Bắc Ninh: Đền Rồng ngậm ngùi phủ bụi

Thứ Tư, 22/10/2008, 09:55
Con đường đến với Đền Rồng (thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng) phải qua nhà máy gạch với một lớp bụi dày đặc. Những chiếc xe nâng, chở gạch đi lại như con thoi khiến khách khó mà nhận ra một khu di tích lịch sử đang ẩn mình nơi đây.

Ngôi đền này nằm trong kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa thời Lý của tỉnh Bắc Ninh để hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nhưng, đã nhiều năm nay, Đền Rồng mang trong mình nhiều giá trị lịch sử vẫn đang phải ngậm ngùi phủ bụi thời gian với công trình xuống cấp vẫn chưa được tôn tạo, tu sửa.

Đền thờ vị vua thứ 9 triều Lý

Đi dọc QL1A cũ, chúng tôi vừa cố nhìn biển báo, vừa hỏi mới tìm được đường vào Đền Rồng. Tấm biển cũ bị khuất lấp bởi cả chục tấm biển mới chèn phía trước, lẫn trong lá cây, đất và than. Đoạn đường chừng 800m phủ một lớp bụi dầy. Vào tận trước cửa đền, khách vẫn không nhận ra sự hiện hữu của một khu di tích bởi xung quanh chỉ toàn gạch với bụi đất.

Phía sau cánh cổng có hai con voi phục là một khuôn viên khá rộng. Khác hẳn với những gì chúng tôi tưởng tượng về đền thờ của một vị vua, Đền Rồng tĩnh mịch, thâm u và quá đơn sơ. Ngày thường, lại là buổi chiều tối nên không có người canh đền. Cánh cửa nơi điện thờ khóa im ỉm, khác hẳn với nơi thờ của 8 vị vua triều Lý ở Đền Đô cách đó hơn 1km.

Ngôi đền rêu phủ đã lâu không được tu sửa. Ngay cả sân đền cũng được làm bằng đủ thứ gạch, vá víu chằng chịt. Vườn cây phía sau cũng toàn gạch ngói vỡ. Đó là dấu tích của khoảng thời gian mà một công ty gạch ngói hoạt động ở đây. Tìm mãi không được người mở gian đền thờ, chúng tôi đành bái vọng rồi quay về. Ngôi đền thờ 700 năm tuổi đang nằm lặng lẽ giữa vùng đất Kinh Bắc giàu truyền thống.

Lần trở lại này, chúng tôi có may mắn về Đền Rồng đúng vào ngày 22/9 âm lịch, một ngày trước ngày giỗ Lý Chiêu Hoàng (23/9 âm lịch). Trong khuôn viên sân đền, Ban Quản lý khu di tích đã cho dựng hai mái bạt để chuẩn bị đón khách về làm lễ. Đây cũng là dịp để nhân dân thôn Long Vĩ, xã Đình Bảng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ vị vua thứ 9 của triều Lý.

Ông Nguyễn Thạc Nhân, Trưởng ban Quản lý di tích Đền Rồng cho biết, ngày thường thì các cụ chỉ trực trông đền vào buổi sáng, còn chiều thì nhờ một người dân ở gần đền trông nom. Gian phòng bên trái khu đền có treo một bản sơ đồ "Giải pháp thiết kế phục hồi tu bổ Đền Rồng" hoàn thành từ tháng 3/2007 với rất nhiều hạng mục được sửa sang. Các cụ trông nom ở đây cho biết, lẽ ra theo kế hoạch, ngày 23/9 âm lịch sẽ làm lễ động thổ, nhưng giờ đã qua ngày đó mà vẫn chẳng thấy gì...

Ban quản lý di tích Đền Rồng cho biết: "Nếu Nhà nước, các cơ quan chức năng đồng ý với chủ trương tu bổ khu di tích này và hỗ trợ một phần kinh phí thì chúng tôi sẽ vận động nhân dân đóng góp với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Cần phục hồi và xếp hạng di tích

Lý Chiêu Hoàng sinh năm 1216, là con gái của Lý Huệ Tông, bà là vua thứ 9 triều Lý. Sau đó Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, trở thành Hoàng hậu Chiêu Thánh. Năm 19 tuổi, bà phải dời bỏ ngôi vị Hoàng hậu nhà Trần và triều đình, lấy Lê Tần (người có công lớn trong cuộc chiến đấu chiến thắng quân Nguyên Mông).

Đền thờ Lý Chiêu Hoàng đang bị xuống cấp.

Truyền rằng, năm 1278, Lý Chiêu Hoàng về thăm cố hương. Ngày 23/9 âm lịch năm đó bà qua đời, táng ở bìa rừng báng, phía Tây Thọ lăng Thiên Đức (lăng của 8 vị vua Lý). Nhân dân địa phương xây dựng Đền Rồng để thờ bà, thường gọi là đền Bà Chiêu. Lăng mộ của bà Lý Chiêu Hoàng nằm ở phía Nam ngôi đền, cách đó chừng 1km. Lăng nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông bên thôn Long Vỹ.

Anh hùng Lao động, nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn là người đã cất công tìm tư liệu lịch sử về các vị vua triều Lý cho biết, Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng được khởi dựng từ cuối thế kỷ XIII. Khu đất khi mới dựng rộng tới 9.300m2, trên đó là vườn rừng, đủ các loại gỗ, chim, thú quý.

Đền Rồng có điện thờ Lý Chiêu Hoàng và gồm nhiều nhà, nhiều gian, cột xà... đều làm bằng gỗ lim quý giá, mái lợp ngói mũi hài. Đền có sân rộng, hai bên sân có hai toà giải vũ, phía ngoài lại có hai dãy nhà khách, mỗi dãy bốn gian, quanh đền có cây cối thâm u rợp bóng.

Trải qua năm tháng biến động, đền qua nhiều lần đổ nát dựng lại. Cho đến nay khu đất dựng đền chỉ còn hơn 3.000m2. Thời Pháp thuộc, Đền Rồng là nơi nghĩa quân tham gia vụ Hà thành đầu độc và nghĩa quân Hoàng Hoa Thám khởi nghĩa Yên Thế, nghĩa quân Đội Cấn, nghĩa quân khởi nghĩa Thái Nguyên... ẩn náu đánh giặc.

Trải qua nhiều năm, Đền Rồng vẫn đang được nhân dân thôn Long Vĩ hương khói, thờ phụng từ đời này qua đời khác. Với những giá trị lịch sử của ngôi đền và vị tiền nhân đang được thờ phụng ở đó, Đền Rồng xứng đáng được công nhận là khu di tích lịch sử, cần nhanh chóng được tu bổ, phục hồi

Việt Hà
.
.
.