Bi kịch lạc quan trong tiểu thuyết tình án của Trần Diễn

Chủ Nhật, 06/11/2011, 14:29
Tiểu thuyết Tình án của nhà văn Trần Diễn được viết theo tinh thần của bi kịch - một hình thức nghệ thuật đắc dụng và có thành tựu mà văn chương đương đại Việt Nam đã từng ghi nhận những thành công như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Linh, Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai… nhưng có thể nói nhà văn Trần Diễn đã viết thành công một bi kịch lạc quan.

Chân lý ở đời, lòng tốt không gửi gắm đúng chỗ thì tai hại, tim đen của kẻ xấu ở bên mà không biết rình cơ hội sẽ tấn công lại chính mình.

"Viết tiểu thuyết là biết sử dụng ưu thế trội của người sống trong cuộc, tận dụng tối đa chất liệu đã được tích lũy và không ngừng mở rộng, tái tạo chúng. Chính vì vậy, tôi chỉ viết cái xung quanh mình, con người đã từng sống, học tập, chiến đấu bên tôi, đó là các chiến sĩ Công an. Song không phải đi sâu khai thác mặt nghiệp vụ, tính chất ly kỳ của chuyện mà khai thác khía cạnh suy nghĩ tình cảm con người của họ, bởi chữ tình duy trì cả thế giới, duy trì từ xã hội, chế độ này sang xã hội, chế độ khác. Viết được những điều này chắc chắn tác phẩm sẽ sống mãi với thời gian. Điều đó cắt nghĩa tại sao những tiểu thuyết của tôi có yếu tố trinh thám lại nặng về tâm lý xã hội". Tôi đọc thấy những dòng tự bạch này của nhà văn Trần Diễn trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (NXB Hội Nhà văn 2010).

Tính đến năm 2011, chỉ thống kê loại tiểu thuyết, nhà văn Trần Diễn đã sở hữu tất cả 12 cuốn: Mã số 07 (1984), Cuộc truy tìm T72 (1986), Đường dẫn đến tội lỗi (1988), Bức thư giải oan (1989), Trùm phản Chúa (1990), Mihara - Người bạn Nhật (1990), Đứa con lạc mẹ (1991), Hai người tìm nhau (1992), Yêu người xứ lạ (1992), Phần đời còn lại (1993), Người con di trú (2009) và Tình án (xuất bản quý IV năm 2011).

Năm 2003, nhà văn Trần Diễn cũng đã in bộ sách khá hoành tráng Trần Diễn - tiểu thuyết (3 tập dày hơn 2.000 trang). Anh có viết truyện ngắn, kịch bản phim, nhưng trong cảm thức của tôi và nhiều độc giả khác, có vẻ như nhà văn Trần Diễn bén duyên hơn cả với tiểu thuyết. Vì sao vậy? Ở đây có thể dùng một cách diễn đạt nôm na - đó là cái "tạng" quy định quá trình viết của từng nhà văn, rõ ràng là không ai giống ai.

Quen biết nhà văn Trần Diễn đã hai chục năm nay, tôi quan sát thấy anh lặng lẽ sống, lặng lẽ làm việc và lặng lẽ viết văn tựa như con ong cần mẫn hút nhị hoa làm nên mật ngọt cho đời. Tôi thấy nhà văn Trần Diễn là người kinh lịch, nhạy cảm và đặc biệt có một vốn sống dồi dào, cái vốn sống mà ở một lĩnh vực mà không người sáng tác nào cũng dễ có được. Đó là cuộc sống muôn màu muôn vẻ của những chiến sĩ Công an nhân dân, lúc nào cũng chứa chất những hy sinh thầm lặng, những chiến công cũng luôn luôn thầm lặng.

Tiểu thuyết mới của nhà văn Trần Diễn có tên Tình án. Đó là một câu chuyện kể về một cô gái miền Tây Nam bộ xinh đẹp, dịu hiền, đức độ nhưng luôn gặp tai ương đã phải bỏ trốn đẩy về phía sau các lệnh truy nã. Cô chạy trốn cả ngày lẫn đêm trong hơn hai năm với hơn mười sáu ngàn giờ. Đây là một tiểu thuyết hình sự - tâm lý xã hội như chính tác giả định danh, nên người đọc cảm nhận được cả hai phẩm tính của cốt truyện, vừa có tính chất trinh thám - phiêu lưu, vừa có tính chất ám ảnh cho người xem. Nếu tôi là tác giả thì tôi định danh là tiểu thuyết ám ảnh. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì tiểu thuyết mới của nhà văn Trần Diễn là một cuốn sách "2 trong 1". Tôi muốn được tạt ngang liên hệ với việc gần đây của nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú, tôi cũng nhận ra phẩm tính này có trong nháp, phiên bản, kín.

