Virus tin giả COVID-19 và những “biến chủng”
Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm trong nước liên tục ở mức cao thì những thông tin, hình ảnh giả lan truyền trên mạng Internet trở thành một thứ virus với những “biến chủng” vô cùng nguy hiểm. Mặc dù nhiều trường hợp đã bị các cơ quan chức năng xử lý hành chính, hình sự song virus tin giả và “biến chủng” của nó vẫn xuất hiện, lan truyền một cách nhanh chóng không kém sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trên Internet xuất hiện nhiều loại tin giả, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 và công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Đáng nói là nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán khi chưa kiểm chứng nội dung. Những thông tin trên không chỉ gây hoang mang trong dư luận mà còn gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng.
Chẳng hạn ngày 6/8/2021, nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán nội dung thông tin được cho là phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch COVID-19: “Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ: Xem tất cả bạn bè, người thân, người ta phải tiếp xúc như là người nhiễm dịch. Có như thế chúng ta mới quyết liệt chống dịch được. Chúng ta đừng sợ mất lòng nhau! Không ngồi gần, không ôm ấp, không bắt tay… ngay cả với những người yêu thương nhất…”.
Thông tin này ngay sau đó đã được Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) khẳng định là giả mạo. Cũng trong ngày 6/8, một số tài khoản trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện một người mặc đồ liên quan lĩnh vực mai táng, hỏa táng chở các hũ tro cốt người mất đi giao ở các khu phong tỏa. Số tro cốt được bỏ vào một giỏ nhựa chở sau xe khiến nhiều người cảm thấy thương xót. Facebook Lan Nguyen Van (hiện đã ẩn bài) viết: “Ngang qua ngã tư Âu Cơ - Lạc Long Quân tự nhiên thấy một bạn “shipper” trong đồng phục trắng tinh.
Phía sau là một cần xé nhựa chất 3 lớp hũ đựng cốt hỏa thiêu. Vội thoáng nghĩ, cha nội này giờ làm ăn phát tài nhỉ! Nhưng nhìn kỹ lại thì thấy trên mỗi hũ sành lại có dán một nhãn tem ghi họ tên. Thế là tò mò, thông chốt chạy theo. Em ấy bỗng chạy chậm lại, móc điện thoại gọi cho ai đó. Thì ra em ấy đang chở 27 hũ cốt đi giao cho các gia đình không may có người chết trong dịch bệnh COVID-19 này...”.
Bài viết ngay sau đó đã được rất nhiều tài khoản khác dẫn link, chia sẻ và nhận được rất nhiều bình luận bởi sự “đau buồn, tang thương đến tận cùng”. Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội, trao đổi với báo chí, chủ cơ sở mai táng có người giao tro cốt trong bài viết nói trên cho biết, nhiều nội dung trong thông tin trên là sai sự thật. Hay mới đây là tin giả rút ống thở ba mẹ để cứu sản phụ sinh đôi gây xôn xao dư luận.
Các đối tượng xấu đã sử dụng thông tin, hình ảnh giả hoặc thổi phồng sự thật, mỉa mai việc phòng, chống dịch ở TP Hồ Chí Minh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dân chúng. Một số tổ chức phản động, các cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí tung tin xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh, bôi nhọ chính quyền nhằm phủ nhận mọi nỗ lực chống dịch của Việt Nam, kích động người dân làm ngược lại những khuyến cáo, quy định chống dịch của Chính phủ.
Tổ chức khủng bố Việt Tân liên tục đăng tải các thông tin xuyên tạc, kích động như “Cách chống dịch của Đảng làm cho COVID lây lan ngày càng nhiều”; “Việt Nam: Cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu”; “COVID-19 lây lan và dân đói là do chống dịch kiểu Việt Nam”, “Đảng kiếm tiền trong mùa COVID”…
Một số trang mạng như BBC, RFA, VOA tiếng Việt, Dân làm báo… đăng tải các thông tin xuyên tạc, kích động dư luận, chống phá chính quyền, kiểu như: “COVID 19: Chống dịch kiểu Việt Nam - chỉ thương cho người dân”; “Bị triệu tập từ quê ra Hà Nội trong phong tỏa sau chỉ trích chính quyền”; “Việt Nam đi xin vaccine viện trợ xong, Quốc hội đề nghị sớm ra luật chích vaccine thu tiền”, “Kiêu ngạo cộng sản và dịch COVID-19 ở Việt Nam”…
Thậm chí một số tài khoản mạng xã hội còn đăng tải những thông tin mang tính kích động vùng miền, chia rẽ người dân với chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine phòng COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam. Chẳng hạn như, một tài khoản mạng xã hội đã đăng tải thông tin mang tính kích động, chia rẽ vùng miền “Ngẫm lại dịch ở TP.Hồ Chí Minh bùng mạnh là do đâu? Chính là từ Bắc Ninh, Bắc Giang (nói chung là miền Bắc). Đề nghị tẩy chay Bắc kỳ!”.
