Xây dựng pháp luật vì lợi ích chung của toàn xã hội

Chủ Nhật, 11/02/2024, 12:02

Xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Bộ Công an nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước mang lại hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Xây dựng các dự án luật cũng chính là đề xuất các chính sách pháp luật mới.

Tuy nhiên, không phải chính sách pháp luật nào cũng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân ngay từ ban đầu khi đưa ra lấy ý kiến. Điều này đòi hỏi cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật phải luôn luôn nỗ lực, quyết tâm, tiếp thu có chọn lọc, đồng thời vững vàng quan điểm trước câu hỏi, thậm chí là cả sự hoài nghi từ phía dư luận.

1. Luật Căn cước do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua. Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta; đáp ứng yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ mục đích phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. 

unnamed.jpg -0
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên họp triển khai xây dựng nội dung các dự án luật cùng cán bộ, chiến sĩ Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp. 

Điều này cũng phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người dân trong đi lại, giao dịch, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.

Theo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, không ít chính sách được đề xuất trong dự án Luật Căn cước khi đưa ra lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân ban đầu không nhận được sự đồng thuận, ủng hộ. Dự án luật có các chính sách mang tính kỹ thuật nên nhiều người dân chưa hiểu rõ.

Một số chính sách của dự án luật còn khiến người dân hoài nghi như việc cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi có đảm bảo tính khả thi hay không? Quy định này sẽ tiết kiệm chi phí cho ngân sách Nhà nước như thế nào so với việc vẫn sử dụng giấy khai sinh như hiện nay? Hay những thay đổi thông tin trên thẻ căn cước sẽ mang lại những lợi ích như thế nào trong việc xây dựng chính phủ số, công dân số? Tại sao cơ quan chủ trì soạn thảo phải đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước?…

Hàng loạt câu hỏi từ phía dư luận đặt ra cho cơ quan chủ trì soạn thảo. Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng dự án luật gấp, trình tự, thủ tục xây dựng luật trải qua nhiều quy trình nên cơ quan chủ trì soạn thảo đã phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình xây dựng dự án luật.

Để đạt được mục tiêu, Ban soạn thảo dự án luật đã chỉ đạo tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn để xây dựng dự án Luật; thực hiện việc  tuyên truyền, giải thích, tiếp thu các ý kiến tham gia, giải trình đầy đủ các nội dung có liên quan. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo tính khoa học, tính khả thi, phù hợp thực tiễn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để tạo sự đồng thuận, thống nhất xây dựng dự án luật. Kết quả, dự án Luật Căn cước nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và đã được các đại biểu thống nhất thông qua với tỉ lệ lên tới 87,25%.

2. Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo cũng đã được Quốc hội “bấm nút” thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua.

1.jpg -0
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở lên kế hoạch tuần tra bảo đảm an ninh trật tự vào ban đêm trên địa bàn.

Dự án luật là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở cũng như bảo đảm về chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động của lực lượng này. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, đó là tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến ANTT và giữ vững ANTT ngay từ địa bàn cơ sở, từ sớm, từ xa là yêu cầu cần thiết. Qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội an ninh, an toàn vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Quá trình xây dựng dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan chuyên môn cũng như các tổ chức, cá nhân đối với các nội dung của dự án luật. Chỉ tính riêng tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã có 144 lượt ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, trong đó có 125 lượt ý kiến tại tổ, 19 lượt ý kiến tại hội trường. Một trong những nội dung mà dự án luật nhận được sự quan tâm nhất chính là vấn đề thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có làm “phình”, làm cồng kềnh bộ máy, tăng ngân sách Nhà nước hay không?

Để giải trình đầy đủ nội dung này, bằng những nỗ lực, quyết tâm, trên cơ sở lý luận, thực tiễn và khoa học, cả những con số “biết nói” cụ thể, Bộ Công an đã thực hiện phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tính toán (nhân lực, vật lực, tài lực) và đánh giá kỹ lưỡng tác động về biên chế, kinh phí và khả năng đảm bảo theo quy định của dự thảo luật. Khẳng định về việc xây dựng, ban hành luật không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách đã được cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình một cách thuyết phục. Dự thảo luật sau đó đã nhận được sự đồng thuận cao giữa cơ quan thẩm tra của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng thời các đại biểu Quốc hội đã nhất trí cao trong việc “bấm nút” thông qua dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

3. Chỉ trong vòng 1 năm (từ tháng 11/2022 đến nay), Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội ban hành 4 luật. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

26_Xây dựng pháp luật vì lợi ích chung của toàn xã hội -0
Người dân được hướng dẫn đăng ký khám bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế.

Trong 4 dự án luật trên, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp là đơn vị được Bộ Công an giao chủ trì tham mưu 3 dự án luật và phối hợp xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tham gia xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Cảnh vệ; tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo việc nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng 5 dự án luật để trình cấp có thẩm quyền đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2024, 2025 gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, để hoàn thành tốt khối lượng công việc được giao, tập thể cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã rất tích cực, nỗ lực trong suốt thời gian qua. Cán bộ, chiến sĩ làm việc hầu như không có giờ giấc, ngày nghỉ. Có những giai đoạn khi dự án luật được đưa ra lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân, họ giống như những chiến sĩ vượt “bão” dư luận, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý các chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, khoa học.

Nguyễn Hương
.
.
.