Chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đã giúp người lầm lỗi hoàn lương

Thực hiện tốt chính sách đối với phạm nhân, trại viên (bài 2)

Thứ Ba, 05/12/2023, 07:27

Sau khi có bản án của toà án, phạm nhân được đưa đến các trại giam để thi hành án. Đây cũng là quá trình các cán bộ thực hiên nhiệm vụ giáo dục, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề để trả lại cho xã hội những người có ích. Ở trại giam, ngoài học pháp luật, học văn hoá, các phạm nhân được gặp gia đình, được vui chơi giải trí, khi ốm đau được chữa bệnh tận tình.

Một trong những công tác vất vả nhất của CBCS làm công tác trại giam đó là chăm sóc y tế cho phạm nhân, bởi người bình thường khi mắc bệnh sẽ có người nhà chăm sóc nhưng các phạm nhân, họ chỉ biết trông vào cán bộ nên anh chị em làm công tác này luôn coi phạm nhân như người thân của mình.

Còn năm 2021, khi dịch COVID-19 đang cao điểm, CBCS các trại giam hầu như không ai được về nhà. Đặc biệt, vào dịp Tết, số cán bộ làm công tác y tế tại các khu khám chữa bệnh tại bệnh viện phải ở lại chăm sóc, đón giao thừa với các bệnh nhân. Tổ công tác làm nhiệm vụ ở khu điều trị của Trại giam Thanh Xuân ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông gồm 15 đồng chí, hầu hết đã ở đây suốt nhiều tháng chưa được về đơn vị và cũng không được về nhà. Các anh ở đây, sống với nhau như một gia đình, ngoài nhiệm vụ quản lý, giáo dục các phạm nhân, anh em còn chăm sóc, hỗ trợ nhau mọi việc trong cuộc sống. Ở trại, thường xuyên có khoảng 10 phạm nhân điều trị bệnh lâu dài tại bệnh viện, đều là những người mắc bệnh mạn tính, bệnh nặng phải điều trị thường xuyên như ung thư, cao huyết áp vô căn...

Thực hiện tốt chính sách đối với phạm nhân, trại viên (bài 2) -0
Chăm sóc y tế cho phạm nhân tại Trại giam số 2, Công an TP Hà Nội.

Ngoài ra, thường xuyên có các phạm nhân bị bệnh nặng khác phải cấp cứu. Bất kể nửa đêm hay sáng sớm, khi phạm nhân bị bệnh, vượt quá khả năng chữa trị của y, bác sĩ trong trại thì các cán bộ sẽ đưa ra khu điều trị này để bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám, điều trị. Vì vậy, công việc của tổ công tác ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông rất vất vả. Theo quy định thì cán bộ y tế, quản giáo, bảo vệ... làm các công việc theo đúng chuyên môn của mình nhưng ở đây, khi phạm nhân có cấp cứu hay có việc gì gấp thì tất cả anh em đều phải dồn vào để lo cho họ.

Như trường hợp phạm nhân Nguyễn Thị Bằng An, SN 1959, quê ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án tù chung thân. Phạm nhân An bị suy thận độ 4 từ lúc còn ở ngoài xã hội, đưa đến trại buổi sáng thì buổi chiều cán bộ phải đi lọc máu. Trước kia, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chưa có máy lọc máu thì các cán bộ phải đưa các phạm nhân đi chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Bây giờ chạy ngay tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông nên đỡ hơn. Tuy nhiên, phòng điều trị ở bệnh viện ở tầng 3, phạm nhân yếu, không tự đi được, trong khi phạm nhân có cân nặng hơn 70kg nên mỗi lần phạm nhân đi chạy thận là 4 cán bộ phải đưa lên cáng để khiêng đi, khiêng về.

Hôm chúng tôi đến Trại giam Quảng Ninh, bác sĩ - Trung tá Trần Huy Hoàng, Đội trưởng Đội Y tế và bảo vệ môi trường đang khám bệnh cho các bệnh nhân điều trị mạn tính tại bệnh xá của Trại. Phạm nhân Bàn Văn Cán, SN 1976, Pắc Nặm, Bắc Kạn, phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý, án phạt 6 năm tù. Phạm nhân này bị mù cả 2 mắt, bị xẹp phổi từ bé nên việc chăm sóc hoàn toàn phụ thuộc vào các cán bộ. Còn phạm nhân Tráng A Vàng, SN 1975, trú ở Lóng Luông, Mộc Châu, Sơn La bị ung thư năm 2021, đã phải nối dạ dày trực tiếp xuống ruột. Do khối u di căn rộng, có triệu chứng đau nhiều, xuất huyết dạ dày, thiếu máu nên ngay sau khi kiểm tra, bác sĩ Hoàng đã ký giấy để đưa phạm nhân đến bệnh viện truyền máu.

Anh Hoàng cho biết, đơn vị có khoảng 10 bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như ung thư, HIV, phổi… nên nằm thường xuyên tại bệnh xá với chế độ chăm sóc đặc biệt. Do các phạm nhân này bệnh nặng nên thường xuyên phải cấp cứu, đưa đi bệnh viện. Phạm nhân Bàn Văn Cán cho biết, anh ta và các phạm nhân khác được chăm sóc tận tình, chu đáo. "Nếu ở nhà tôi chết từ lâu rồi, ở đây tôi có thuốc đặc trị, được cấp cứu kịp thời, nếu không, chỉ cần một cơn khó thở, không kịp đi viện là chết" - phạm nhân Cán cho biết.

