Suy ngẫm về kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng viên sai phạm: Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn

Thứ Ba, 10/08/2021, 08:44

Tại Kỳ họp lần thứ 5 diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương quyết định kỷ luật hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với 3 đảng viên vi phạm pháp luật, trong số này có ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn MTV (Sagri) – doanh nghiệp 100% vốn thuộc UBND TP Hồ Chí Minh. Nhiều điều đáng suy ngẫm khi đối chiếu với Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Nâng lên đặt xuống

Lần giở lại hồ sơ những lần ông Lê Tấn Hùng bị xử lý kỷ luật, PV Báo CAND phát hiện điều đáng suy ngẫm. Ngày 19/10/2017, Thanh tra thành phố công bố kết luận thanh tra (KLTT) số 38 sau khi thanh tra toàn diện Sagri. Với nhiều sai phạm, tháng 3/2018, ông Hùng bị “khiển trách”. Đến tháng 9/2018, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phát hiện sai phạm tại Sagri “khủng” hơn nên đề nghị cấp thẩm quyền xử lý ông Hùng tương xứng với mức độ sai phạm. Từ đề nghị này, ngày 3/11/2018, UBND thành phố quyết định nâng hình thức kỷ luật lên mức “cảnh cáo”. Ngày 11/1/2019, ông Hùng tiếp tục bị “cảnh cáo” về mặt Đảng

Tháng 2/2019, tại KLTT số 05, Thanh tra thành phố tiếp tục “cận cảnh” nhiều sai phạm tại Sagri. Sau kiến nghị của Thanh tra, UBND thành phố chỉ đạo: “Gắn với kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo kết luận của KTNN, Sở Nội vụ phối hợp với Thanh tra thành phố làm rõ các sai phạm của các cá nhân, tập thể tại Sagri theo KLTT, tuỳ theo mức độ, tính chất sai phạm để xử lý phù hợp…”.

Đến tháng 5/2019, Sở Nội vụ báo cáo UBND thành phố, có tổng cộng 18 người, ở nhiều thời kỳ, liên quan đến 23 nội dung thiếu sót đã được KLTT chỉ ra. Tuy nhiên, còn thời hiệu để xử lý kỷ luật chỉ 3 người, trong đó có ông Lê Tấn Hùng. Đối chiếu với các quy định, Sở Nội vụ cho biết ông Hùng có đến 10 nội dung áp dụng hình thức kỷ luật“phê bình, rút kinh nghiệm”; 4 nội dung áp dụng mức “khiển trách” và 4 nội dung áp dụng mức “cảnh cáo”. Tổng hợp hình thức kỷ luật ông Hùng là…“hạ bậc lương”. Trong khi đó, một thuộc cấp của ông này bị đề nghị áp dụng mức “khiển trách”.

Tất nhiên, đề xuất vừa kể không thể được chấp nhận. Ngày 12/6/2019, ông Lê Tấn Hùng bị tạm đình chỉ công tác, một tuần sau bị cách chức Tổng giám đốc Sagri và ngày 6/7/2019, bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam…

Nhiều người cho rằng, nếu công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được thực hiện một cách nghiêm túc, việc xử lý sai phạm được tiến hành đi cùng sau đó, thì rất nhiều cán bộ, đảng viên chắc chắn không có cơ hội để “ngồi” vào những vị trí quan trọng hơn, từ đó tiếp tục lún sâu vào sai phạm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Sagri hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Việc đầu tư vốn của Sagri không hiệu quả cao, một số khoản đầu tư tài chính dài hạn thua lỗ kéo dài, phải ngưng hoạt động dẫn đến vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp này bị tổn thất; có đến 18/28 đơn vị không lãi. Trước khi Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc, việc thanh tra, xử lý lãnh đạo sai phạm lại qua nhiều… cung bậc như thế.

Dư luận từng cho rằng sở dĩ Lê Tấn Hùng tác oai, tác quái, vi phạm pháp luật và nhiều điều… “cấm” nhưng lại được “nâng lên đặt xuống” đơn giản vì ông là em của ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh (từ 6/2006 đến 10/2015; phụ trách chỉ đạo Thành uỷ đến 2/2016. Đến 3/2020, ông Lê Thanh Hải bị cách chức Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 do có nhiều sai phạm - PV). Đáng chú ý nhất là khi “bán lúa non” dự án nhà ở mà Sagri làm chủ đầu tư, ông Lê Tấn Hùng còn được tiếp sức từ lãnh đạo thành phố.

Sau khi bị khởi tố, chính ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố, thừa nhận ông đồng ý cho Sagri bán dự án khi chưa đảm bảo quy định pháp luật là “có phần do nể nang, áp lực về tình cảm, quan hệ”. Thừa nhận này càng cho thấy điều mà dư luận xì xầm ít nhiều có phần  đúng.

Chặn sai phạm từ khi mới manh nha

Một cán bộ thuộc Vụ Nghiên cứu, Cơ quan UBKT Trung ương mới đây đúc kết, việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu. Công tác giám sát có nơi, có lúc chưa thực chất, phạm vi, đối tượng còn hẹp; giám sát thường xuyên và chuyên đề chưa được quan tâm đúng mức, nhất là giám sát cấp uỷ viên cùng cấp, người đứng đầu cấp uỷ và cán bộ chủ chốt ở các cấp hiệu quả phát hiện, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế. Việc thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm.…

Ngày 28/7 vừa qua, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 22-QĐ/TW thi hành Chương VII và VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. So với Quy định 30-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII ngày 26/7/2016, Quy định 22-QĐ/TW có nhiều điểm mới rất đáng chú ý, khắc phục được những tồn đọng như thời gian qua.

Dành điều riêng quy định về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát, điểm mới đáng chú ý trong Quy định 22-QĐ/TW là yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đồng thời, phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục. “Mọi tổ chức Đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ”, Quy định 22-QĐ/TW nêu rõ.

Từ nay về sau sẽ khó có thể lặp lại câu chuyện tương tự như việc xử lý ông Lê Tấn Hùng bởi Quy định 22-QĐ/TW cho phép tổ chức đảng có thẩm quyền được sử dụng các nội dung vi phạm pháp luật do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp để chủ động kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật đảng viên mà không cần chờ tuyên án của tòa hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán. Đảng viên bị truy nã, tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ hoặc xóa tên trong danh sách đảng viên (đối với đảng viên dự bị) mà không cần theo quy trình thi hành kỷ luật.

Tại hội nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 5/8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên, bởi là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây. Nhiệm vụ sắp tới còn nặng nề, khó khăn, không được chủ quan…

Cảm nhận sâu sắc những điều mà người đứng đầu Đảng ta nói, cùng với những điều mới nhất tại Quy định 22-QĐ/TW, người dân cả nước đang đặt niềm tin rất cao vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và mong “cuộc chiến” ấy tiếp tục mạnh mẽ, đạt kết quả cao hơn bao giờ hết.

Thái Bình
.
.
.