Trò chuyện Chủ nhật

Tăng cường giáo dục tuyên truyền, để người dân tham gia giao thông có trách nhiệm

Chủ Nhật, 04/02/2024, 05:51

Tại Hội nghị Liên hợp quốc tế về Hợp tác bảo đảm an toàn giao thông (UNRSC 2023), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố Việt Nam là một trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn 2011-2020.

Đây có thể coi là một trong những ghi nhận đáng kể cho nỗ lực của Việt Nam trong hành trình đưa ra các giải pháp kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, thực tế  số người thương vong vì TNGT vẫn ở mức cao, đặc biệt vào dịp Tết, nhu cầu đi lại tăng cao, do đó, tiếp tục kéo giảm TNGT vẫn là mục tiêu của các cơ quan chức năng.

 Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG).

ong khuat viet hung.jpeg -0
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng.

PV: Thưa ông, để có được kết quả trên, các cơ quan chức năng đã nỗ lực rất nhiều. Ông có thể nói thêm về quá trình thực hiện để chúng ta có kết quả này?

Ông Khuất Việt Hùng: Sau bao nỗ lực cuối cùng chúng ta cũng được ghi nhận tại Hội nghị Liên hợp quốc về Hợp tác bảo đảm an toàn giao thông bộ (UNRSC 2023). Việt Nam là 1 trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn 2011-2020. Cụ thể giảm từ 25,4 người/100.000 dân bị TNGT vào năm 2010 xuống còn 17,7 người/100.000 dân bị TNGT vào năm 2021 (giảm 43,5%). Có thể nói, những kết quả mà Việt Nam giành được trong công tác bảo đảm ATGT đường bộ nói riêng và bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nói chung trong giai đoạn 2010-2020 có được từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới dự lãnh đạo của Đảng.

Bước vào giai đoạn 2021-2030, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII đã tổng kết Chỉ thị 18 và Ban hành Chỉ thị 23-CT/TW ngày 4/5/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới với những quan điểm, mục tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Đặc biệt, triển khai Chỉ thị 23, trong năm 2023 và 2024, Việt Nam sẽ xây dựng và ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nhằm thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống các quy định về quy tắc giao thông, hành vi tham gia giao thông, an toàn kỹ thuật phương tiện, an toàn trong hoạt động vận tải, cũng như công tác chỉ huy, điều khiển hoạt động giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT, giải quyết TNGT tiệm cận với thông lệ quốc tế…

PV: Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần, đây cũng là dịp số lượng phương tiện lưu thông tăng cao. UBATGTGQ có những kế hoạch, giải pháp, kiến nghị gì để bảo đảm ATGT trên toàn quốc, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng:  Năm nào cũng vậy, ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, các cơ quan chức năng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT từ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và dịp lễ hội xuân. Năm nay cũng vậy. Bộ Công an, Bộ GTVT, các cơ quan chức năng, UBATGTQG đã tuyên truyền để người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Tại các địa phương, lực lượng chức năng đã thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền người dân đã uống rượu bia không lái xe, vào dịp lễ, Tết cần lựa chọn phương tiện, tuyến đường phù hợp để việc đi lại thuận tiện, an toàn.

Mặt khác, chúng tôi kiến nghị cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông bao gồm các dự án đường. Đồng thời, phải bảo đảm năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải, từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Ngành hàng không phải tăng cường số lượng máy bay, tích cực bảo trì phương tiện để bảo đảm số lượng và chất lượng máy bay. Tăng cường công tác phối hợp, tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến đường giao thông, huy động sự phối hợp của các lực lượng cùng "trực chiến" thật hiệu quả. Bên cạnh đó cần tăng cường năng lực hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Đây là hoạt động rất quan trọng, bởi nếu không may xảy ra tai nạn, các hoạt động này sẽ kịp thời cấp cứu người bị thương, cứu hộ phương tiện. Các bệnh viện cũng cần chuẩn bị vật tư y tế, thuốc chữa bệnh để bảo đảm cấp cứu người bị tai nạn một cách nhanh nhất và tốt nhất.