Trở lại tiểu thuyết của nhà văn Trần Diễn có thể nói ngay rằng đây là một cuốn sách đọc hấp dẫn vì cốt truyện hình sự được triển khai xung quanh vụ án, trong đó nhân vật chính Lương Diệu Thúy có lệnh truy nã đặc biệt vì tội danh giết người (cả hai người đàn ông là Năm Biên và Huỳnh Ngọc chết đều có liên đới đến cô gái xinh đẹp này). Lệnh truy nã cứ phát ra, Diệu Thúy cứ chạy trốn pháp luật, nhưng vì sao cuộc truy bắt này lại khó khăn và kéo dài đến như thế trong hai năm trời? Có phải vì sự non kém về nghiệp vụ của các chiến sĩ Công an? Hay vì sự ranh ma của đối tượng? Không! Đây là thế trận của nhà tiểu thuyết vạch ra, một thế trận làm người là nhân vật nhà báo Vương Huy đã vô tình liên đới và can thiệp vào vụ án. Vương Huy và Diệu Thúy dù xuất phát điểm khác nhau (tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội, tâm tính…) nhưng họ gặp gỡ nhau, giống nhau ở mầm thiện, bản tính thiện của con người. Nếu có lúc nào đó họ sa cơ lỡ vận, nếu có lúc nào đó họ không may dính vào vòng lao lý của luật pháp là bởi bị hoàn cảnh xô đẩy.

Cuộc chạy trốn của Diệu Thúy và cuộc đuổi bắt của Vương Huy chính là cơ hội ngàn vàng để mỗi người tìm lại chính mình. Diệu Thúy trong cơn bĩ cực của cuộc chạy trốn thì muốn "xa trần thế vượt qua khổ đau để đến Niết Bàn" nhưng cuối cùng cô ngộ ra được chính trần thế là nơi cô phải quay về để tạ lỗi, tạ ơn vì còn có những con người tốt như Vương Huy, như bà mẹ dân tộc Ba-na Biaphu đã cưu mang cô. Còn nhà báo Vương Huy trong suốt chặng đường gian truân bảo vệ chân lý, cứu Diệu Thúy khỏi nỗi oan khuất đã tìm lại được bản lĩnh đàn ông và quan trọng hơn là bản lĩnh của một con người chân chính, dám xả thân cho lẽ phải và công bằng, bác ái.

Tôi muốn nói đến nghệ thuật tiểu thuyết Tình án của nhà văn Trần Diễn. Người ta đang nói nhiều đến mối duyên tơ giữa văn chương và điện ảnh, đến sự thâm nhập và tương tác giữa các loại hình nghệ thuật. Tiểu thuyết mới của nhà văn Trần Diễn, tự trong bản thân nó đã chứa chất những đặc tính của nghệ thuật thứ bảy.

Mười lăm chương như là mười lăm trường đoạn của một bộ phim truyền hình "Cô gái chạy trốn" dài 30 tập do chính nhà văn viết kịch bản được xuyên suốt bởi hai nhân vật chính - Diệu Thúy và Vương Huy kết dính với nhau bởi những tình huống kịch tính, mỗi tình huống này lại được xây dựng trên một hệ thống hình ảnh rất nhiều ấn tượng và giàu sức liên tưởng...

Tiểu thuyết Tình án của nhà văn Trần Diễn được viết theo tinh thần của bi kịch - một hình thức nghệ thuật đắc dụng và có thành tựu mà văn chương đương đại Việt Nam đã từng ghi nhận những thành công như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Linh, Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai… nhưng có thể nói nhà văn Trần Diễn đã viết thành công một bi kịch lạc quan.

Tại sao lại gọi tiểu thuyết Tình án là một bi kịch lạc quan? Là vì trải qua những con đường đau khổ mà các nhân vật nếm trải, băng qua những thăng trầm của số phận con người, vượt qua những xung đột xã hội về đạo đức, nhà văn đã giúp bạn đọc tiếp cận được sự thật đời sống trong dạng thức tươi nguyên của nó. Cảnh tượng cuối cùng của tiểu thuyết thật đáng nhớ khi Thượng tá Thuyết nhìn đồng đội và ông thấp giọng: "Các đồng chí tháo khóa cho hai người vô tội!".

Ở cảnh kết thúc đọng lại trong tâm trí độc giả một hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng "Núi rừng Tây Nguyên nổi gió. Các loài hoa đung đưa trước gió. Rừng thông nghiêng nghiêng, tiếng gió reo như bản nhạc vang lên réo rắt". Hình ảnh này đã gợi lên trong tâm thức độc giả cảm hứng về một tương lai, về một tư tưởng nhân văn sâu sắc: Tình yêu thương có khả năng cứu rỗi thế giới

Bùi Việt
.
.
.