Xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp để "giữ chân" người lao động khu vực công

Thứ Bảy, 01/10/2022, 18:45

Bộ Y tế đang tiếp tục khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực cũng như hiệu quả của công tác mua sắm, đấu thầu, đẩy mạnh cấp phép giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm.

Chiều 1/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội qua 3/4 chặng đường của năm 2022 và giải đáp, làm rõ các vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm. Phiên họp có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an đại diện Bộ Công an tham gia họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên.

Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, giới thiệu về các nội dung chính của Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, vừa kết thúc vào sáng 1/10. Phiên họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tháng 9 và 3 quý đầu năm 2022; chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

toàn cảnh.jpg -0
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì phiên họp.

Giải quyết vấn đề thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế, tuy nhiên tình trạng này vẫn xảy ra ở nhiều nơi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Đối với tháo gỡ khó khăn liên quan đến đấu thầu tại các bệnh viện, hiện Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực cũng như hiệu quả của công tác mua sắm, đấu thầu, đẩy mạnh cấp phép giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm. Đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu chung cấp quốc gia như danh mục thuốc đàm phán giá.

Bộ Y tế cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế công tác quản lý trang thiết bị y tế và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Dược, nghiên cứu để đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết điều trị các bệnh mẫn cảm, để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị tại các cơ sở y tế. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

liên hương.jpeg -0
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời câu hỏi của phóng viên.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của thuốc, qua đó có căn cứ để điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc, bảo đảm đủ thuốc cho quá trình điểu trị.  Tăng cường hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng thuốc có cùng hoạt chất, có tác dụng tương đương để điều trị.

Ngoài ra trong thời gian qua, Bộ cũng đã phối hợp để tăng cường kiểm tra, tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra để thúc đẩy mua sắm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Qua đó hướng dẫn và tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt hơn công tác mua sắm, đấu thầu.

Vì sao doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bán nhỏ giọt?

Trả lời câu hỏi về việc các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu lỗ vì mức chiết khấu thấp, nhiều doanh nghiệp chỉ mở cửa bán nhỏ giọt để không bị phạt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay giá xăng dầu của Việt Nam theo kỳ điều hành gần nhất ngày 21/9, giá  các loại xăng tương đương với giá tháng 7/2021. Với giá  dầu thì giá dầu F0 (Mazut) tương đương với mức giá tháng 4/2021, dầu DO (diezen) tương đương với tháng 3/2022, tức là khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu.

thắng hải.jpeg -0
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của phóng viên.

“Khi điều hành xăng dầu chúng ta chú ý đến các nhóm lợi ích: Lợi ích của doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và người tiêu dùng (100 triệu dân Việt Nam). Thứ hai là của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Lợi ích thứ 3 là chúng ta phải nhìn tổng thể về kinh tế vĩ mô, ví dụ như chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, CPI, lớn hơn nữa là GDP” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh và cho biết, vừa qua, dưới sự chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt của Chính phủ, liên Bộ Công Thương-Tài chính bám sát vào 3 lợi ích nhóm này và điều hành hài hoà, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế.

Về việc các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu lỗ vì mức chiết khấu thấp và nhiều doanh nghiệp bán nhỏ giọt để bảo đảm không bị phạt, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu, có thể là các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối bán cho các đối tượng khác. Các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Nghĩa đây là giá trần, khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán xăng dầu thì họ bán bằng giá này, nhưng chiết khấu một mức độ nào đó cho đại lý.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu thấp có 2 lý do: Thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở trong nước, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ do đã nhập khẩu lượng xăng dầu tương đối lớn, với giá cao, sau đó thì giá xăng dầu trong nước được điều hành bám sát theo xu hướng thế giới, giảm liên tục.

Để tiết giảm chi phí và giảm thiệt hại trong kinh doanh, các doanh nghiệp phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối.  Lý do thứ  2 là từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, ví dụ chi phí vận tải, vận chuyển, chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu. 

Giải pháp khi nhiều cán bộ, công chức nghỉ việc

Trả lời câu hỏi về việc vì sao nhiều cán bộ, công chức xin thôi việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đây là vấn đề dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là báo cáo của Bộ Y tế với Tổng Liên đoàn Lao động về số lượng 9.397 nhân viên y tế bỏ việc, thôi việc, chuyển từ khu vực công ra khu vực tư trong 1 năm rưỡi qua (tính trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022). Trong bối cảnh dịch COVID-19 năm 2020-2021 phát sinh nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh, liên quan đến việc làm, đời sống.

duy thăng.jpeg -0
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời tại phiên họp.

Trên tinh thần đó, Bộ Nội vụ có báo cáo Thủ tướng có văn bản gửi các bộ, ngành địa phương đề nghị các đơn vị báo cáo lại số liệu trong 2,5 năm từ năm 2020 đến 6 tháng 2022. Thời điểm này, Bộ Nội vụ nhận được được báo cáo của 28 cơ quan Trung ương, 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả là trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. “Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc. Tỉ lệ nghỉ việc so với tổng biên chế được giao là 0,8%, trong đó ở Trung ương chiếm 18%, địa phương là 82%” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết và phân tích, trong 39.552 nghỉ việc có hơn 4.000 công chức, hơn 35.000 viên chức. Số nghỉ việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, ngành y tế  là 12.198 người ….

Nói về nguyên nhân cán bộ, công chức xin nghỉ việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho rằng, có thể nói, ngoài y tế còn có giáo dục cũng có tỷ lệ nghỉ việc nhiều do áp lực, thu nhập, có thể phân thành các nguyên nhân có khách quan, chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, nguyên nhân đầu tiên, Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có thị trường lao động, phát triển thị trường lành mạnh, khu vực công sang khu vực tư, xuất khẩu lao động đều là liên thông.

Nền kinh tế nhiều thành phần, khu vực công - tư có sự cạnh tranh lao động… Nguyên nhân thứ hai là xã hội hoá, tự chủ đơn vị sự nghiệp. Theo các quy định của luật cán bộ công chức viên chức, các Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết Trung ương, nếu đơn vị sự nghiệp tự chủ quản trị như doanh nghiệp, nhiều đơn vị có chế độ ký hợp đồng thì việc ra vào khu vực công - tư là thường xuyên…

Giải pháp về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng thông tin, Trung ương, Chính phủ có nhiều Nghị quyết nâng cao chế độ chính sách tiền lương, nhưng chế độ chính sách còn nhiều khó khăn so với nhu cầu cuộc sống. Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan đã báo cáo Chính phủ căn cứ tốc độ tăng trưởng kinh tế, báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét tăng lương thế nào cho phù hợp.

Nguyên nhân thứ 2 là do công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt với đội ngũ chuyên gia chưa tốt, nhiều người có kiến thức chuyên môn, năng lực giỏi sang làm việc tại khu vực tư với nhiều chính sách thu hút. Thứ ba, thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nên tại các cơ quan, đơn vị, khối lượng công việc gia tăng, tạo sức ép cho người lao động.

Bên cạnh đó, do nguyên nhân chủ quan, môi trường, điều kiện làm việc tại một số khu vực công chưa thật sự hấp dẫn, tạo cơ hội để họ phát huy tốt năng lực. Nguyên nhân thứ năm là về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của cán bộ, công chức.  Ngoài ra, nghỉ việc, chuyển việc còn vì lí do cá nhân, muốn thử sức, thay đổi công việc từ khu vực công sang tư thay đổi định hướng nghề nghiệp…

Phương Thuỷ
.
.
.