Trên con đường hiện thực hóa khát vọng
“Tài sản vô giá, sức mạnh to lớn để nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh chính là tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí kiên cường và lòng quả cảm, tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt vì độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc. Các giá trị cao đẹp ấy được hun đúc, bồi đắp, giữ gìn và phát huy qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam” – Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam kiên trì phấn đấu thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn. Trên con đường hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên trì đẩy mạnh đồng bộ và toàn diện sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ gìn, phát huy những di sản quý báu mà các thế hệ người Việt Nam đã dày công vun đắp. Trong tiến trình ấy, nhân dân luôn ở vị trí trung tâm, là chủ thể, động lực và mục tiêu xuyên suốt của mọi chính sách phát triển.
Nhìn lại lịch sử, từ mùa thu cách mạng năm 1945, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc Việt Nam đã kiên cường, anh dũng trải qua nhiều cuộc trường chinh vô cùng gian khổ, ác liệt, với sự hy sinh của hàng triệu người để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, chúng ta nỗ lực xóa đói, giảm nghèo và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, đến hôm nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia.
Về kinh tế, Việt Nam đã vươn lên, trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương, một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế, hiệp định thương mại tự do, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu. Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là đất nước của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là điểm đến an toàn, thân thiện.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 - kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà XHCN Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29- NQ/TƯ, ngày 17/11/2022, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đánh giá, CNH, HĐH là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm (2011- 2020), CNH, HĐH đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỷ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 72,7% vào năm 2020, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD. Ðóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững. Nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước... Giai đoạn 2031-2045, tập trung nâng cao chất lượng CNH và đẩy mạnh HĐH toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.
Thực tế, kể từ sau đổi mới, chúng ta cũng từng đặt ra một mục tiêu phát triển với tầm nhìn trên 20 năm. Quan điểm của Đảng về xây dựng nước công nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trong văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996). Đó là thời điểm rất đặc biệt: Đất nước trải qua 10 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới và đạt kết quả có tính bước ngoặt: thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn CNH, HĐH. Đại hội VIII của Đảng đặt ra lộ trình “từ nay (1996) tới năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại”. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, dù chúng ta đã đạt những thành quả quan trọng nhưng mục tiêu nói trên đến nay vẫn chưa đạt được.
Từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến giữa thế kỷ, mục tiêu trung hạn và chiến lược dài hạn đã được xác định với những con số cụ thể, thể hiện khát vọng vươn tầm. Tuy nhiên, đặt ra mục tiêu nhưng phải luôn gắn với dự báo bối cảnh, tình hình, từ trong nước đến khu vực và thế giới. Thực tế, nhiều vấn đề xảy ra gây hậu họa nghiêm trọng nhưng không thể dự báo, điển hình như đại dịch COVID-19. Đại dịch càn quét toàn cầu, điều mà trong các kế hoạch, dự báo trước đó, thế giới đã không thể lường. Chúng ta đang sống trong một thời đại nhiều biến động và phức tạp, nguy cơ, khó khăn, thách thức và những vấn đề lớn đặt ra cho mỗi quốc gia ngày càng nhiều. Những vấn đề toàn cầu, an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp, đe dọa ổn định và phát triển bền vững. Xung đột và chia rẽ vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực, căng thẳng địa chính trị gia tăng, chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế đứng trước nhiều thách thức.
Điều quan trọng nhất trong tiến trình phát triển chính là môi trường hòa bình, ổn định. Sự ổn định trong nội tại quốc gia và rộng hơn là môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Mọi mục tiêu, thông số, kế hoạch phát triển chỉ có thể thực hiện, hướng tới thành quả khi đảm bảo được yếu tố nền tảng hòa bình, ổn định.
“Chúng tôi cho rằng, để gìn giữ hòa bình và thịnh vượng chung cho tất cả các quốc gia, chúng ta cần cùng nhau đoàn kết, thúc đẩy hợp tác; củng cố chủ nghĩa đa phương; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại, củng cố chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại về các tranh chấp trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; sẽ luôn là người bạn chân thành, thủy chung, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế – Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.