Tiếp tục nỗ lực vì “một ASEAN không ma túy”

Thứ Năm, 14/10/2021, 08:10

Kể từ khi “ra đời” (năm 2012) tới nay, cơ chế hợp tác Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy (AMMD) luôn được đánh giá là một khuôn khổ hợp tác năng động, tạo động lực chính trị và định hướng chiến lược, giữ vai trò dẫn dắt, chỉ đạo và đặt nền móng cho một cơ chế cao nhất về phối hợp đa phương trong phòng, chống ma tuý giữa các nước trong khu vực.

AMMD cũng khẳng định vai trò là hạt nhân trong triển khai các mục tiêu ưu tiên, gắn kết các sáng kiến, cơ chế hợp tác, góp phần giải quyết đồng bộ các vấn đề về phòng ngừa, cai nghiện, phục hồi, thực thi pháp luật, phấn đấu bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống lại hiểm họa ma túy.

Với tinh thần đó, ASEAN đã xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống lại hiểm họa ma túy giai đoạn 2016-2025 và Kế hoạch hợp tác ASEAN trong đấu tranh phòng, chống sản xuất và vận chuyển ma túy bất hợp pháp tại khu vực Tam giác vàng giai đoạn 2020-2022. Tính đến thời điểm hiện tại, ASEAN đã công bố 6 Báo cáo giám sát tình hình ma túy khu vực và triển khai nhiều sáng kiến như: Cổng thông tin ASEAN về giáo dục phòng ngừa, các tổ công tác về thực thi pháp luật phòng, chống ma túy qua đường hàng không và tại cảng biển, trung tâm thông tin phòng, chống tội phạm ma túy; ASEAN đã thống nhất sử dụng ghim cài áo hình ruy-băng màu trắng xanh làm biểu tượng phòng, chống ma túy, truyền đi thông điệp trong giới trẻ và cộng đồng về sự kiên trì, bền bỉ trong cuộc chiến chống ma túy. Bên cạnh việc tăng cường gắn kết, củng cố hợp tác nội khối, ASEAN chú trọng phát huy vai trò chủ đạo trong việc mở rộng hợp tác với các bên đối tác, các nước đối thoại trong phòng, chống ma túy.

Năm 2016, tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS), diễn ra ở New York, Hoa Kỳ, ASEAN đã đạt được sự đồng thuận cao khi đưa ra Tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề ma túy, khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán và tiếng nói có trách nhiệm của ASEAN trên trường quốc tế trước vấn đề ma túy toàn cầu, thể hiện thái độ không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy và kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy, đánh dấu bước chuyển đổi, gắn kết và phát triển nội khối của ASEAN trong việc giữ vai trò chủ động, tích cực trong hoạch định chính sách ma túy thế giới.

Sự ra đời của cơ chế hợp tác AMMD là kết quả tất yếu, xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi thực tiễn, nhằm ứng phó hiệu quả trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình sản xuất, mua bán và sử dụng ma túy ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Hội nghị chính thức được thể chế hóa từ năm 2015 theo Hiến chương ASEAN, tổ chức 2 năm một lần theo thể thức luân phiên. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 5 kỳ Hội nghị AMMD lần lượt tại các nước Thái Lan, Brunei, Indonesia, Malaysia và Singapore. Hội nghị AMMD 6 do Việt Nam chủ trì đăng cai tổ chức năm 2018 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung thể hiện lập trường, quan điểm của ASEAN về vấn đề ma túy nhằm tiếp tục khẳng định quan điểm ủng hộ Ủy ban phòng, chống ma túy LHQ (CND) trong vai trò là cơ quan hoạch định chính sách cốt lõi của LHQ về chương trình phòng, chống ma túy toàn cầu. 

Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố chung ASEAN phản đối hợp pháp hóa các chất ma túy thuộc diện kiểm soát. Tuyên bố chung tái khẳng định lập trường kiên định của ASEAN chống hợp pháp hóa sử dụng ma túy không vì mục đích y tế và khoa học. Tuyên bố chung, một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế tuân thủ nghiêm túc các điều khoản của ba Công ước quốc tế, xác định vai trò cốt lõi của ba Công ước quốc tế trong hoạch định chính sách ma túy thế giới và là nền tảng quan trọng của hệ thống kiểm soát ma túy toàn cầu.

Văn kiện quan trọng thứ ba được thông qua tại AMMD 6 là Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị, trong đó ghi nhận những kết quả đạt được trong hợp tác phòng, chống ma túy ở khu vực qua 5 kỳ Hội nghị trước, thể hiện lập trường kiên định không khoan nhượng với ma túy bất hợp pháp, khẳng định tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động ASEAN nhằm bảo vệ Cộng đồng phòng, chống ma túy giai đoạn 2016-2025, Kế hoạch hợp tác ASEAN chống sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực Tam giác vàng giai đoạn 2017-2019.

AMMD 6 cũng thông qua Bộ tiêu chí lựa chọn và thể thức tham gia của đối tác bên ngoài tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN và các cơ chế trực thuộc về phòng, chống ma túy. Đây là một văn kiện quan trọng đề ra các tiêu chí lựa chọn và thể thức tham gia của các đối tác bên ngoài tại các phiên họp tham vấn và cuộc họp không chính thức của ASEAN về phòng, chống ma túy, trên cơ sở đảm bảo sự tuân thủ và nhất quán trong việc thực hiện quan hệ đối ngoại của ASEAN, một mặt đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương, hợp tác giữa các nước có chung đường biên giới và tăng cường hợp tác nội khối giữa các nước ASEAN trong phòng, chống ma túy, đồng thời huy động sự ủng hộ và tranh thủ các nguồn lực của cộng đồng quốc tế góp phần triển khai có hiệu quả và hiện thực hóa các chương trình, kế hoạch và hoạt động hợp tác phòng, chống ma túy của khu vực.

Cơ chế hợp tác ASEAN về phòng, chống ma túy luôn xác định được các vấn đề ưu tiên hợp tác nội khối, phù hợp với định hướng phát triển và bảo vệ Cộng đồng trong tầm nhìn ASEAN 2025, góp phần đưa hợp tác ASEAN về phòng, chống ma túy trở thành hình mẫu hợp tác khu vực và thúc đẩy vai trò toàn cầu của ASEAN trong hệ thống kiểm soát ma túy của thế giới. Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 6 về vấn đề ma túy năm nay do Việt Nam (Bộ Công an) đăng cai tổ chức đã đạt được sự đồng thuận cao giữa các nước thành viên trong nhiều vấn đề nghị sự quan trọng, đặc biệt đã thông qua được 4 văn kiện chung của ASEAN, qua đó tiếp tục làm sâu sắc và nêu bật tinh thần nhất quán trong hợp tác phòng, chống ma túy của ASEAN hướng tới “một Tầm nhìn, một Vận mệnh, một Cộng đồng ASEAN”.

Với cương vị nước Chủ tịch, Việt Nam đã chủ trì, điều hành AMMD 6 bám sát chương trình nghị sự, tham gia sâu, chủ động và có chất lượng về mặt nội dung; tổ chức chu đáo, trọng thị đáp ứng yêu cầu lễ tân đối ngoại; đã tổ chức được chương trình giao lưu, tham quan tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa; đảm bảo an ninh, an toàn cho các đại biểu tham dự, được các đoàn quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Khổng Hà
.
.
.