Vì sao phải điều chỉnh quy hoạch Thủ đô? (bài 1)
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Hà Nội, tác động không chỉ đến đời sống của 8,4 triệu người dân Thủ đô mà còn làm thay đổi diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của quy hoạch lấy người dân làm trọng tâm, ưu tiên bảo đảm diện tích đất công cộng, cây xanh, việc điều chỉnh quy hoạch cần tính toán để đáp ứng hạ tầng đô thị cho khu vực chứ không chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đòi hỏi tập trung công sức, trí tuệ sự tham gia của cả hệ thống chính trị Hà Nội cũng như của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dù đưa ra phương án nào cũng phải lấy người dân làm trọng tâm, ưu tiên bảo đảm đời sống tinh thần cho người dân.
Quy hoạch chưa theo kịp phát triển đô thị
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg (Quyết định 1259), ngày 26/7/2011 với mục tiêu xây dựng Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đô thị năng động, có môi trường sống, làm việc tốt, cơ hội đầu tư thuận lợi. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, qua 12 năm thực hiện Quyết định 1259, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả, song cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, Đồ án quy hoạch chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô; quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo; tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư; tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm; kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao.
Theo định hướng quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 7,3 triệu đến 7,9 triệu người, nhưng thực tế đến năm 2020, quy mô dân số đã đạt 8,24 triệu người. Dự báo đến năm 2030, quy mô đạt khoảng 11,4 triệu đến 11,9 triệu người; đến năm 2045 khoảng 13,7 triệu đến 14,6 triệu người. Ngoài ra, việc tạo lập khu vực "hành lang xanh" với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn TP đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị… "Do đó, việc nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phù hợp với tình hình thực tiễn của TP và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của trước mắt và lâu dài là rất cần thiết", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Báo CAND, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích, theo Quyết định 1259, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn ngăn cách bởi hành lang xanh, kết nối với nhau bằng hệ thống đường vành đai kết hợp với trục hướng tâm. Đây là mô hình đã thành công ở nhiều nước phát triển, phù hợp với đặc điểm của Hà Nội được đề xuất với một số sáng tạo, thể hiện trong các quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt. Tuy nhiên, kết quả thực hiện cho thấy, quy hoạch chưa phát huy cấu trúc không gian đã xác định. Các đô thị vệ tinh, thị trấn, đô thị sinh thái chậm triển khai hạ tầng kết nối, chưa xác lập triển khai chính quyền đô thị thích hợp kịp thời. Tại khu vực xây dựng nông thôn mới (hành lang xanh) còn tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp, bảo tồn khu cảnh quan tự nhiên và đặc thù chưa kiểm soát chặt chẽ. Các vành đai xanh chưa đúng chức năng. Một số khu đô thị mới còn phát triển riêng lẻ, thiếu liên kết. Các đô thị vệ tinh chưa phát triển do thiếu cơ chế chính sách, tạo thuận lợi, thu hút doanh nghiệp, sáng tạo.
Cũng theo ông Nghiêm, Quyết định 1259 kế thừa các quy hoạch trước, đã xác định tổ chức không gian đô thị trung tâm (nội đô lịch sử, nội đô mở rộng, chuỗi đô thị Bắc sông Hồng, các khu đô thị Vành đai 4). Tuy nhiên, việc tổ chức không gian từng khu vực thực hiện chưa quyết liệt do tăng dân số lớn. Trong khi đó, việc di dời cơ sở công nghiệp bệnh viện, trường đại học… để chuyển mục đích chưa đạt kế hoạch. Khu vực Bắc sông Hồng và Đông Vành đai 4 chưa thu hút đầu tư, quỹ đất khai thác chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, Quyết định 1259 cũng đã xác định các trục không gian với chức năng nổi trội như sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm TP; trục không gian kinh tế Mỹ Đình - Hương Sơn - Ba Vì; trục không gian văn hóa truyền thống Hồ Tây - Ba Vì (liên kết văn hóa Thăng Long - xứ Đoài); trục không gian cảnh quan Hà Đông - Chương Mỹ - Xuân Mai; trục không gian khoa học kết nối đô thị trung tâm với Hòa Lạc; trục không gian tâm linh Hồ Tây - Cổ Loa. Cùng với các trục không gian chức năng là các trục giao thông hướng tâm kết nối hệ thống giao thông và kết nối với vùng về đường bộ; với 18 công trình cầu đường bộ vượt sông Hồng, 8 cầu qua sông Đuống, 8 trục xuyên tâm, 5 vành đai, 8 tuyến đường sắt đô thị, hệ thống cảng hàng không.
"Các trục không gian đã được định hướng phát triển, song phần lớn đang triển khai cho thấy đã bộc lộ một số tồn tại, đó là quản lý dân, phân bố dân số. Cải tạo, tái thiết đô thị với yêu cầu di dời một số khu vực không phù hợp quy hoạch nhưng còn chậm chưa hiệu quả để tạo lập không gian đồng bộ. Phân bố không gian trong từng khu vực, nhất là hình thành các trục không gian đặc thù còn chậm triển khai, chưa trở thành động lực để thu hút phát triển. Những tồn tại trên rất cần được nhận diện khoa học, khách quan để điều chỉnh quy hoạch chung trong đó bước đi đầu cần quan tâm là tổ chức không gian", ông Nghiêm nói.
Lấy người dân làm trọng tâm
Ngày 7/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 313/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai lập Quy hoạch Thủ đô. Cuối tháng 7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đánh giá về tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, Hà Nội đang đứng trước cơ hội "khác thường" khi lập, điều chỉnh cả Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng thời điểm.
PGS.TS Trần Đình Thiên lưu ý, để lập được bản quy hoạch đúng nghĩa cho Thủ đô Hà Nội cần đánh giá được lợi thế, tiềm năng khác biệt để từ đó biến thành sức mạnh của Hà Nội. Tiếp đó, cần nhận định, phân tích rõ xu thế thời đại đang tác động như thế nào đến Hà Nội với tư cách là Thủ đô dẫn dắt cả nước phát triển, đại diện cho quốc gia phát triển thành đô thị cạnh tranh hàng đầu và định hình rõ sứ mệnh, vai trò, chức năng của Hà Nội đối với đất nước, phát triển ở tầm quốc gia.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định, tuân thủ các quy định của các luật, nghị định liên quan. Trong đó, việc điều chỉnh quy hoạch phải hướng đến lợi ích, sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, lấy người dân làm trọng tâm, ưu tiên bảo đảm diện tích đất công cộng, cây xanh, bảo đảm đời sống tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch cần tính toán để đáp ứng hạ tầng đô thị cho khu vực chứ không chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư. Đồng thời, phải bảo đảm việc điều chỉnh quy hoạch không làm phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên chịu tác động của quy hoạch đó, và phải thông báo công khai, minh bạch.
Còn theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để bảo đảm quy hoạch được điều chỉnh đúng quy định, trước hết cần phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trong phạm vi điều chỉnh, trao đổi để thống nhất. Sau đó, phải công bố nội dung điều chỉnh quy hoạch để cộng đồng, các tổ chức giám sát theo dõi, đồng thời cần tham khảo các chuyên gia chuyên ngành. Dự kiến tháng 12/2023, Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, lồng ghép cùng báo cáo Quy hoạch Thủ đô.