Bế mặc hội thảo “Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập”

Thứ Tư, 19/11/2008, 09:48
Hội thảo toàn quốc về "Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập" do Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (VHNTTW) tổ chức tại TP HCM đã chính thức khép lại với lễ bế mạc vào sáng 18/11.

Dự kiến, toàn bộ nội dung tổng kết ý kiến của các đại biểu tại hội thảo sẽ được Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổng kết, trình lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đại hội lần thứ XI trong thời gian sắp tới.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình VHNTTW khẳng định: Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp rất sâu sắc và quý giá từ tấm lòng, trí tuệ của các đại biểu.

Có ý kiến chuyên về lý luận, mang tính khái luận rất cao, có ý kiến phản ánh thực tế sinh động, phong phú, có ý kiến bắt nguồn từ góc nhìn của địa phương hoặc các chuyên gia nước ngoài nhưng cũng có nhiều ý kiến mang tính dự báo về những vấn đề cần lường trước để có những tính toán phù hợp với sự phát triển của xã hội trong tương lai.

Đã có 42 tham luận gửi về cho Ban tổ chức và 28 tham luận về các lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã được trình bày, thảo luận trong khuôn khổ của hội thảo.

Có 5 nội dung được các tham luận quan tâm, trong đó, điều đầu tiên được khẳng định là cơ chế thị trường cho các sản phẩm văn học, nghệ thuật là cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là mục tiêu nhất quán mà xã hội ta đang hướng tới.

Chúng ta hội nhập văn hóa không có nghĩa là nhất thể hóa văn hóa mà là sự giao thoa, tiếp biến văn hóa ở một cấp độ mới. Cần chủ động hội nhập, tích cực hội nhập nhưng là sự hội nhập trong bình tĩnh và tỉnh táo, đảm bảo hội nhập nhưng vẫn giữ được, khẳng định được dân tộc ta là dân tộc văn hiến và anh hùng.

Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào sự thật là trong những năm qua chúng ta tập trung cho hội nhập kinh tế nhưng còn nhiều lĩnh vực khác chưa được chú ý đúng mức, trong đó có văn hóa.

Nội dung thứ hai là tính chất, mức độ yêu cầu của sản phẩm văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường, qua đó khẳng định sản phẩm văn học, nghệ thuật là một loại hình hàng hóa nhưng là hàng hóa có tính chất đặc thù.

Nội dung thứ ba là đánh giá sự tác động của cơ chế thị trường, hội nhập đến văn học, nghệ thuật nói chung, sản phẩm văn học, nghệ thuật nói riêng, khẳng định những thành tựu, những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đến sự phát triển văn học, nghệ thuật cũng như tìm ra các nguyên nhân dẫn đến các hạn chế của thị trường các sản phẩm văn học, nghệ thuật hiện nay.

Nội dung thứ tư là dự báo về những vấn đề cần lường trước để có những tính toán phù hợp với sự phát triển của xã hội: Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin kéo theo thông tin nhanh chóng của các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, kể cả sản phẩm có giá trị, chứa đựng những điều cao quý nhất lẫn sản phẩm chỉ chứa những điều tệ hại nhất mà chúng ta lại không thể cấm đoán sự tiếp cận thông tin không lành mạnh bằng mệnh lệnh hành chính hay ngăn cản bằng công nghệ...

Vì vậy, sáng tác văn học nghệ thuật phải hướng đến bồi đắp bản lĩnh, trí tuệ cho con người, giúp con người Việt Nam giữ vững được bản lĩnh trước bất kỳ luồng thông tin nào.

Mặt khác, quyền con người, nhu cầu con người cá thể ngày càng được tôn trọng, đề cao, văn học nghệ thuật phải hướng theo xu thế của tự do, dân chủ nhưng cũng phải định hướng đúng đến tự do, dân chủ chân chính, phải đi vào khai thác sâu hơn, nhiều hơn, phản ánh, khai thác được các mặt tích cực của vấn đề tôn giáo, dân tộc...

Nội dung cuối cùng là các kiến nghị với Đảng, Nhà nước cũng như sự xác định trách nhiệm của chính văn nghệ sĩ đối với sự phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà.

Trong đó khẳng định: Việc đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước vừa là nguyên tắc, vừa là giải pháp nhưng phải làm sao để sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước thuận lợi hơn cho phát triển văn học, nghệ thuật.

Cũng tại lễ bế mạc, đại diện lãnh đạo Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương đã trao tặng Thành ủy, Ban Tư tưởng Thành ủy TP Hồ Chí Minh hai bức tranh để thay lời cảm ơn về sự hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo địa phương trong công tác tổ chức hội thảo thời gian qua

N.Hoa
.
.
.