Tổng Thư ký Quốc hội trả lời báo chí về yêu cầu điều tra mở rộng vụ Việt Á
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, quan điểm chung trong công tác phòng, chống tham nhũng đã được thể hiện rõ ở Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, trong đó xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào.
Chiều 11/1, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Tại họp báo, phóng viên báo chí đặt câu hỏi về việc, Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán Kit xét nghiệm COVID-19 liên quan đến Công ty Việt Á.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua quá trình thảo luận của đại biểu Quốc hội, các ý kiến của các cơ quan liên quan, của UBTVQH, Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và ý kiến phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định rất rõ quan điểm của Quốc hội trong việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành triển khai thực hiện một số nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, nêu rõ việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán Kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào.
Liên quan gói phục hồi KTXH, phóng viên đặt vấn đề, trước phiên thảo luận trực tuyến, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính thống nhất cho rằng, chưa đủ cơ sở tăng thuế giao dịch chứng khoán. Nhưng Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất lại giao Chính phủ sớm nghiên cứu tăng thuế giao dịch chứng khoán và bất động sản. Vì sao Quốc hội vẫn đưa ra quyết định này khi các bộ thống nhất chưa thông qua?
Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 2114 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã giao Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, rà soát trình Quốc hội đưa vấn đề này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo ông, để ban hành một chính sách nói chung cần đưa ra tổng kết, đánh giá tác động đối với từng chính sách đề xuất.
"Đây là ý kiến đại biểu Quốc hội nêu ra tại Kỳ họp bất thường, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu chúng ta chưa có đủ cơ sở để xem xét tại kỳ họp này. Tuy nhiên, theo định hướng xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ, các cơ quan một lộ trình cụ thể xây dựng một đạo luật về thuế nói chung, liên quan cả luật về ngân sách nhà nước", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lý giải.
Bổ sung thêm vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh, đối với một chính sách thuế cần được xem xét thận trọng, nhất là những chính sách tác động liên quan đến thị trường, kênh huy động vốn, nhất là trong xu thế chúng ta làm sao phát triển đồng bộ thị trường này để giảm tải cho thị trường tiền tệ. "Đây là bước xem xét thận trọng cần thiết của Quốc hội, vẫn xem xét nhưng khi cảm thấy không thuận thì sẽ không quyết, đó là chuyện bình thường", ông nêu quan điểm.