Bàn về bộ phim Việt Nam đầu tiên của “giờ vàng” HTV

Thứ Tư, 20/07/2005, 07:38
Vòng xoáy tình yêu của HTV kết hợp sản xuất với LASTA dài 29 tập được mở đầu cho chương trình Phim Việt cuối tuần. Ngay từ những tập đầu tiên, bộ phim đã thực sự tạo ra một cơn sốt. Lượng khán giả xem phim tăng nhanh đột biến (có tuần chỉ số người xem lên tới 57%) ở đâu, chỗ nào, cũng nghe bàn tán về bà Kim, cô Liễu, cậu Khiêm...

Khoảng vài năm gần đây trên các kênh VTV1, VTV3, HTV7, HTV9... của hai nhà đài lớn nhất cả nước, bên cạnh có thêm Đài PTTH Hà Nội, Hà Tây, Bình Dương, Khánh Hòa... có sự bùng nổ phim ngoại. Bắt đầu là phim Trung Quốc, rồi Hàn Quốc, bên cạnh những bộ dài tập của điện ảnh Nga, Đức, Australia và Mỹ... không còn hiện tượng một tuần có mấy tối chiếu phim truyện như thập niên 1980, 1990 của thế kỷ trước nữa. Hiện tượng này đã tác động rất lớn đối với những cảm nhận của người xem, tiếp thụ tinh hoa của các nền văn hóa trên thế giới thông qua một loại hình nghệ thuật luôn làm mê đắm lòng người, đấy là phim truyện.

Nhưng những bộ phim ngoại nhập có hay, có hấp dẫn đến đâu như Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân... Trở về Êden, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Bạch tuộc... rồi sau này cơ man phim Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng là của người ta với những câu chuyện của người ta, không phải của mình, phim Việt Nam mới là phim của mình.

Một loạt các phim được chiếu trên HTV như Đất phương Nam, Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu (TFS), Gió qua miền tối sáng, Những ngọn nến trong đêm, Đất và người, Cảnh sát hình sự, Phía trước là bầu trời, Chuyện phố phường... (VFS), Giao thời, Blouse trắng (TFS) hay gần đây nhất là Ngọn nến hoàng cung (TFS)... Nhưng dù có kê ra hết tất cả những phim Việt Nam đã chiếu trên các kênh của truyền hình cả nước, cũng không  đủ so với nhu cầu quá lớn về món ăn tinh thần của khán giả Việt Nam với những câu chuyện “của mình”.

Nhìn sang các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, lãnh đạo các đài đều thấy ngay một điều, chính phủ những nước này quy định “giờ vàng” (giờ có đông khán giả xem nhất) buộc tất cả các đài truyền hình chỉ được chiếu phim trong nước. Nhờ vậy, thị trường nội địa ở các nước này rất sôi động và việc số lượng và chất lượng phim trong nước phát triển nhanh đến chóng mặt với tỉ lệ phim nội vượt qua 50%. Áp dụng vấn đề đó với Việt Nam, ở những năm đầu thế kỷ XXI này, khi mà ngành truyền hình (TH) đang vừa làm vừa phát triển, quả là khó.

 

Nhất là với đặc trưng riêng của thể loại Phim truyền hình (PTH). Hầu hết đội ngũ làm phim được đào tạo để làm điện ảnh (năm 2005 hình như Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh mới chính thức mở khoa đào tạo Đạo diễn truyền hình). Có thể lược qua một số thực trạng hiện nay của công nghệ sản xuất PTH như sau: Đấy là nguồn kinh phí chính để sản xuất lấy từ ngân sách của TH và sau này là của dịch vụ quảng cáo phát sóng trên các đài truyền hình. Số kinh phí rất hạn chế, cào bằng (vì phim TH phát sóng miễn phí, phục vụ người xem khắp cả nước). Để đảm bảo nguồn thu, hầu hết các đài truyền hình đều dành "giờ vàng" chiếu phim ngoại, còn phim Việt Nam thì chiếu vào giờ ít người xem vì ít quảng cáo.