Trong những quy định ưu việt của chính sách về thi hành án hình sự của nước ta thì việc tổ chức cho phạm nhân được vui chơi thể dục thể thao, văn hoá, văn nghệ là một trong những nội dung đem lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục. Phạm nhân Nguyễn Đức Tuấn Anh, quê ở phường Y Na, TP Bắc Ninh đã đón 20 cái Tết trong trại giam, hiện là "cây văn nghệ" của trại. Ở nhà không có năng khiếu gì đặc biệt nhưng khi đi thi hành án ở Trại giam Vĩnh Quang, thấy một số phạm nhân khác tham gia tập văn nghệ, Tuấn Anh thấy rằng, những bài hát đã làm cho tâm hồn của anh ta sống lại, vui vẻ và tràn đầy quyết tâm hoàn lương. Vì vậy, Tuấn Anh đã xin phép cán bộ được tham gia vào đội văn nghệ. Được cán bộ dạy cho kiến thức cơ bản về đàn guitar, sau đó, anh ta tự mày mò học, tham khảo sách trên thư viện. Dần dà, không chỉ biết chơi guitar, Tuấn Anh còn biết sử dụng một số loại nhạc cụ khác, biết tự sáng tác bài hát. Tuấn Anh cho biết đã sáng tác được 10 bài hát trong đó bài "Người lái đò trên dòng sông hoàn lương" là anh ta tâm đắc nhất, bởi đó là tình cảm, là sự yêu mến của anh ta đối với các cán bộ Trại giam Vĩnh Quang trong suốt thời gian thi hành án ở đây.

Còn phạm nhân Ben, dù là người Nigeria nhưng cũng được tham gia đội văn nghệ, hát được rất nhiều bài hát về quê hương Việt Nam. Ben cho biết, anh ta thích nhất là hát Quốc ca, dù lúc đầu chưa hiểu nghĩa nhưng thấy giai điệu hay, hào hùng nên cố ghi nhớ và học thuộc, sau đó nhờ cán bộ giảng giải ý nghĩa. "Giờ thì tôi hát Quốc ca Việt Nam tốt lắm rồi, hiểu cả ý nghĩa về ước vọng của cả dân tộc Việt Nam đã đổ máu tô thắm màu cờ để giành độc lập tự do. Cán bộ giải thích kỹ lắm nên tôi hiểu, thấy hay và hát rất dõng dạc trong mỗi sáng thứ Hai chào cờ. Tôi phạm tội trên đất Việt Nam nên phải trả giá, nhưng đất nước, con người Việt Nam đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Nếu ở nước tôi thì phạm nhân không được chăm sóc tốt như ở đây", Ben cho biết. Lao động, cải tạo tốt, với tinh thần tích cực, Ben đã 2 lần được giảm án.

Là người người ngoài duy nhất có con nhỏ đang thi hành án tại Trại giam Vĩnh Quang, phạm nhân Andrea Drova bày tỏ vui mừng khi được tạo điều kiện chăm sóc con nhỏ. Đứa trẻ chưa đầy hai tuổi cứ lăng xăng nhìn cái nọ, lôi cái kia để khám phá. Được cán bộ bế trên tay, nó cười giòn tan. Với chất giọng lơ lớ của người nước ngoài mới nói tiếng Việt, Andrea Drova cho biết, cô ta rất xúc động khi mẹ con cô được cán bộ Công an quan tâm, động viên. "Con tôi được hưởng chế độ rất đầy đủ, được sữa, quần áo; ốm đau có thuốc, mẹ được nghỉ để chăm con".

Rồi Andrea Drova khoe quần áo, đồ chơi mới do các cán bộ mua tặng cho con mình. "Tôi phạm tội thì phải bị bắt, lúc đầu, tôi sợ lắm, chưa quen ở Việt Nam, không hiểu mình có con thì sẽ ra sao, tôi cứ lo và khóc suốt. Thế nhưng khi vào đây mới thấy các cán bộ lại thân thiện và tốt như thế. Họ coi mẹ con tôi như người nhà, chưa bao giờ quát tháo hay cáu gắt gì cả. Mỗi lần vào khu giam, cán bộ đều bế con tôi, ôm như là người mẹ. Tôi rất cảm ơn Nhà nước Việt Nam, Công an Việt Nam đã đối xử nhân đạo, nhân văn với người nước ngoài như chúng tôi" - Andrea Drova cho biết.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác quản lý, giáo dục phạm nhân được thực hiện theo nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, Luật Thi hành án hình sự, bảo đảm tính nhân đạo, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân; kết hợp giữa trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; khuyến khích người chấp hành án ăn năn, hối cải, tích cực học tập, lao động tái tạo để sau khi chấp hành án tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội... Những nguyên tắc trên được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách cụ thể về giáo dục văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, khám chữa bệnh cho phạm nhân; đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện; các chính sách về tái hòa nhập cộng đồng… Trong đó có chính sách ưu đãi cho vay tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Qua đó đã khuyến khích người bị kết án tù phấn đấu cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình, xã hội, hòa nhập với cộng đồng, không tái phạm.

Thực hiện tốt chính sách thi hành án hình sự, Công an giáo dục, cải tạo phạm nhân ngày càng đạt được kết quả cao, tỉ lệ phạm nhân có kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù khá, tốt luôn đạt trên 80%. Thông qua các hoạt động giáo dục đã giúp phạm nhân nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật, chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động để khi có điều kiện được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước, sớm được trở về với gia đình, xã hội. 

Phương Thuỷ
.
.
.