“Việt Nam - Ngọn cờ đầu của ASEAN”
Việt Nam không chỉ là một trong những ngọn cờ đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà còn thực sự chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình, trở thành người chơi trung tâm trong các vấn đề khu vực và là “chìa khoá” cho các vấn đề đó.
Trong bài viết mang tựa đề “Việt Nam – Ngọn cờ đầu của ASEAN”, tác giả Grigory Trofimchuk, chuyên gia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh Nga, đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khu vực. Bài viết khẳng định kể từ sau năm 2014, khi quan hệ Nga-phương Tây leo thang căng thẳng, Moskva đã tuyên bố về “chính sách hướng Đông” nhằm mở rộng cánh cửa vào châu Á. Theo chính sách này, ASEAN là một đối tác quan trọng, thể hiện rõ qua việc Nga mới đây đã thông qua “Kế hoạch hành động toàn diện thực hiện đối tác chiến lược giữa Liên bang Nga và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á giai đoạn 2021-2025”.
Tác giả bài viết nhận định, Việt Nam không chỉ là một trong những ngọn cờ đầu của ASEAN mà còn thực sự chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình, trở thành người chơi trung tâm trong các vấn đề khu vực và là “chìa khoá” cho các vấn đề đó. Sức mạnh của Việt Nam chính là Việt Nam có uy tín và vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế, có môi trường kinh doanh hấp dẫn, ổn định chính trị và chính sách đối ngoại có thể đoán định được. Chuyên gia Nga cho rằng lập trường nhất quán và mang tính xây dựng của Việt Nam trong việc thiết lập môi trường hòa bình và ổn định trong toàn bộ khu vực, bao gồm cả tranh chấp trên Biển Đông, là yếu tố quan trọng giúp Hà Nội thích nghi với tình hình địa chính trị hiện đại.
Chuyên gia này cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong quá trình tìm kiếm đồng thuận với Trung Quốc trong các vấn đề liên quan tới Biển Đông, đặc biệt là thông qua sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản hai nước để tạo ra các kết quả cụ thể. Theo tác giả, điều này không chỉ giúp loại bỏ nguy cơ xảy ra một cuộc chiến lớn ở châu Á mà còn mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Cũng theo tác giả bài viết, kể cả trong các vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, Việt Nam cũng có những đóng góp đáng kể, được Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá tích cực. Kết thúc bài viết, tác giả khẳng định phương Đông sẽ là cơ hội lịch sử thực sự, là lối thoát cho Nga trong bối cảnh phương Tây gia tăng sức ép chưa từng có đối với Moscow trên mọi lĩnh vực.
Trước đó, tại Hội thảo quốc tế với chủ đề: “ASEAN trên đường hội nhập: Thành tựu, khó khăn, thách thức” do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga phối hợp với Trung tâm ASEAN thuộc trường đại học quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), Bộ Ngoại giao Nga tổ chức, các học giả đánh giá cao vai trò và vị thế của ASEAN trong khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, đầy biến động. Các học giả cho rằng, ASEAN có vai trò ngày càng tăng trong khu vực và thế giới. Trong đó, Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của ASEAN. Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga khẳng định vai trò, vị thế ngày càng tăng của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong ASEAN, Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là quốc gia đi đầu, tích cực đóng góp có trách nhiệm cho sự phát triển của cả khối.
Trong khi đó, chuyên gia Valeria Vershinina đến từ MGIMO khẳng định, với số lượng lớn các Hiệp định kinh tế khu vực và quốc tế được ký kết, Việt Nam có vai trò quan trọng trong khu vực thương mại tự do ASEAN. Trong vấn đề an ninh khu vực, chuyên gia Valeria Vershinina đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy chương trình nghị sự để tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông và đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Chuyên gia Nadezhda Kolotova đến từ Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg cho rằng, ASEAN ngày càng có tiếng nói quan trọng trong khu vực và thế giới, trong đó nổi bật lên vai trò của Việt Nam với nhiều sáng kiến nhằm củng cố, phát triển sức mạnh của cả khối. Chuyên gia Nadezhda Kolotova cũng đánh giá cao chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá của Việt Nam. Cho rằng chính sách này là đúng đắn, phù hợp trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp như hiện nay.
Còn trong bài viết “Biển Đông - Thực trạng và cách tiếp cận của Nga”, Tiến sỹ Lịch sử Anton Viktorovich Bredikhin, thành viên Hội đồng khoa học Trung tâm Khoa học xã hội "Các vấn đề chính trị-xã hội hình thành EAEU," Viện Hàn lâm khoa học Nga đã đánh giá cao chính sách nhất quán của Việt Nam trong nỗ lực tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm kinh tế biển. Đặc biệt là ở Biển Đông với phương châm “Hòa bình-Hữu nghị, Hợp tác-Phát triển”. Nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ việc tăng cường đối thoại toàn cầu trong giải quyết các xung đột quốc tế, đặc biệt trong thời gian đảm đương cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Trong bài viết, đánh giá về thành tựu của Việt Nam trong những năm gần đây, chuyên gia Nga bày tỏ ấn tượng về đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Ông dẫn các chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2018 là hơn 245 tỷ USD, năm 2019 là gần 263 tỷ USD và năm 2020 là trên 271 tỷ USD. Đồng thời cho biết năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 2,58%. Theo ông, những con số này minh chứng cho sự ổn định và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Chuyên gia Nga nêu rõ Việt Nam đang theo đuổi chính sách hợp tác kinh tế đa phương, ký các thỏa thuận thương mại tự do với nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Trong số các quốc gia thành viên EAEU, Nga có kim ngạch thương mại lớn nhất. Từ những tiềm năng nêu trên, chuyên gia Bredikhin khẳng định, Nga nên thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại với Việt Nam. Theo Tiến sỹ Anton Viktorovich Bredikhin, Việt Nam hiện là đối tác kinh tế thương mại triển vọng nhất, có nền tảng chiến lược cần thiết để mở rộng nhiều lĩnh vực hợp tác.