Bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Thứ Hai, 08/12/2014, 08:50
Có được danh hiệu đã khó, giữ được nó lại càng khó hơn - điều đó không chỉ đúng với ví, giặm Nghệ Tĩnh, mà còn là lời nhắc nhở chúng ta ứng xử với bất cứ giá trị di sản văn hóa nào khi được UNESCO vinh danh. Bởi lẽ, khi bước chân ra thế giới rộng lớn, mỗi di sản văn hóa phải mang đặc trưng riêng của mình để không bị lẫn lộn, hòa tan trong dòng chảy văn hóa đa thanh, đa sắc.

Gìn giữ di sản cũng là trách nhiệm với quốc tế, với nhân dân trong nước. Vậy, đối với trường hợp của dân ca ví, giặm thì loại hình này nên được bảo tồn, phát huy như thế nào?

Ngay trong hồ sơ đệ trình lên UNESCO xét duyệt di sản văn hóa phi vật thể, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã đưa ra những biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này. Đáng lưu ý là những đề xuất cụ thể như: cam kết của cộng đồng dân cư để bảo vệ và phát huy giá trị di sản, khiến di sản sống mãi trong lòng nhân dân bằng hình thức hoạt động câu lạc bộ, phong trào văn nghệ quần chúng; phối hợp với các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca ví, giặm và truyền dạy di sản này cho thế hệ trẻ.

Con người là nhân tố quan trọng trong bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm.

Trong số những nhiệm vụ nói trên thì yếu tố đầu tiên và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhân dân và chính quyền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là gìn giữ các làn điệu hát ví, hát giặm trong cộng đồng. Hiện nay, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan thì: “Ở Nghệ Tĩnh có hai tầng ví, giặm, đó là tầng sân khấu hiện đại và tầng văn hóa dân gian”. Cả hai tầng văn hóa này tồn tại song song, bổ trợ cho nhau và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ. Cụ thể hơn, ví, giặm không chỉ như lời ăn, tiếng nói, câu hát hằng ngày của người dân nơi đây, mà còn được xây dựng, phát triển trên sân khấu, liên hoan ngày càng được chuyên nghiệp hóa. Hay nói cách khác, người xứ Nghệ đã biết chuyển đổi vị trí và chức năng của nó cho phù hợp với đời sống xã hội trải qua tất cả các thời kì lịch sử, từ lối sống sinh hoạt thuở xưa ở đồng ruộng, sông nước, các làng dệt vải, trở thành nghệ thuật giải trí với hình thức đối ca, tam ca…

Có thể nói, việc ví, giặm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã khẳng định sức sống của di sản văn hóa này trong cộng đồng, mà tiêu biểu nhất là mô hình hoạt động câu lạc bộ. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Ất, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ cho biết: “Ví, giặm là sản phẩm của tiếng nói Nghệ, là hồn cốt của người Nghệ Tĩnh. Thời gian đi qua, hàng trăm hàng ngàn câu ví, câu giặm được đúc kết, hoàn thiện. Chỉ những câu hát hay nhất, tinh túy nhất mới có thể được lưu truyền từ đời này sang đời khác”. 

Còn NSND Hồng Lựu - người gắn liền với công tác bảo tồn dân ca xứ Nghệ thì cho rằng: Một trong những tiêu chí quan trọng nhất để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là dân ca phải được trở về với cộng đồng, tức là dân ca phải trở thành sinh hoạt thường ngày của đa số người dân. Cụ thể: Trong đời sống hằng ngày, ví, giặm đã thành lời ru đưa nôi; thành câu hát mời rượu trong liên hoan, đám cưới; thành lời tri ân báo hiếu ông, bà, cha, mẹ trong lễ mừng thọ... Bằng những giai điệu tha thiết, bằng những lời ca mộc mạc, thân tình, ví, giặm như thứ “lạt mềm buộc chặt”, lay động mọi tâm tư nỗi niềm, trở thành hướng quy chuẩn cho các hành vi ứng xử của con người trong cộng đồng. Chất giáo huấn, triết lý của ví, giặm đi vào lòng người một cách tự nhiên chứ không hề gượng ép, góp phần không nhỏ trong việc thanh lọc tâm hồn, nuôi dưỡng trí tuệ, hình thành nên nhân cách con người xứ Nghệ.

Cũng theo Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Ất: Hiện nay, ví, giặm ngày càng được lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư. Ví, giặm đã đến từng gia đình, vào các trường học,... Phong trào hát dân ca phát triển khắp các địa phương trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh với trên 80 câu lạc bộ dân ca và gần 2.000 nghệ nhân hoạt động đều đặn, thường xuyên, trong đó có gần 100 nghệ nhân hát ví, giặm tiêu biểu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Chính hệ thống các câu lạc bộ đã tạo nên một mạng lưới dân ca rộng khắp các địa phương, trở thành “cái nôi” lưu giữ dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Do vậy, sau khi được vinh danh, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cần có chiến lược cụ thể để chăm lo cho sự phát triển của câu lạc bộ, chăm lo hơn nữa cho đời sống các nghệ nhân bằng chính sách đãi ngộ, động viên hợp lý.

Từ năm 1998, phong trào hát dân ca được phổ biến đến các trường học. Mỗi giờ học văn, học sử hay âm nhạc, các thầy cô giáo nơi đây luôn lồng ghép, giới thiệu những làn điệu hát ví, hát giặm đến các em học sinh. Do vậy, theo PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, thành viên Hội đồng thẩm định hồ sơ ví, giặm đệ trình UNESCO, thì trong thời gian tới, việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ phải được triển khai đồng bộ hơn nữa ngay từ khi các em còn nhỏ. “Vì không có sự hiểu biết về nội dung, giá trị nên lớp trẻ mới không thích nghệ thuật truyền thống. Muốn thực hiện việc này phải mất nhiều công và phải có sự góp sức của toàn xã hội chứ không chỉ riêng ngành Giáo dục hay Văn hóa làm được. Nếu chúng ta có chính sách quản lý tốt thì dân ca ví, giặm sẽ duy trì và phát triển được như những loại hình khác”, PGS.TS Trương Quốc Bình nói.

Cảnh Vũ – Bảo Trân
.
.
.