Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực:

Xây dựng nền giao thông văn minh, an toàn

Thứ Tư, 01/01/2025, 05:29

Hôm nay (1/1/2025), Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ chính thức có hiệu lực thi hành, cũng đồng thời với việc Nghị định 168/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123) đi vào đời sống.

Xử phạt tăng nặng để răn đe từ sớm

Theo Cục CSGT, thời gian qua, tình hình TTATGT, tai nạn, ùn tắc giao thông, nhất là tại các thành phố lớn diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại cho xã hội, cho người dân; tình trạng vi phạm giao thông diễn ra rất phổ biến, cần thiết lập lại trật tự văn hóa giao thông. Chính vì vậy, Ban soạn thảo Nghị định sau quá trình nghiên cứu, kế thừa những kết quả đạt được của việc thực hiện Nghị định 100, tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia…, nhận thấy rằng cần thiết phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như:

Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm về quy tắc giao thông sẽ tăng mạnh mức phạt như không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông; chạy quá tốc độ, quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, khu vực cấm, lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc; chạy lạng lách, đánh võng; rải vật sắc nhọn... vì đây là những hành vi lỗi cố ý và là nguyên nhân của rất nhiều các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua.

7-giao-thong.jpg -0
Trung tâm chỉ huy CSGT giám sát các việc tham gia giao thông của người dân.

Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như: xe không gắn biển số, gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, che dán biển số; cơi nới kích thước thành thùng xe... vì hiện nay, rất nhiều cá nhân cố tình đi xe không gắn biển số, che dán biển số để thực hiện các hoạt động phạm pháp, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hoạt động tội phạm, trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng, trốn tránh phạt “nguội” của hệ thống giám sát, do vậy cần tăng chế tài để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Cụ thể, đối với người điều khiển ôtô vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mức phạt tiền được nâng từ 4 - 6 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng. Vi phạm nồng độ cồn ở mức từ 0,25mg - 0,4mg/l khí thở hoặc từ 50mg- 80mg/100ml máu sẽ được tăng mức xử phạt thêm 2 triệu đồng (từ 16 - 18 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng). Một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành. Đồng thời, các quy định về quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi mô tô vào đường cao tốc... cũng được cụ thể hóa với mức phạt tăng mạnh 2-3 lần so với hiện hành.

Có một dẫn chứng rõ ràng đó là, hành vi vi phạm nồng độ cồn trước đây từng khiến dư luận và xã hội bức xúc khi gây ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, sau khi hành vi này bị tăng nặng mức xử phạt ở Nghị định 100, đến nay đã tạo dựng được thói quen “đã uống rượu, bia, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trong người dân và được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ.

Nhấn mạnh về việc tăng nặng mức xử phạt đối với nhiều hành vi theo Nghị định 168, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, đây là phương án phù hợp được nghiên cứu kỹ lưỡng, giúp tạo sự răn đe, phòng ngừa, tuyên truyền đến từng người dân nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật. Việc nâng cao mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm, cơ quan chức năng không nhằm vào xử lý người dân mà cốt lõi ở đây là để tạo ra sự răn đe từ sớm đến những người có ý định vi phạm phải nhớ rằng các hành vi như vậy sẽ bị xử phạt rất nặng để từ đó thay đổi suy nghĩ, có ý thức tuân thủ luật giao thông.

Trên thực tế, ý thức tham gia giao thông của người dân đã nâng cao rất nhiều nhưng vẫn tồn tại một bộ phận có hành vi lệch chuẩn khi tham gia giao thông, cố tình vi phạm gây nguy hiểm không cho chính mình mà còn cả những người xung quanh. Với tinh thần trên, Cục CSGT tin rằng khi văn hóa giao thông, trật tự đô thị được nâng cao song hành cùng ý thức của từng người dân sẽ giúp mang lại tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư từ các quốc gia khác đến với Việt Nam.

7-giao-thong-2.jpg -0
CSGT cho người vi phạm xem hình ảnh vi phạm do thiết bị kỹ thuật xử lý vi phạm hành chính ghi lại.

Ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, xử lý vi phạm

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết, hiệu quả trong việc đảm bảo TTATGT sẽ được gắn liền với công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình làm nhiệm vụ, từ phát hiện vi phạm đến xử lý. Cụ thể, Bộ Công an đã hiện đại hóa Trung tâm giám sát, điều hành giao thông; kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu của lực lượng CSGT với các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT, nổi bật thực hiện dịch vụ công toàn trình với thủ tục hành chính đăng ký xe lần đầu trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an; ra mắt ứng dụng VNeTraffic, phục vụ cung cấp các thông tin về giao thông cũng như các tiện ích giao thông cho người dân hướng đến phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hiện đại hóa lực lượng CSGT.

Nói về việc trừ điểm GPLX tại Nghị định 168, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, mỗi GPLX có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm khi vi phạm luật. Cơ quan chức năng căn cứ vào tính chất mức độ vi phạm để áp dụng các hình thức phạt bổ sung như trừ điểm giấy phép lái xe từ 2 đến tối đa là 10 điểm, tước bằng, tịch thu tang vật...Ví dụ như người điều khiển ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức 1 ngoài xử phạt hành chính sẽ bị trừ 4 điểm, vi phạm ở mức 2 bị trừ 10 điểm và ở mức 3 sẽ bị tước GPLX 22 - 24 tháng. Một số hành vi khác như không chấp hành tín hiệu giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của người điều hành giao thông, điều khiển xe đi ngược chiều sẽ bị trừ 4 điểm GPLX. Ngay sau khi có quyết định trừ điểm GPLX sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu và thông báo cho người vi phạm biết.

Cục CSGT đã chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công, kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia... kiểm soát xử lý thông tin về tạm giữ GPLX. Do đó, khuyến khích người dân tích hợp giấy tờ liên quan đến người lái và phương tiện lên hệ thống VNeID để tiện việc theo dõi. GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ gần nhất. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì tài xế không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại GPLX đó. Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX phải kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ, do CSGT tổ chức; kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Thủy Thắng
.
.
.