Đài HTV, với những thực tế khó khăn như vậy, sau rất nhiều hội nghị mang tính toàn quốc của ngành truyền hình, hội thảo mang tính chuyên môn, đã tìm ra bằng được cách tháo gỡ. Ngoài việc tạo mọi điều kiện cho đơn vị chủ lực của HTV là TFS sản xuất tăng nhiều về số lượng và chất lượng, đa dạng hóa đề tài thì có "giờ vàng cho phim Việt” ra đời, với phương cách xã hội hóa. Đài HTV cũng đồng thời chấp nhận giảm lợi nhuận trước mắt là giảm chiếu phim ngoại để tăng phim Việt Nam.

Bộ phim đầu tiên của việc xã hội hoá phim Việt Nam trên HTV

Vòng xoáy tình yêu của HTV kết hợp sản xuất với LASTA dài 29 tập được mở đầu cho chương trình Phim Việt cuối tuần. Ngay từ những tập đầu tiên, bộ phim đã thực sự tạo ra một cơn sốt. Lượng khán giả xem phim tăng nhanh đột biến (có tuần chỉ số người xem lên tới 57% - Một chỉ số chưa từng có đối với những phim phát trên HTV nói riêng và VTV nói chung) ở đâu, chỗ nào, cũng nghe bàn tán về bà Kim, cô Liễu, cậu Khiêm...

Tóm lại, suốt  29 tối, người xem luôn ở trong trạng thái rất khác nhau. Thích, không thích, rồi lại thích... nhưng không bỏ. Mặc dù nội dung phim cũng đơn giản, với những chuyện quan hệ gia đình, tình yêu, sự giành giật hạnh phúc cho mình bằng cách này cách khác... Có khác chăng là ở chỗ, phim được thu tiếng trực tiếp (không phải bây giờ mới có loại phim thu tiếng trực tiếp như Vòng xoáy tình yêu) nhưng chưa có nhiều loại phim này nên các nhân vật xuất hiện, hóa thân với vai diễn rất thật (ưu điểm hay nhược điểm về tiếng nói của diễn viên thấy ngay).

Hơn nữa, tiết tấu phim rất nhanh, nếu không tập trung xem, có thể bỏ qua những chi tiết quan trọng, gây khó hiểu, vô lý cho người xem ở những tập sau vì phim không có những đoạn giải thích dài dòng, lặp đi lặp lại. Có cảm giác, khán giả xem truyền hình bị cuốn vào bộ phim (có hai loại: một là, muốn xem, thích thú chờ mong câu chuyện sẽ tiếp diễn như thế nào; hai là, tức anh ách nhưng muốn xem xem người ta giải quyết chuyện này ra sao?).

Bước đột phá đầu tiên, có thể thấy là thành công. Thành công ở chỗ, người xem đã không thờ ơ với phim Việt Nam trên TH, không còn những câu cửa miệng: Đã là gái thanh niên xung phong thì dứt khoát phải có kỷ niệm với một anh bộ đội chưa có mối tình đầu, chưa biết mùi tình yêu đã phải ra trận bằng một đứa con. Cứ doanh nghiệp tư nhân là tham ô, tham nhũng, chơi gái, sa đọa. Đã là ông bà già hơi ốm cũng ho, mà ốm nặng sắp chết cũng ho.

 

Thông điệp của những người làm phim Vòng xoáy tình yêu thật giản dị, với cách dẫn chuyện bình dân, nhưng cuốn hút người xem từ đầu đến cuối. Đặc biệt là dàn diễn viên gạo cội như NS Kim Xuân, Thanh Thúy, Minh Đạt, Như Phúc, đặc biệt là bé Quách Bửu Sang, bị câm điếc bẩm sinh vào vai Yến Nhi câm điếc rất thành công.

Kết thúc Vòng xoáy tình yêu, bắt đầu Ảo ảnh (35 tập). Hy vọng những tập phim của "Giờ vàng cho phim Việt" luôn cuốn hút người xem, và những nhà làm phim cần nghiêm túc xem xét ghi nhận những đóng góp nhiệt tình của khán giả cho bộ phim đầu tiên, hạn chế những khiếm khuyết không đáng có để nấu ra những bát cơm gạo trắng, thơm ngon mà không gặp phải những hạt sạn đáng tiếc

Phan Thiên Hà
.
.
.