Bảo vệ và làm lan tỏa giá trị di sản Hát Xoan

Chủ Nhật, 05/04/2015, 23:18
Hát Xoan Phú Thọ là một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của vùng đất Tổ và của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản cần dược bảo vệ khẩn cấp. Hiện Phú Thọ đang làm hết sức mình để bảo vệ di sản quý báu này và từng bước thực thi các nhiệm vụ để bảo vệ, đưa Hát Xoan khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và tương lai trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Kim Biên, một người con của vùng đất Tổ cũng là người nặng lòng với việc bảo vệ di sản cha ông để lại, trong đó có Hát Xoan.

Để làm hết trách nhiệm công dân với quê hương đất nước, góp phần giữ gìn vốn cổ Hát Xoan, ông đã gửi tới lãnh đạo tỉnh Phú Thọ bản thảo hơn 80 trang viết “Hát Xoan cổ điển Phú Thọ và giải pháp phục hồi”.

Trong tập bản thảo sách, ông đưa ra các nghiên cứu dựa trên nguồn tư liệu tích lũy qua nhiều chục năm như: Lời kể của các cụ trùm Xoan và đào kép trước năm 1945, đọc 1.840 câu hát trong Bài bản Hát Xoan của phường An Thái do ông Nguyễn Khắc Xương sưu tầm Hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú xuất bản năm 1979, đọc Thần tích, Sử ký và nhất là điều tra địa lý tự nhiên, điều tra dân tộc học, nhân chủng học, khảo cổ học trên vùng quê Xoan tại phía Bắc kinh đô Văn Lang.

Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản cần được bảo vệ khẩn cấp.

Chứng minh nguồn gốc xuất xứ và các chặng đường phát triển của Hát Xoan từ thời Hùng Vương đến thời nhà Lý, rồi từ thời nhà Lý đến thời Hậu Lê. Toàn bộ hoạt động của 4 phường Xoan ở 4 làng An Thái, Kim Đơi, Thét, Trung Hội trước năm 1945, là nối đời làm theo khuôn mẫu được định hình vào thế kỷ XV.

Thời gian này Triều đình nhà Lê bắt đầu xem xét đến các tục lệ trong lễ hội của các làng xã, loại bỏ những cái mà họ cho là nhảm nhí. Hát Xoan của cư dân kinh đô Văn Lang di duệ của dòng tộc Vua Hùng, được hai ông danh sỹ Đỗ Nhuận và Thân Nhân Trung đời vua Lê Thánh Tông cảm nhận và nâng đỡ.

Trên cơ sở ngót hai nghìn câu hát của dân gian, hai ông đem sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh sắp xếp thành bài bản qui củ. Riêng các điệu múa và trò diễn ẩn chứa tín ngưỡng phồn thực niềm ao ước tâm linh của cư dân nông nghiệp cổ thì vẫn được bảo tồn tự biên tự diễn. Vì thế mà Hát Xoan có sức sống rất trường thọ, khỏe dai.

Trong bản thảo này, nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên cũng cố gắng trình bày thể thức biểu diễn của 28 tiết mục. Mỗi tiết mục gồm bao nhiêu câu hát và trích dẫn một số câu làm ví dụ, số lượng đào kép tham gia, đội hình múa hát như thế nào. Đây có thể coi là bộ khung sườn, để các nhà có chuyên môn sâu về nhạc về múa của Xoan bổ sung điều chỉnh.

Về phường họ Xoan, mỗi phường (hay họ) có một ông trùm đọc được bài bản viết bằng chữ Nôm và hiểu biết diễn xướng, đức độ được dân làng tín nhiệm giao cho quản lý phường Xoan. Diễn viên nam gọi là kép tuổi 19-20, thường có 6 người và vài chú kép con. Trang phục của kép là chít khăn thủ rìu màu đỏ, áo cánh trắng thắt lưng xanh ngoài áo, quần nâu. Diễn viên nữ gọi là đào tuổi 16-17 thường có 12 cô.

Trang phục của đào là vấn khăn tròn mầu đỏ bỏ đuôi gà, bên trong mặc áo cánh trắng thắt lưng tím ngoài áo, bên ngoài mặc áo dài tứ thân màu nâu tươi, váy dài đen. Hai yếu tố lứa tuổi và trang phục của đào kép là đặc trưng nhất về hình thức của Hát Xoan, khiến nó có tính địa phương riêng biệt rất cao.

Ông Vũ Kim Biên cũng đề xuất lãnh đạo cần khẩn trương phục hồi 4 phường Xoan gốc ở An Thái, Kim Đơi, Thét, Trung Hội theo đúng tiêu chí trước năm 1945 về số lượng đào kép, lứa tuổi, về trang phục, về chương trình biểu diễn 28 tiết mục. Chứ không thể cứ dùng đội Xoan câu lạc bộ nhiều lứa tuổi có cả ông bà già, cách tân quá nhiều so với Xoan cổ điển…

K.H.

.
.
.