Thường vụ Quốc hội giải thích hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa,

Thứ Ba, 23/11/2021, 10:41

Việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ Luật Hình sự năm 2015 có liên quan đến hành vi vi phạm bí mật kinh doanh để phù hợp với yêu cầu thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Sáng 23/11, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành với việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 289 BLHS năm 2015 có liên quan đến hành vi vi phạm bí mật kinh doanh để phù hợp với yêu cầu thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Nội dung này trong Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ 14/1/2022.

Thường vụ Quốc hội giải thích hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa,  -0
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 289 của BLHS năm 2015, hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả đọc, nghe, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh.

Theo giải trình của Ủy ban Tư pháp, nội dung giải thích bao gồm cả dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, vì vậy, đã đáp ứng được yêu cầu xử lý hình sự hành vi vi phạm bí mật kinh doanh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đồng thời, phương án giải thích như trên cũng đáp ứng yêu cầu về các hành vi tại khoản 2 Điều 18.78 của Hiệp định.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Tư pháp, trong cấu thành cơ bản của Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (khoản 1 Điều 289) bao gồm các hành vi kế tiếp nhau. Để có thể lấy cắp được dữ liệu của người khác thì trước hết, người phạm tội phải xâm nhập được (còn được cụ thể hóa bằng các hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác trong cấu thành cơ bản tại khoản 1 Điều 289) vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác, sau đó mới thực hiện các hành vi tiếp theo gồm chiếm quyền điều khiển, hoặc can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử, hoặc lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu, hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ.

Do đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc lựa chọn “Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu” để giải thích là phù hợp vì đây là một trong những hành vi đã được quy định khoản 1 Điều 289 BLHS và là hành vi phù hợp nhất với yêu cầu của Hiệp định. Ngoài ra, qua rà soát BLHS cho thấy, không có điều luật tương ứng nào khác phù hợp hơn để giải thích.

Phương Thuỷ
.
.
.