Tăng cường giáo dục tuyên truyền, để người dân tham gia giao thông có trách nhiệm -0
Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhiều tuyến đường ở các TP lớn luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao.

PV: Vừa qua ông đã trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra thực tế công tác phục vụ Tết tại nhà ga, sân bay và bến xe. Theo ông đâu là những tồn tại mà chúng ta cần sớm khắc phục để người dân lưu thông trong dịp Tết thuận lợi hơn?

Ông Khuất Việt Hùng: Trong quá trình đi thực tế, tôi nhận thấy Tân Sơn Nhất là cảng hàng không "hạt nhân" của nhiều tuyến bay và đã khai thác hết công suất thời gian qua. Toàn mạng cảng hàng không ở Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Tân Sơn Nhất để trao đổi thông tin liên quan nhằm hoạt động tối ưu (lịch bay, dịch vụ của Tân Sơn Nhất với tất cả các cảng hàng không khác). Ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị,  việc check-in online như Tân Sơn Nhất đang làm hiện nay đã giúp giải toả hành khách, giảm ùn tắc.

Tuy nhiên, chúng ta phải cân nhắc việc cấp phép tổ chức các sự kiện tập trung đông người, dùng đèn lazer có thể ảnh hưởng đến hoạt động an toàn bay. Tương tự, tại sân bay Nội Bài, dự kiến ngày cao điểm nhất của dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn có 608 lượt chuyến bay và 105.000 lượt khách qua cảng. Con số này vẫn chưa vượt quá đợt cao điểm hè (cao điểm hè 2023, ngày cao nhất đạt 693 lượt chuyến và 116.000 lượt khách); tăng khoảng 25 – 30% so với lịch bay mùa đông, tăng khoảng 12 – 15% so với cao điểm Tết năm ngoái. Cao điểm trước Tết dự kiến là ngày 7/2/2024 (tức ngày 28/12 âm lịch) với hơn 600 lượt chuyến bay/ngày và 98 ngàn lượt hành khách/ngày; cao điểm sau Tết dự kiến là ngày 15/2/2024 (tức ngày 6/1 âm lịch) với hơn 600 lượt chuyến bay/ngày và 108 ngàn lượt hành khách/ngày.

Tôi cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị phục vụ hành khách tại sân bay Nội Bài trong những ngày qua và dịp Tết Nguyên đán tới đây. Đặc biệt là việc đưa vào triển khai mô hình A-CDM được đánh giá là mô hình tiên tiến được nhiều sân bay lớn trên thế giới ứng dụng, đảm bảo dữ liệu các chuyến bay được tập trung, thuận lợi trong việc chia sẻ dữ liệu, trao đổi thông tin giữa các đơn vị một cách nhanh chóng, tức thời, giúp các chuyến bay diễn ra thuận lợi, đảm bảo, an toàn. Tuy nhiên, Cảng HKQT Nội Bài không nên chủ quan, lơ là, cần luôn sẵn sàng trong tâm thế chuẩn bị để phục vụ tối đa nhu cầu của hành khách.

Ngoài ra, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 234 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông dịp cuối năm. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội nên xây dựng nhóm phản ứng nhanh với sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng, cơ quan quản lý, kết hợp với trung tâm điều hành giao thông đô thị. Trong đó có sự tham gia của Sở GTVT, Công an thành phố, Thanh tra giao thông, CSGT, Khu Quản lý đường bộ I, các doanh nghiệp dịch vụ cứu hộ; phân công rõ nhiệm vụ của từng lực lượng ngay từ đầu, thông qua hệ thống camera giao thông lắp đặt dọc các tuyến đường do các đơn vị này quản lý,  kịp thời phát hiện các sự cố giao thông và ngay lập tức có sự trao đổi trong nhóm để lên phương án nhanh chóng xử lý, đảm bảo giao thông được thông suốt, thuận lợi cho người dân đi lại.

