Vượt mục tiêu tinh giản biên chế, cắt giảm nhiều văn bằng chứng chỉ

Thứ Ba, 11/01/2022, 07:52

Tham mưu Chính phủ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%... là những thành tựu nổi bật của ngành Nội vụ trong năm 2021. Những đổi mới này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ dư luận.

Trong năm 2021, Bộ Nội vụ đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; rà soát xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; thực hiện phân cấp triệt để trong tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Đặc biệt, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định trong đó đã cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp (bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 61/64 chứng chỉ ngạch công chức, giảm 89/145 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp). Qua đó, vừa giảm gánh nặng văn bằng, chứng chỉ đối với công chức, viên chức, vừa đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn. Những đổi mới trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức này được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá rất cao.

Vượt mục tiêu tinh giản biên chế, cắt giảm nhiều văn bằng chứng chỉ -0
Việc cắt giảm văn bằng, chứng chỉ nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ dư luận.

Đồng thời, Bộ đã rà soát, xây dựng và ban hành các thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ, chức danh nghề nghiệp đối với công chức, viên chức thuộc lĩnh vực quản lý ở các bộ chuyên ngành, bảo đảm sự thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Riêng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Trong năm 2021, Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, khắc phục chồng chéo gắn với xây dựng nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tích cực hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai xây dựng danh mục và bản mô tả khung năng lực vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến cấp xã; tập trung rà soát, đánh giá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Trên cơ sở quy định của Chính phủ, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Đến nay, bộ máy hành chính cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và tương đương có 1.173 sở, giảm 7 sở; tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở có 8.122, giảm 1.648 tổ chức (giảm 1.440 phòng thuộc sở, giảm 208 chi cục thuộc sở); cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 8.490 phòng, giảm 451 phòng.

Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đến cuối năm 2021, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015. Một số địa phương đã chủ động, sắp xếp tổ chức bộ máy như: Cao Bằng, Bình Phước, Ninh Thuận, Cà Mau, Lạng Sơn, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Gia Lai...  Bắc Giang, Đắk Lắk, Bình Định, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Lào Cai, Hải Dương… đã ban hành văn bản kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Sở. Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã, 16.321 thôn, tổ dân phố.

Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp với các địa phương quan tâm phát triển đô thị; theo đó tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 6 thị trấn; hướng dẫn triển khai mô hình "thành phố trong thành phố" (thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).

Vượt nhiều chỉ tiêu tinh giản biên chế

Theo Bộ Nội vụ, lần đầu tiên cả nước đã hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế mà Bộ Chính trị đề ra, trong đó, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015. Việc tinh giản biên chế cơ bản đã gắn với cơ cấu, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ.

Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tích cực hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai xây dựng danh mục và bản mô tả vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến cấp xã và đơn vị sự nghiệp công lập. Từ việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện quản lý biên chế và tổ chức bộ máy giai đoạn 2015-2020, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù năm 2022 cho các Bộ, ngành, địa phương. Tổng số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã) hiện nay là 247.722 biên chế.

Nguyễn Hương
.
.
.