Tính nghiêm minh và “lối mở” của Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức

Thứ Bảy, 20/11/2021, 08:29

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Việc thực hiện quy định về miễn nhiệm, từ chức không phải vấn đề mới bởi từ năm 2009, Bộ Chính trị đã có Quy định 260-QĐ/TW. Tuy nhiên, Quy định 41 đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm nhằm tháo gỡ những bất cập, vướng mắc sau 12 năm thi hành Quy định 260. 

So với quy định cũ, Quy định 41 đã sửa đổi, bổ sung các khái niệm, trong đó có sửa đổi khái niệm miễn nhiệm, từ chức. Theo đó, miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức”. Còn từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Có thể thấy, theo quy định mới, miễn nhiệm được bổ sung thêm “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm” để xác định cụ thể hơn về việc miễn nhiệm với các trường hợp: Không đáp ứng được yêu cầu công việc (quy định cũ là năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ); uy tín giảm sút (quy định cũ là mất uy tín); có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức (quy định cũ bao gồm cả trường hợp chưa đến mức bị kỷ luật bãi nhiệm). Đồng thời, Quy định 41 cũng bổ sung thời điểm cán bộ từ chức là “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”.

Bộ Chính trị cũng bổ sung hai khái niệm mới là “vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng” song song với việc bỏ các khái niệm “thôi giữ chức vụ”, “cấp có thẩm quyền”, “tập thể lãnh đạo” và “cơ quan tham mưu”. Quy định cũng nêu rõ việc không cho cán bộ từ chức nếu phải miễn nhiệm. Đây là một trong những nguyên tắc mới được đề cập tại khoản 3, Điều 3. Cụ thể, “kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”. Trong khi đó, khoản 3, Điều 3 Quy định 260 trước đây không đề cập đến vấn đề này mà chỉ nêu, việc từ chức của cán bộ do người đứng đầu quyết định sau khi tham khảo ý kiến của các thành viên lãnh đạo khác.

Thực tế, việc miễn nhiệm và từ chức là hai khái niệm khác nhau. Thời gian qua, có một số trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật và đang chờ xem xét miễn nhiệm thì có đơn xin từ chức, điều này làm dấy lên dư luận về tính thực chất của lá đơn từ chức. Bởi lẽ, trong trường hợp này, có hay không có đơn từ chức, xin thôi chức thì với hành vi sai phạm và kết luận đã được cơ quan có thẩm quyền đưa ra, việc tiến hành miễn nhiệm chỉ là thời gian. Đáng chú ý, trong Quy định lần này, không chỉ xét miễn nhiệm, từ chức đối với cá nhân có hành vi sai phạm, tín nhiệm thấp mà xem xét cả trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó, việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực, căn cứ vào một trong ba trường hợp.

Thứ nhất, miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng. Thứ hai, người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức. Thứ ba, cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Điều 10, Quy định 41 nêu việc bố trí công tác với cán bộ sau khi từ chức. Nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác sau khi từ chức thì sẽ được xem xét, bố trí công tác phù hợp sau khi căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm làm việc. Đồng thời, nếu đã từ chức, được bố trí công tác khác và được đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, khắc phục yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Đây là quy định mới, trước đây Quy định 260 chưa đề cập đến, được xem là “lối mở” cho người sau từ chức, tránh quan niệm đã từ chức là “về vườn”.

Thực tế, một người khi không đủ điều kiện để đảm nhiệm một vị trí mà trước đó họ đảm nhận thì được giải quyết từ chức nhưng không có nghĩa là họ không còn cơ hội ở vị trí khác. Đương nhiên, sau khi từ chức, việc bố trí vào vị trí khác phải căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiêm làm việc và vị trí được bố  trí sau khi từ chức phải khác với vị trí trước đây và phải thấp hơn. Không thể từ chức một vị trí này lại được bổ nhiệm vào vị trí khác tương đồng hay cao hơn, bổng lộc hơn.

Cùng với đó, nếu sau khi từ chức, đảm nhận công tác mới mà phấn đấu tốt, khắc phục yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Như vậy, Quy định thể hiện rõ tính nhân văn, “đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, vừa xử lý sai phạm đảm bảo nghiêm minh thì đồng thời vẫn tạo “lối về” cho người biết khắc phục, sửa chữa sai lầm, phấn đấu tiến bộ.

Trên thực tế, ngay từ năm 1997, Nghị quyết Hội nghị Trung ương III, khóa VIII của Đảng đã chỉ ra yêu cầu cần gấp rút “xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ”.

Câu chuyện từ chức, xin thôi chức được bàn luận trên diễn đàn báo chí, dư luận xã hội, tuy nhiên thường chỉ hâm nóng lên khi có vụ việc cá nhân nào đó có đơn xin từ chức hay cá nhân sai phạm nghiêm trọng, bị dư luận gây sức ép đề nghị từ chức. Thực tế, tại Quốc hội, nhiều lần đại biểu chất vấn thẳng vấn đề từ chức với thành viên Chính phủ khi xác định sai phạm thuộc trách nhiệm cá nhân hoặc trong lĩnh vực, ngành phụ trách. Với Quy định 41, việc xử lý cán bộ từ chức và miễn nhiệm với các căn cứ cụ thể sẽ điều chỉnh những bất hợp lý so quy định trước đây.

Đăng Minh
.
.
.