng khuôn về phong cách âm nhạc. Chỉ có sự giống nhau ở chỗ không có ai dễ tính với tác phẩm của mình. Mỗi ca khúc thường mất đến 4 đến 5 bản phối và ghi âm mới tạm chấp nhận. Cá tính của 6 người khác nhau vô cùng. Thậm chí rất dữ dội. Thế lại hay. Người yêu nhạc sự giống nhau. Trước khi để khán giả gật đầu, chúng tôi đã liên tục lắc đầu trong khi sản xuất. Chẳng có ai hiền lành khi làm việc cả.

- Các anh có người may mắn đã được sinh ra, lớn lên và lăn xả với cuộc sống Hà Nội từ trong quá khứ cũng như hiện tại, nhưng cũng có người ra lập nghiệp ở mảnh đất này, có phải vì thế mà album "Hà Nội - 36 phố" có sức thuyết phục những đôi tai khó tính?

- Có lẽ vậy. Nguyễn Vĩnh Tiến sinh ở Phú Thọ, Ngô Hồng Quang ở Hải Dương, Nguyễn Tuấn ở Hải Phòng. Thường thì ít ai viết về quê mình hay bằng người nơi khác. Viết về Hà Nội hay tầm cỡ như Nguyễn Đình Thi lại sinh ra ở Luông Pha Băng, Lào. Nhạc sĩ Phan Nhân, Hoàng Hiệp quê tận An Giang. Có lẽ vì thế cảm xúc nhậy cảm nhất lại từ người không sinh ở nơi đây. Chỉ có nửa M6 là tôi, Anh Lập và anh Thắng là chào đời ở Hà Nội, nên viết về nơi quá thân thuộc chắc sẽ khó khăn nhất. Nhưng dù sao, chúng tôi tin mình sẽ làm được.

Ra mắt CD Hà Nội M6 phố tại Văn Miếu. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

- Rất nhiều vẻ đẹp của Hà Nội đã được hàng ngàn ca khúc tuyệt vời khai thác tưởng như không thể hay hơn. Vậy M6 có gì đặc biệt để các anh tự tin vào tác phẩm của mình?

- Vẻ đẹp của Hà Nội chưa bao giờ cạn kiệt cả. Chúng tôi ngấm cái đẹp của nơi này với nhiều tầng, nhiều chiều hình ảnh không gian và thời gian. Bên cạnh Hà Nội hoài cổ hào hoa xưa, Hà Nội hiện lên trong ca khúc của Ngô Tự Lập với sự vẻ đẹp nam tính, vạm vỡ bê tông thời đổi mới, những anh chàng Tây ba lô phóng xe Minxcơ cùng tiếng cười nghệ sĩ râu đầy bọt bia trong nắng chiều. Ai bảo không đẹp chứ. Các ca khúc khác cũng nhìn Hà Nội với góc nhìn không hề tẻ nhạt. Vẻ đẹp của Hà Nội không dễ dãi, vẫn chờ đợi quanh đây nếu ai muốn tìm. Bài "Tìm Hà Nội" của Ngô Hồng Quang đã nói như vậy "Biết Hà Nội đẹp nhưng tôi vẫn tìm…"

- Lê Tâm, Ngô Tự Lập, Nguyễn Vĩnh Tiến... là những cái tên nghe đến đã nghĩ tới những cá tính sáng tạo khá riêng biệt. Có bao giờ các anh lo ngại rằng con đường mình đi không chiều số đông thì sẽ đích đến sẽ ngày một xa hơn? Các anh có bao giờ nản lòng nếu âm nhạc của mình bất lực, không thể áp đảo những trào lưu nhạc trẻ thị trường hiện nay đang lấn lướt để có một tiếng nói riêng biệt?

- Nếu nói M6 không trẻ thì chứng tỏ chưa nghe hết album của chúng tôi. Rất trẻ nữa là đằng khác. Chúng tôi làm nhạc vì cảm xúc của mình và hướng đến những đôi tai nghiêm túc chứ không quan tâm tới việc áp đảo bất kỳ điều gì. Món ăn nào, thực khách ấy chứ. Mỗi tác giả sẽ có công chúng riêng nếu biết làm hết sức mình. Nếu làm nửa vời thì sẽ không có bất kỳ ai nghe nhạc của mình cả. Kể cả người dễ dãi. M6 làm hàng kỹ, không sợ ai ghẻ lạnh. Tâm lý khán giả bây giờ là thích tìm hàng kỹ. Vì thế sợ hãi thị trường chẳng qua do thần hồn nát thần tính mà thôi.

- Sau Lê Tâm với ca khúc "Nhắn tuổi hai mươi" tạo làn sóng cách đây hơn 10 năm đã có một Lê Tâm mới gắn liền với ca khúc "Tiếng Việt" đằm thắm gây xôn xao trên mạng, trên sóng truyền hình và kiều bào xa Tổ quốc vài năm gần đây. Anh cảm thấy khó khăn khi muốn vượt qua dấu ấn này không?

- Ca khúc tiếng Việt đã có một đời sống riêng. Bây giờ là lúc tôi đưa đến khán giả những tác phẩm màu sắc khác. Về phần sâu sắc và tươi tắn thì tôi tin rằng nó không kém các ca khúc trước đây. Những ca khúc của tôi có biên độ khán giả rộng. Thí dụ như bài "Phép lạ hàng ngày", Tôi viết cho trẻ em, nhưng người lớn lại cho rằng nó viết về chính họ.

- Trong CD này, bài "Cảm ơn Hà Nội" cũng là bài hát rất trữ tình, anh đã lấy cảm hứng từ đâu để có những giai điệu đẹp như vậy?

- Hà Nội là một xứ sở khó định nghĩa: hào hùng xen lẫn hào hoa. Tôi yêu Hà Nội không chỉ ở những điều lớn lao, tôi còn yêu những điều nhỏ bé với cảm xúc rất cá nhân. Vẻ đẹp hoa sữa, bằng lăng đã được trồng với quy hoạch thành phố. Chỉ có cây  bàng luôn luôn lấp ló đâu đó từng góc phố chẳng theo quy hoạch nào cả. Gốc bàng làng Ngọc Hà, cây bàng phố Thụy Khuê, cành bàng nào còn cái dép thời bé của tôi mắc lại trên đó? Cây bàng là cả tuổi thơ với vị ngọt nao lòng. Nhiều miền đất khác cũng có cây bàng, nhưng không phải cây bàng của tôi. Trong lời ca tôi viết: "Bao nhiêu thành phố mà tôi qua rực rỡ đáng yêu mời gọi. Không nơi nào giống nơi tôi thầm nhớ, một cành bàng đầu ô thiết tha xanh".

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Lê Tâm!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.