Đối với việc phân luồng giao thông, cần lên phương án từ sớm, tham khảo đề xuất, kiến nghị của các bến xe, các lực lượng để điều tiết phương tiện vào các đường gom sao cho hợp lý ở từng thời điểm, đặc biệt ở khu vực cửa ngõ phía Nam. Tại các vị trí sẽ bắn pháo hoa đêm Giao thừa của thành phố, bên cạnh phương án tổ chức giao thông cần quan tâm đảm bảo an ninh an toàn cho người dân.

PV: Các giải pháp cơ quan chức năng đưa ra luôn bài bản, chặt chẽ. Thế nhưng, vẫn xảy ra không ít vụ TNGT nghiêm trọng có nguyên nhân từ chính người điều khiển phương tiện. Theo ông, đâu là vấn đề cần khắc phục để nâng cao ý thức của mỗi tài xế?

Ông Khuất Việt Hùng: Theo tôi, nguyên nhân thì nhiều, nhưng trực tiếp nằm ở hành vi của người điều khiển phương tiện, như đi quá tốc độ, đi sai làn đường, sử dụng ma túy khi lái xe… Trong sâu xa, những nguyên nhân ấy nằm ở công tác tổ chức, quản lý, giám sát an toàn giao thông của chính đơn vị vận tải, đồng thời cũng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng tuần tra, kiểm soát phương tiện.

Nếu làm tốt tất cả các khâu, phát triển tốt hệ thống giám sát hành trình, báo cáo tai nạn, cảnh báo tai nạn được đầy đủ, hiệu quả thì chúng ta không chỉ kiểm soát tốt hành vi của tài xế, mà còn nhanh chóng có giải pháp kịp thời phòng ngừa tai nạn. Một điều nữa, nên làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm của các cháu tuổi từ 14 đến dưới 18, tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe. Tiếp theo, không chỉ xử lý các cháu, nếu xử lý được cả bố mẹ, người giám hộ các cháu nữa, thì sẽ giảm nhiều vụ việc đáng tiếc hơn nữa.

Tôi xin nói thêm, hệ thống giám sát hành trình với mục tiêu giám sát tốc độ, lịch trình, thời gian làm việc của lái xe được khởi động từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động toàn diện, đầy đủ chức năng. Tương tự, hệ thống camera giám sát trên xe, theo kế hoạch tháng 10/2022 phải đưa vào khai thác nhưng đến nay chưa kịp thực hiện. Hay Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô hiện nay có hiệu lực quản lý "hơi yếu" so Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Đơn cử, ở Nghị định số 10/2020/NĐ-CP có quy định vi phạm tốc độ thì thu hồi phù hiệu nhưng không nói thu hồi bao lâu. Những kẽ hở trong những quy định pháp luật là khó tránh khỏi trong quá trình xã hội vận động, phát triển. Bộ GTVT đã nhận ra lỗ hổng này và đang sớm khắc phục bằng việc sửa đổi các quy định liên quan.

Không chỉ Việt Nam mà mục tiêu của toàn cầu là định hướng phát triển bền vững vào năm 2030, với nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó là kéo giảm số vụ, số người thương vong vì TNGT. Khát vọng đó được Việt Nam đưa vào Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chúng ta phải xây dựng hệ thống luật thật khoa học, chi tiết và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Trong sâu xa, phải giáo dục, đào tạo ý thức chấp hành ATGT có hiệu quả từ trong nhà trường, để mỗi người tham gia giao thông có trách nhiệm bảo vệ mình và người khác. Ngoài ra, ở các khâu xây dựng hạ tầng giao thông, quản lý hạ tầng, quản lý phương tiện, đơn vị vận tải, xử lý vi phạm… phải được làm nghiêm, khoa học, vì sự bình yên của người dân và phát triển bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.