Phòng ngừa các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống ở TP Hồ Chí Minh
Chiều 30/5, tại TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học CSND, Bộ Công an phối hợp cùng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa, khủng hoảng, thảm họa an ninh phi truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, cho biết: Hiện nay, an ninh phi truyền thống là một thành tố quan trọng của an ninh quốc gia cũng như an ninh toàn cầu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, nhiều lĩnh vực an ninh phi truyền thống đã và đang tác động thường xuyên, mạnh mẽ đến an ninh, an toàn của mỗi địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Những tác động, ảnh hưởng của an ninh phi truyền thống có liên quan chặt chẽ đến an ninh và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, cũng như của từng địa phương. Do vậy, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế và ở mỗi địa phương đã quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau.
TP Hồ Chí Minh có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và ngày càng xứng tầm một thành phố văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của thành phố, như: Tội phạm xuyên quốc gia (buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán và vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia, mua bán người); khủng bố; an ninh kinh tế (tài chính, ngân hàng, chứng khoán, rửa tiền…); an ninh mạng (chiến tranh mạng, tấn công mạng, lừa đảo, đánh bạc trên mạng, sử dụng mạng xã hội vào các mục đích phá rối an ninh…) và tội phạm sử dụng công nghệ cao; dịch bệnh và các thảm họa do dịch bệnh (trong đó, dịch bệnh COVID -19 là một điển hình) gây ra đối với người, vật nuôi, cây trồng...
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Giang Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CSND, cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, XII và XIII đều nhấn mạnh: “Sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống” và đề ra các nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết các nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống của nước ta. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, việc nghiên cứu nâng cao về nhận thức lý luận và vận dụng vào thực tiễn phòng ngừa, ứng phó với những mối đe dọa, khủng hoảng, thảm họa an ninh phi truyền thống của thành phố là một đòi hỏi có tính cấp thiết cả trước mắt cũng như lâu dài.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ về nhiều nội dung, như: Nhận thức lý luận về phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống từ khái niệm, nội hàm, phạm vi tác động, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội, sự ổn định và phát triển của TP Hồ Chí Minh; mối quan hệ giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống trên địa bàn thành phố. Đánh giá thực trạng, nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống đối với các lĩnh vực cụ thể trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; nghiên cứu, đánh giá công tác phân tích, ứng phó, xử lý các mối đe dọa, các khủng hoảng, thảm họa an ninh phi truyền thống trên các góc độ, khía cạnh khác nhau trong từng lĩnh vực cụ thể. Công tác hợp tác, phối hợp lực lượng có liên quan trong phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; công tác hợp tác với các địa phương, hợp tác quốc tế của thành phố trong ứng phó, xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống...