Sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh và động viên công nghiệp (ĐVCN) do Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an xây dựng sẽ trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng Luật CNQP, an ninh và ĐVCN là rất cần thiết, nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ CNQP, công nghiệp an ninh (CNAN) và ĐVCN trong tình hình mới, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Bài 1: Nhiều chủ trương, định hướng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Trong những năm qua, chủ trương xuyên suốt của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn gắn CNQP và CNAN thành một khối thống nhất, tương đồng, song hành về cơ sở chính trị, pháp lý, chỉ khác nhau ở các nhiệm vụ cụ thể theo chức năng quản lý nhà nước của 2 bộ là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
CNQP, CNAN và ĐVCN luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển. Nghị quyết Đại hội XI, XII, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng định hướng “Xây dựng, phát triển CNQP, CNAN hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ”.
Đồng thời, Nghị quyết đã đề ra các giải pháp cho phát triển CNQP, an ninh: “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh và liên quan đến quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới. Chủ động tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh”, “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh phù hợp với hội nhập quốc tế và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, Nghị quyết số 05/BCT ngày 20/7/1993 của Bộ Chính trị đã xác định đường lối xây dựng CNQP và ĐVCN, chỉ rõ xây dựng CNQP phù hợp với khả năng của nền kinh tế, làm nòng cốt cùng các ngành công nghiệp dân dụng bảo đảm nhiệm vụ sửa chữa, phục hồi và sản xuất một phần trang bị, đáp ứng yêu cầu ĐVCN khi tình thế đòi hỏi; yêu cầu cần sớm có hệ thống văn bản pháp quy nhà nước và cơ chế chuẩn bị ĐVCN trong điều kiện kinh tế thị trường.
Kết luận số 25-TB/TW ngày 11/4/2017 của Bộ Chính trị về Đề án “Đẩy mạnh phát triển CNQP, an ninh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” xác định phát triển CNQP, an ninh cần phải đặt trong tổng thể phát triển công nghiệp quốc gia, đồng ý với quan điểm những gì công nghiệp quốc gia và CNQP đã làm được thì CNAN không làm nữa, tránh đầu tư trùng lắp.
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã khẳng định cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ bản, tạo nền tảng cho CNQP, an ninh. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”.
Đồng thời, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 nhấn mạnh: “Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù”, “Thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, hiện đại”, “Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết, đầu tư nguồn lực hỗ trợ các cơ sở dân sinh phục vụ CNQP, CNAN. Cơ cấu lại các cơ sở CNQP, hình thành các cơ sở CNAN bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại theo hướng lưỡng dụng, hiện đại”.
Ngoài ra, để phù hợp với đặc thù của CNQP, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết chuyên đề như Nghị quyết số 05/BCT ngày 20/7/1993; Nghị quyết số 27/BCT ngày 16/6/2003; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16/7/2011; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/01/2022 về xây dựng và phát triển CNQP đã xác định những quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước; trong đó định hướng xây dựng và phát triển CNQP là nhiệm vụ cơ bản vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là ngành đặc thù, phải được chăm lo xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù và được ưu tiên trong đầu tư phát triển, phải coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học công nghệ, huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ CNQP.
Nghị quyết cũng đề ra sách lược ĐVCN và huy động công nghiệp dân sinh trong phát triển CNQP là huy động sự tham gia tích cực, đầy đủ của công nghiệp quốc gia trong các khâu, các bước của CNQP, nhất là việc huy động đội ngũ cán bộ KHCN và các cơ sở công nghiệp dân sinh sản xuất các nguyên, vật liệu chính cho CNQP; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp then chốt của quốc gia để tham gia sâu; thiết thực hơn vào hoạt động CNQP; thực hiện mở rộng phạm vi hoạt động của KHCN dân sinh tham gia nghiên cứu phục vụ CNQP.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam” tiếp tục khẳng định mục tiêu xây dựng, phát triển CNQP tự lực, tự cường, lưỡng dụng ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học công nghệ cao; huy động sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Đồng thời đưa ra giải pháp hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển CNQP dài hạn, trung hạn phù hợp với điều kiện mới; phải đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, định hướng về xây dựng và phát triển CNAN còn được đề cập đến trong các văn bản chỉ đạo của Đảng như Kết luận số 142-TB/TW ngày 8/8/2013 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị...
Như vậy, có thể thấy quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn gắn CNQP và CNAN thành một khối thống nhất, tương đồng, song hành về cơ sở chính trị, pháp lý, chỉ khác nhau ở các nhiệm vụ cụ thể theo chức năng quản lý nhà nước của 2 bộ là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Chưa có văn bản pháp luật tầm luật điều chỉnh trực tiếp về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Hiện nay, cơ sở pháp lý điều chỉnh lĩnh vực CNQP, CNAN và ĐVCN cao nhất là Hiến pháp 2013, Luật Quốc phòng 2018, Luật CAND và các luật chuyên ngành khác. Cơ sở pháp lý trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực CNQP là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực ĐVCN là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, điều chỉnh lĩnh vực CNAN là Nghị định số 63/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, chưa có văn vản pháp luật nào tầm luật điều chỉnh trực tiếp về CNQP, an ninh và ĐVCN để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, nhất là luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển CNQP, an ninh; đồng thời để thống nhất các luật ban hành trong thời gian qua quy định về vấn đề này.