Tinh gọn bộ máy đòi hỏi một tinh thần dấn thân, vì lợi ích chung

Chủ Nhật, 08/12/2024, 06:55

Chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhân dân và dư luận.

Theo như lời đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thì đây là một "cuộc cách mạng" quan trọng và cấp thiết, không thể trì hoãn. Đất nước đang bước vào Kỷ nguyên vươn mình, một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết. Xung quanh câu chuyện về "cuộc cách mạng" tinh gọn bộ máy đang được khẩn trương triển khai trong toàn hệ thống chính trị, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

pv.jpg -0
TS Trần Anh Tuấn.

PV: Thưa TS Trần Anh Tuấn, theo ông vì sao đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm lại đặt vấn đề và đưa ra yêu cầu về "cuộc cách mạng" tinh gọn bộ máy vào thời điểm này?

TS Trần Anh Tuấn: Thời điểm này là thời điểm đủ các điều kiện cần phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tinh gọn, tổ chức bộ máy trong cả hệ thống chính trị (Nghị quyết 18). Trong thời gian vừa qua, chúng ta nhận thấy rằng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được tiến hành từ năm 2017 đến nay nhưng mới được thực hiện chủ yếu trong các cơ quan hành chính của Chính phủ và của các địa phương. Ở các cơ quan, tổ chức khác như các cơ quan của Đảng cũng đã được tiến hành nhưng chưa nhiều. Chính vì vậy, trong đợt này, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia, đáp ứng được yêu cầu về thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đảm bảo thực hiện chủ trương chống các vấn đề về lãng phí trong chi phí bộ máy ở các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị phục vụ cho đầu tư phát triển và đáp ứng hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh điều kiện hiện nay, chúng ta cũng phải xây dựng bộ máy chính quyền ở trung ương và địa phương đảm bảo hoạt động như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói là "tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả". Công tác tinh gọn lần này cũng chính là việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương được triển khai trong cả hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu thời đại, cơ hội đưa đất nước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình để phát triển, giàu mạnh. Như vậy, việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy tại thời điểm này là hết sức cần thiết và đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

PV: So với những lần sắp xếp, tinh gọn bộ máy trước đây, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này có những điểm gì mới, thưa ông?

TS Trần Anh Tuấn:  Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này có sự thay đổi về tư duy, về nhận thức trong bối cảnh mới, thời đại mới. Tư duy và nhận thức mới mới có thể giúp chúng ta có những giải pháp và hành động đúng để tái cấu trúc cơ cấu tổ chức của cả hệ thống chính trị, phục vụ và đáp ứng được mục tiêu "tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả". So với các cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy trước đây, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này có điểm khác biệt cơ bản được tiến hành trong cả hệ thống chính trị trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, từ trung ương đến cơ sở.

Để cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này thành công đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu phải có tinh thần mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị cao, thống nhất về tư tưởng, hành động quyết liệt, tiến hành nhanh, gọn nhưng phải hiệu quả. Sau khi thực hiện tinh gọn bộ máy, sẽ có những cơ quan, tổ chức mới thành lập hoặc những cơ quan, tổ chức được nhận thêm chức năng, nhiệm vụ từ các cơ quan, tổ chức phải giải thể hoặc kết thúc hoạt động chuyển về. Các cơ quan, tổ chức này phải được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phải thiết kế được cơ cấu tổ chức phù hợp với yêu cầu quản trị quốc gia, thích ứng với kinh tế trị trường, phù hợp với hoàn thiện nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng, tập trung ứng dụng có hiệu quả nhất thành tựu của công nghệ số, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo...

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này sẽ rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức một cách khách quan, công tâm, giữ lại được những người có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu hiện nay, bố trí lại những người đang giữ vị trí mà chưa đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc giải quyết đưa ra khỏi công vụ những người không phù hợp.

Tinh gọn bộ máy đòi hỏi một tinh thần dấn thân, vì lợi ích chung -0
Chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị đang nhận được sự ủng hô rất mạnh mẽ của dư luận. Ảnh minh họa

PV: Thưa ông, công cuộc tinh gọn bộ máy lần này là một cuộc cách mạng, chúng ta phải dũng cảm bởi lẽ công cuộc tinh gọn bộ máy cũng sẽ đụng chạm đến quyền lợi của không ít người!

TS Trần Anh Tuấn: Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này đòi hỏi quyết tâm, tính thống nhất và tránh trù trừ, hoặc là ngần ngại. Và đặc biệt, hành động phải quyết liệt, dứt điểm. Trong cuộc sống ai cũng là con người, có rất nhiều mối quan hệ, ngay cả trong cơ quan, trong xã hội. Vì thế thì đương nhiên mình phải đối diện với rất nhiều trường hợp, do đó khi đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức thì phải có cái nhìn công tâm và khách quan. Ai làm việc được thì phải khẳng định được. Ai làm chưa được thì cũng phải xác định được và phải chịu trách nhiệm về đánh giá đó. Trên cơ sở đó mới thực hiện được chính sách đối với những người không tiếp tục làm việc với các chính sách thực hiện tinh giản biên chế hoặc là bố trí được những người xứng đáng vào vị trí phù hợp. Thông qua việc tinh giản bộ máy để đạt được tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh bộ máy tinh gọn thì phải có những người làm việc hiệu lực, hiệu quả.

PV: Chúng ta đều biết là với một cuộc cách mạng như thế này thì phải có quyết tâm chính trị cao nhất. Như ông nói, chúng ta phải trên tinh thần vì lợi ích chung để có được bộ máy hoạt động hiệu quả nhất. Nhưng cũng còn có những ý kiến rằng, bên cạnh đó cũng cần có những chính sách tài chính hỗ trợ để làm sao đảm bảo hài hoà, tránh được tâm lý tiêu cực. Quan điểm của ông về câu chuyện này thế nào?

TS Trần Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này, mỗi người trong chúng ta đều phải có tinh thần dấn thân, chấp nhận hy sinh vì lợi ích chung để tập trung cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, sự hy sinh, dấn thân đó cũng cần được ghi nhận. Tôi có nói nhiều, cái sự hy sinh đó phải coi như là sự cống hiến và Nhà nước cần có chính sách phù hợp để bù đắp phần nào sự hy sinh, thiệt thòi đó. Có thể chưa phải đạt được hiệu quả cao nhất nhưng đó là công việc ổn định, bây giờ phải chuyển sang một công việc khác hoặc buộc phải ra khỏi công vụ đi tìm một công việc mới cũng cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho họ về mặt thủ tục, chế độ chính sách

PV: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nhấn mạnh, trong tháng 12 này, một trong những nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu ra được chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức sau quá trình chúng ta tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ông có đề xuất gì để xây dựng chính sách này không?

TS Trần Anh Tuấn: Các cơ quan hoạch định chính sách như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp… chắc chắn đang triển khai để có chính sách phù hợp trình các cấp có thẩm quyền. Chính sách này chắc chắn phải phù hợp với khả năng tài chính của đất nước nhưng cũng phải đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cho những người khi thực hiện chính sách dôi dư. Tuy vậy, theo tôi, chúng ta cũng nên nghiên cứu lại chính sách được thực hiện những năm 1990 trong việc sắp xếp, thực hiện tinh giản biên chế. Khi đó chúng ta cũng chia làm các nhóm. Ví dụ, nhóm thứ nhất là ở lại làm việc. Nhóm thứ 2 là tạo điều kiện để chuyển sang làm công tác khác. Nhóm thứ ba là có chính sách cho những người thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi… Khi đó mặc dù điều kiện của đất nước có hạn, chế độ đãi ngộ, chính sách chưa cao nhưng vẫn tạo được sự yên tâm cho những người đó.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phan Hoạt-Nguyễn Hương (thực hiện)
.
.
.