Thành cổ Luy Lâu: Khai quật chậm chạp, bảo tồn gặp khó
Thành Luy Lâu được coi là di tích thành cổ có quy mô to lớn và bề thế nhất so với những di tích thành lũy thời Bắc thuộc hiện còn ở miền Bắc nước ta. Tính đến thời điểm này, di tích thành cổ Luy Lâu vẫn còn nhiều bí ẩn lịch sử. Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc dự án hợp tác nghiên cứu khảo cổ học Việt-Nhật giai đoạn 2014-2019 tại khu di tích thành cổ Luy Lâu đã bước đầu đưa ra kết quả về phạm vi, niên đại cũng như cấu trúc di tích này, đặc biệt là khu vực thành Nội. Nhưng, khi chờ đợi các nhà khảo cổ làm sáng tỏ diện mạo khu di tích Luy Lâu đã bị che mờ qua hàng nghìn năm lịch sử, khẳng định giá trị văn hóa của trị sở quận Giao Chỉ giai đoạn đầu Công nguyên thì công tác bảo tồn khu vực di tích này cần được triển khai cụ thể, mạnh tay hơn nữa.
Trong thời gian thực hiện dự án hợp tác nghiên cứu khảo cổ học, đoàn nghiên cứu thuộc Trường Đại học Đông Á (Nhật Bản) và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã bước đầu xác định vị trí và phạm vi thành Nội di tích Luy Lâu lệch về phía Đông và phía Nam (chứ không phải là lệch phía Tây gần đền Sĩ Nhiếp như trước đây), khẳng định thành cổ Luy Lâu ở vị trí xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, bên hữu ngạn dòng sông Dâu cổ. Thành cổ Luy Lâu gồm tường thành và hào thành bao quanh. Kết cấu chỉnh thể của thành cổ lấy phía Bắc làm hướng chính cho việc xây đắp, rất giống với ý tưởng xây dựng các khu đô thành và đô thị quận (huyện) ở Trường An, Lạc Dương thời Hán.
Nói về cảnh quan đô thị của trị sở Luy Lâu tại Giao Chỉ, Tiến sĩ Hoàng Hiểu Phấn, Trường Đại học Đông Á, Nhật Bản, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu cho biết: Nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm ảnh vệ tinh và tìm hiểu điều kiện tự nhiên ở khu vực này. Qua các hình ảnh vệ tinh cho thấy: vị trí xây thành gần với một dòng sông cổ là sông Dâu (nay không còn tồn tại nữa). Sông Dâu cổ là một nhánh của sông Hồng, xung quanh đó là vùng đồng bằng rộng lớn, ở giữa phân thành nhánh sông nhỏ, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Điều đó cũng góp phần trả lời cho câu hỏi vì sao người xưa lại chọn khu vực này để xây dựng thành cổ.
Một trong những kết quả đáng lưu ý là nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một số lượng lớn gạch ngói cùng với các hiện vật đúc đồng, cho thấy có hoạt động sản xuất chế tạo đồ kim loại tại khu vực Luy Lâu. Đoàn nghiên cứu đã thu được khoảng hơn 50 mảnh khuôn trống bằng đất nung, gồm cả khuôn ngoài và khuôn trong, thuộc các bộ phận khác nhau như mặt, tang, lưng và chân. Các mảnh khuôn ngoài thường có những vòng hoa văn điển hình của trống Đông Sơn như: vòng tròn tiếp tuyến, vòng tròn đồng tâm, văn bông lúa… Điều này chứng minh cho tính bản địa của trống Đông Sơn cũng như góp phần giúp chúng ta hình dung rõ hơn về quy trình đúc trống đồng của ông cha ta thời xưa.
Người dân xây dựng nhà ở lấn chiếm khu di tích. |
Tiến sĩ Hoàng Hiểu Phấn khẳng định: “Ở khu di tích thành cổ Luy Lâu có sự tích hợp giữa văn hóa Hán - tức văn hóa ngoại lai với văn hóa bản địa - là văn hóa Đông Sơn khoảng trước thế kỉ thứ 4 sau Công nguyên. Như chúng ta đã biết, thế kỉ thứ 4 là thời kì nhà Hán suy vong nhưng văn hóa Đông Sơn vẫn tồn tại, phát triển cùng di tích này”.
Tuy nhiên, với tính chất di tích quan trọng như vậy, nhưng trong nhiều năm gần đây, khu thành cổ Luy Lâu đã bị con người xâm hại, ảnh hưởng rất nhiều. Anh Trương Đắc Chiến, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Trước đây, người dân làm lò gạch rất nhiều xung quanh khu di tích này. Hiện nay việc xâm hại nhiều nhất là xây mộ, đặc biệt là việc dùng máy xúc để phục vụ việc đào ao thả cá.
Anh cho biết: “Mỗi lớp đất đối với ngành khảo cổ học là một trang sách, đọc xong thì không còn trang sách đó nữa. Do vậy, đối với các nhà chuyên môn thì phải nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản và thận trọng. Bên cạnh đó, khi khai quật Luy Lâu mới thấy rõ mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Đối với các nhà quản lý thì không thể nói rằng người dân không được đào ao, không được xây mộ mà phải có định hướng cho họ”.
Còn đối với nhiều du khách, khi đặt chân đến khu vực di tích này, nhiều người phải hỏi mới biết được con đường dẫn vào khu thành cổ. Bởi đường đi vào bị cây bụi mọc chắn hết cả lối đi. Bà Nguyễn Thị Hạt, một người dân làng Lũng Khê cho biết: “Dân sống ở sườn thành lấn chiếm chứ không phải tập thể lấn chiếm khu di tích. Ngày xưa khu vực này rộng nhưng người ta cứ lãng quên đi, không ai quản lý thì dân sống gần đấy cứ lấn chiếm thôi”.
Còn ông Nguyễn Duy Khoa, một người dân sống gần khu vực thành cổ lại kể cho chúng tôi nghe về chuyện người dân trồng cây trên bờ thành để chống xói mòn nhưng đã vô tình làm ảnh hưởng đến không gian di tích: “Hiện nay địa phương giao thôn sở tại - thôn Lũng trực tiếp quản lý ở thành cổ Luy Lâu. Thường thường có nhiều khách đến khu này hỏi thăm thành cổ Luy Lâu nhưng đường vào cũng không có. Rất nhiều người muốn quan tâm đến nhưng thực tế vào trong thành cũng không có cái gì cả”.
Thông tin từ các nhà khảo cổ cũng cho biết: Một phần khu mộ gạch dự kiến sẽ được khai quật trên quy mô lớn trong năm 2015 nhưng chưa được công nhận thuộc khu di tích. Trong khi đó, khu vực này đang được chuẩn bị bàn giao phục vụ mục đích phát triển khu công nghiệp. Do vậy, anh Trương Đắc Chiến cho rằng, nếu không kịp thời ngăn chặn thì khu mộ gạch này có nguy cơ bị san bằng để xây dựng nhà xưởng.
TS Hoàng Hiểu Phấn cũng đề nghị: “Với một di tích thuộc loại khá hiếm ở Đông Nam Á như thành cổ Luy Lâu, việc bảo tồn cần được chú trọng hơn nữa. Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu, khai quật lại khá chậm chạp. Tôi rất mong muốn cơ quan, chính quyền Việt Nam quan tâm hơn đến việc nghiên cứu, khai quật đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về di tích này”.