Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài trong đời sống đương đại

Thứ Hai, 30/11/2020, 08:43
Sau sự kiện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện vận động cán bộ công chức mặc áo dài trong lễ chào cờ đầu tháng gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng, mới đây nghệ sỹ Kim Xuân lên tiếng ủng hộ nam sinh mặc áo dài chào cờ đầu tuần. Câu chuyện bảo tồn và phát triển di sản áo dài truyền thống tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm nhằm phát huy bản sắc văn hóa.

Những ngày này, khu trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội như được thay áo mới bởi sự lộng lẫy và cả sự nhộn nhịp bởi của hàng trăm người yêu di sản áo dài trên cả nước cùng tề tựu về để chuẩn bị cho chương trình trình diễn áo dài “Chuyện phố”. Nhiều mẫu thiết kế áo dài truyền thống được nghệ nhân Năm Tuyền từ TP HCM mang đến để các người mẫu không chuyên cùng “đọ dáng”. Những người mẫu đặc biệt này có thể là công chức, có người là lao động tự do nhưng đều đến với chương trình bằng sự tự nguyện, kể cả chấp nhận tự bỏ tiền túi để mua vé máy bay di chuyển từ TP HCM ra Hà Nội, chỉ với mong muốn được góp phần lan tỏa tình yêu áo dài truyền thống rộng rãi hơn trong cộng đồng. 

Thành viên của đoàn TP HCM, Nguyễn Phúc Tôn Thất Trung Hiền cho biết, anh là cháu đời thứ 14 của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, quê gốc ở Huế, vào TP HCM sinh sống và đã được tìm hiểu, rất tự hào về văn hóa mặc, đặc biệt là áo dài nam truyền thống. Tuy nhiên, khi giới thiệu áo dài nam truyền thống với người nước ngoài trong các dịp lễ, Tết, họ vô cùng ngạc nhiên vì cho rằng lâu nay, họ chỉ biết áo dài Việt Nam dành cho phụ nữ. Thông tin họ tìm hiểu trên mạng internet thời điểm ấy cũng chỉ giới thiệu áo dài là trang phục dành cho phụ nữ. Trong khi lịch sử đều cho thấy, áo dài nam đã từng là trang phục được cha ông sử dụng phổ biến, cũng không kém phần lịch thiệp. Việc tham gia các hoạt động tại phố cổ Hà Nội lần này chỉ là một trong rất nhiều hoạt động nhằm “minh oan” cho áo dài nam truyền thống mà anh theo đuổi lâu nay.

Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Quốc Hải cũng chia sẻ rằng, ông rất mừng khi những năm gần đây, áo dài truyền thống nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều hơn của các bạn trẻ. Nếu những năm 1992-1993, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặt câu hỏi về quốc phục Việt Nam, phần lớn người trong nghề có mặt đều không hình dung được quốc phục Việt là như thế nào thì đến nay, câu chuyện chấp nhận áo dài truyền thống là quốc phục Việt Nam đã được đông đảo người làm văn hóa và thời trang, công chúng quan tâm, đồng tình. Nhiều nhà ngoại giao đã quan tâm, sử dụng. Áo dài không chỉ được nhìn nhận là một trang phục đơn thuần, mà là văn hóa mặc của người Việt. Hơn thế, các bạn trẻ ngày nay phát huy giá trị áo dài rất thông minh. Người có ý tưởng kết nối với nơi sản xuất, nghệ nhân may mặc để cùng phát huy giá trị áo dài một cách linh hoạt, hiệu quả hơn.

Hình ảnh áo dài truyền thống, đặc biệt là áo dài nam truyền thống ngày càng phổ biến hơn qua các nỗ lực của CLB Đình Làng Việt.

Trao đổi về vấn đề bảo tồn và phát triển áo dài truyền thống trong xã hội hiện nay, Thạc sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt và Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống cho biết, CLB Đình làng Việt là một trong những tổ chức đầu tiên thực hiện việc vận động đưa trang phục áo dài ngũ thân, đặc biệt là áo dài của nam giới trở lại đời sống. Đến nay, việc may, mặc áo dài truyền thống đang có những kết quả rất khả quan. Người may, mặc áo ngũ thân ngày càng tăng và được lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt lan tỏa trong lớp trẻ. Ngay cả nhiều sự kiện gây tranh cãi quanh chiếc áo dài, đặc biệt là áo dài nam truyền thống là tín hiệu rất đáng mừng bởi cộng đồng đã chú ý hơn tới di sản áo dài. 

TS Nguyễn Kim Hương, giảng viên cao cấp của Đại học Kiến trúc Hà Nội, chuyên về ngành kiến trúc thời trang cũng chỉ ra rằng, để áo dài truyền thống được phát huy đúng và ngày càng phổ biến hơn thì nên có những tọa đàm, trình diễn trước công chúng. Nên khuyến khích người nổi tiếng, nhà hoạch định chính sách, người hay xuất hiện trước công chúng mặc áo dài truyền thống. Với những sự lễ hội, cần ấn định các khu vực, thời điểm trình diễn áo dài truyền thống, tách bạch rõ với các trình diễn thời trang khác, kể cả áo dài cách tân, để người trẻ và số đông công chúng, kể cả người làm may mặc nhìn vào có thể phân biệt được đâu là áo dài truyền thống để phát huy cho đúng.

TS Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng cho biết, trong các hoạt động của Quốc hội thì vấn đề văn hóa luôn được các đại biểu quan tâm. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống luôn được Quốc hội, Đảng, Nhà nước quan tâm. Áo dài truyền thống không là ngoại lệ. Các hoạt động của các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết với trang phục truyền thống luôn được ủng hộ. Nếu phát huy tốt giá trị áo dài truyền thống thì không những bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống, hồn cốt của dân tộc mà còn tạo được việc làm, thu nhập cho người dân bản địa, cho chính các nghệ nhân… 

TS Trần Thị Quốc Khánh cũng cho biết, năm 2020, Quốc hội đã đề nghị giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Luật nhằm chuẩn hóa về nghi thức, nghi lễ và cả quốc phục, quốc hoa. Đề nghị này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, ủng hộ. 

Mới đây, một đề án nhằm xây dựng làng sen, vừa phục vụ phát triển du lịch, vừa sản xuất tơ sen, cung cấp nguyên liệu cho áo dài truyền thống bằng tơ sen được triển khai. Đây là những tín hiệu vui. Tất nhiên, trong thời gian tới, các nghệ nhân, người thợ lành nghề, những người giữ hồn cốt dân tộc Việt Nam trong may mặc sẽ cần sự phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa để áo dài truyền thống phổ biến trong cộng đồng, qua đó giữ gìn và phát huy được bản sắc bản sắc văn hóa qua trang phục ngày càng tốt hơn.

Ngọc Nguyễn
.
.
.