Bên cạnh đó, còn là những tin giả núp bóng các bài thuốc chữa COVID-19 nhằm tăng lượt xem hoặc trục lợi trên sự lo lắng của cộng đồng. Những thông tin trên được lan truyền, phát tán trên không gian mạng không chỉ gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang, hoài nghi, lo lắng trong dư luận mà còn tác động, ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội, đến đạo đức, lối sống, sinh hoạt của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc, tạo cơ hội cho phần tử xấu, thù địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá, gây mất ổn định chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Trước diễn biến phức tạp của virus tin giả và những “biến chủng” của nó liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, làm thế nào để ngăn chặn có hiệu quả loại virus độc hại này? Hơn lúc nào hết, cần tăng cường tuyên truyền cách thức nhận biết tin giả, tin xấu, độc hại trên Internet.
Việc nhận biết thông tin độc hại cần căn cứ vào các dấu hiệu như: Cần xem xét kỹ tiêu đề của thông tin; tỉnh táo xem xét mọi liên kết mình truy cập và so sánh giữa trang chính thống và các trang giả mạo để nhận biết sự khác biệt; tìm hiểu kỹ nguồn tin, người dùng chỉ nên thực sự tin tưởng, chia sẻ thông tin từ những nguồn chính thống, nguồn tin đã được kiểm chứng.
Ngoài ra, cần cảnh giác với các định dạng bất thường, thận trọng khi xem xét độ xác thực của hình ảnh, xác định mốc thời gian của thông tin… Bên cạnh đó, mỗi người dùng Internet, mạng xã hội cũng cần tỉnh táo, cảnh giác để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều. Tuyệt đối không chia sẻ, phát tán những thông tin không chính thống, thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin giật gân, sai sự thật.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần chú trọng hơn tới việc cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các cơ quan báo chí hoặc chủ động đăng tải thông tin trên các website, trang mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, nhất là những thông tin có tính thời sự, thông tin đang được người dân, dư luận quan tâm. Qua đó, giúp người dùng có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin giả, thông tin xấu, độc hại.
Đặc biệt, cần phải kiên quyết đấu tranh, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về tuyên truyền, tán phát thông tin độc hại trên Internet để góp phần làm trong sạch môi trường mạng. Cùng với 5K trong phòng, chống COVID-19, chúng ta cần thực hiện nghiêm 5K trong phòng, chống tin giả (“Không tin ngay; không vội bấm “thích”; không cổ suý, bình luận; không kích động; không chia sẻ”) và hơn hết, ý thức trách nhiệm, sự tỉnh táo của mỗi người sẽ là vaccine hữu hiệu nhất trong phòng, chống virus tin giả lúc này.
Ngày nay tin giả (Fake news) đã trở nên khá phổ biến ở nhiều quốc gia. Theo từ điển Collins, tin tức giả (tin giả) là “những thông tin sai, thường là giật gân, được phát tán dưới vỏ bọc tin tức”. Căn cứ vào định nghĩa này, tin giả có thể được chia thành hai loại.
Loại thứ nhất, là những thông tin hoàn toàn không chính xác (bao gồm cả những thông tin thông thường và những thông tin được trình bày giống như một tin báo chí) được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó.
Loại thứ hai, là những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết chúng không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc họ có thể phóng đại một phần của câu chuyện đó.
Dù tồn tại dưới dạng nào thì đặc trưng chung nhất của tin giả là chúng thường xuất phát từ những sự kiện, hiện tượng “nóng” đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận hoặc gây tranh cãi trong đời sống thực. Những sự kiện càng “nóng”, càng gây tranh cãi thì càng là đề tài béo bở cho tin giả phát tác. Động cơ của các đối tượng sản xuất tin giả có thể vì mục đích tài chính, chính trị hay hạ uy tín cá nhân, tổ chức một cách có chủ đích. Cũng có trường hợp, các đối tượng tạo ra tin giả chỉ đơn giản để được nổi bật, thu hút sự chú ý của nhiều người, để tăng view.