Chắc phòng thủ, vững tiến công "vòi bạch tuộc" tuyến Tây Bắc

Quản lý, phòng ngừa “đầu vào” của tội phạm ma túy (Kỳ 4)

Thứ Tư, 29/06/2022, 07:21

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Luật đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Quy định của luật sát với thực tiễn, giúp cho công tác cai nghiện có hiệu quả, qua đó giảm nguồn “cầu” về ma túy.

Chuẩn hóa công tác quản lý người nghiện

Theo đánh giá của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, thời gian qua, thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Công an toàn quốc nói chung và lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy nói riêng đã chủ động phối hợp các ban, ngành có liên quan, tham mưu cho UBND các cấp kịp thời chủ động triển khai dưới nhiều hình thức. Công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tính đến ngày 15/5/2022, toàn quốc có 276.596 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy (59.537 người sử dụng trái phép chất ma túy; 217.059 người nghiện ma túy). So với số liệu tổng rà soát ngày 30/12/2021, số người sử dụng trái phép chất ma túy giảm 6.750 người; số người nghiện tăng 11.241 người; số người nghiện ma túy được lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc là 3.503 người, chiếm  1,6% (3.503/217.059).

m4.1.jpg -0
Đào tạo nghề cho những người nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện là một trong những biện pháp góp phần “chặn” đầu vào của tội phạm ma túy.

Cũng theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, trước thời điểm Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực, Công an toàn quốc đã rà soát, thống kê và đưa vào quản lý diện đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghi nghiện ma túy (có danh sách và hồ sơ quản lý) bằng nhiều nguồn tài liệu khác nhau như: Tự nhận, có đơn tố giác đã được xác minh, tài liệu trinh sát...

Từ sau khi Luật Phòng, chống ma túy 2021 có hiệu lực, diện đối tượng trên đối chiếu với tiêu chí người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định không đủ tiêu chí do chưa được test dương tính với ma túy, phải loại danh sách. Vì vậy, người sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng giảm nhiều. Việc loại khỏi danh sách người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy do không đáp ứng tiêu chí của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình ANTT, khó khăn cho công tác phòng ngừa, giữ ổn định địa bàn và không phản ánh đúng thực tế khách quan tình hình, diễn biến phức tạp của người sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng ngày càng gia tăng.

Qua tìm hiểu, thực tế hiện nay, vẫn còn một số đơn vị chưa chủ động rà soát để phát hiện, đưa vào quản lý số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy vào danh sách quản lý, áp dụng các biện pháp phòng ngừa và lập hồ sơ đưa đi cai nghiện dưới các hình thức. Vì vậy, số liệu người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy không phản ánh đúng thực tế. Nguyên nhân khách quan do khó khăn trong việc gọi, hỏi, xét nghiệm tìm chất ma túy trong nước tiểu. Công an cấp xã lực lượng còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc. Việc chưa bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiệm vụ này còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện một số địa phương chưa chủ động nghiên cứu, áp dụng và phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành có liên quan trong công tác quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và công tác cai nghiện theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Công tác cai nghiện ma tuý hiện nay vẫn thực hiện theo cách thức cũ, đó là vận động người nghiện ma tuý tham gia cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện công lập, công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 116/2021/NĐ-CP chủ yếu tập trung vào đối tượng nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định; không tập trung nghiên cứu, phối hợp để lập hồ sơ đưa người nghiện có nơi cư trú ổn định tại cộng đồng đi cai nghiện bắt buộc. 6 tháng đầu năm, kết quả lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc của Công an toàn quốc rất thấp: 3.503 người, chiếm  1,6% (3.503/217.059).

Đánh giá cao hiệu lực, hiệu quả của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, trong đó luật đã dành hẳn một chương quy định về công tác quản lý người nghiện ma túy, ông Phùng Quang Thức, Chi Cục trưởng Chi Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cũng cho biết: Theo quy định tại khoản 1, Điều 30 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, để thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải có sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 17 của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức thẩm định và công bố tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay đa số các địa phương chưa triển khai công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng do đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn, công bố tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện do chưa có hướng dẫn về nội dung này.

Hóa giải ngay những vướng mắc

Tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 35 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải bố trí khu lưu trú tạm thời đối với người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy và người trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tại điểm b, khoản 4, Điều 35 quy định hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy bao gồm cả thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3, Nghị định 109/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì các cơ sở cai nghiện ma túy của TP Hà Nội hiện nay chưa đủ điều kiện để xác định tình trạng nghiện, do chưa có “giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa tâm thần hoặc điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; cơ sở giám định pháp y tâm thần”.

Đến ngày 14/5/2022, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1, 2 Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và được Sở Y tế thẩm định. Các cơ sở cai nghiện ma túy còn lại cũng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.

Tìm hiểu của PV, hiện nay kinh phí cho việc xét nghiệm chất ma túy có thể (mua que test nhanh) hiện chưa có hướng dẫn cụ thể và hầu như các đơn vị báo cáo không được bố trí trong nguồn kinh phí đã được cấp, thực hiện việc test nhanh bằng xã hội hóa hoặc từ nguồn kinh phí hỗ trợ án ma túy. Điều này không đáp ứng được yêu cầu của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 trong việc chủ động, kịp thời phát hiện, đưa vào quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy... trong khi que test 4-5 chân có giá từ 50.000 đồng/que trở lên; đối với các vụ việc bắt giữ liên quan cơ sở kinh doanh dịch vụ có nhiều đối tượng, việc chi kinh phí cho mua test còn rất khó khăn hoặc có bố trí nhưng chỉ trên cơ sở danh sách hiện đang quản lý, chưa bố trí que test đối với việc phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy mới.

Tại hầu hết các địa phương, công tác phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến người sử dụng trái phép chất ma túy chưa thực hiện đúng quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, vẫn còn tình trạng thực hiện theo quy định cũ (chỉ ra thông báo phạm pháp đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, không ra thông báo theo biểu mẫu quy định tại Nghị định số 105/2021/NĐ-CP). Do đó, Công an cấp cơ sở không nắm được thông tin, không có tài liệu làm căn cứ đề nghị UBND cấp xã ra quyết định đưa người sử dụng trái phép chất ma túy vào quản lý.

Về thủ tục xác định tình trạng nghiện, hiện nay còn tình trạng Sở Y tế thuộc các địa phương chưa hoặc chậm công bố danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy trên Website của Sở Y tế; đồng thời do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp thời gian qua nên chưa tổ chức tập huấn cấp chứng chỉ xác định tình trạng nghiện ma túy cho đội ngũ y, bác sỹ. Chính vì vậy đã gây khó khăn cho việc xác định tình trạng nghiện do thiếu cơ sở y tế và bác sỹ có thẩm quyền. Trong khi đó, phần lớn y, bác sỹ đang công tác tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập mặc dù có đủ thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy, nhưng phòng y tế tại các cơ sở cai nghiện công lập chưa đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định của pháp luật hiện hành, nên chưa trực tiếp xác định tình trạng nghiện.

Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo các đơn vị, Công an các địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy 2021, Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế có văn bản đôn đốc các địa phương khẩn trương công bố các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và tổ chức tập huấn chuyên môn cho y, bác sỹ thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy. Đảm bảo 100% cấp xã có ít nhất 1 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma tuý theo quy định của Nghị định 109.

Hoàng Phong – Minh Hiền
.
.
.