Những quan điểm khoa học về việc xây dựng Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ
GS.TS Đỗ Đình Hoà-Chuyên gia nghiên cứu Học viện Cảnh sát nhân dân - cho rằng, việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ trong hơn 20 năm qua về cơ bản đã thể hiện khá tốt vai trò, sứ mệnh lịch sử của nó trong tổ chức giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) thời kỳ ban đầu của mở cửa hội nhập quốc tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình đó cũng đã và đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nội dung quy định, cũng như việc phân định trách nhiệm quản lý nhà nước về TTATGTĐB giữa các cơ quan quản lý…
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong tình hình hiện nay
Đại tá, Ths Nguyễn Hồng Kỳ- Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội - chia sẻ: TP Hà Nội là trung tâm chính trị-kinh tế-văn hoá xã hội của cả nước, cũng là đầu mối giao thông quan trọng của các nước. Với tổng chiều dài 13.930km; phương tiện tham gia giao thông đa dạng và tăng nhanh (số đang quản lý là 7.557.283 phương tiện, trung bình mỗi năm tăng 6,1%, chưa tính các phương triện ngoại giao, xe của các cơ quan trung ương, quân đội và biển tỉnh khác lưu thông trên địa bàn thành phố). Tốc độ đô thị hoá cao, dân số và lượng phương tiện tham gia giao thông tiếp tục tăng mạnh, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập. TNGT hàng năm đều giảm nhưng diễn biến phức tạp đặc biệt là trên các tuyến ngoại thành, tỉnh lộ, liên huyện liên xã…
Tình trạng ùn ứ giao thông đã có chuyển biến tích cực tuy nhiên vẫn còn xảy ra trong giờ cao điểm trên một số tuyến phố; tuyến đường trục chính ra vào thành phố đặc biệt là vào các ngày lễ, Tết. Tình trạng vi phạm TTATGT hành lang an toàn giao thông vẫn diễn ra phố biến. Sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành trong công tác bảo đảm TTATGT còn thiếu đồng bộ, thống nhất, phối hợp chưa chặt chẽ, nhịp nhàng; công tác điều chỉnh tổ chức giao thông của Sở GTVT còn nhiều bất cập, chưa được kịp thời. Công tác quản lý Nhà nước về sát hạch Giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện có những tồn tại, hạn chế, dẫn tới ý thức, nhận thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém, không kiểm soát được chất lượng phương tiện và bảo đảm các yếu tố về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.
Đại tá Cao Minh Huyền - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng nhìn nhận: Việc Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được ban hành đã góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, Đại tá Huyền cũng chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế khi áp dụng Luật giao thông đường bộ năm 2008 trong công tác đảm bảo TTAGTGT đường bộ trên địa bàn tỉnh và đồng thời đề xuất 6 biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế khó khăn và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT đường bộ.
Cụ thể, tại điều 86 Luật Giao thông đường bộ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước của lực lượng Thanh tra đường bộ và Điều 87 quy định trách nhiệm tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra đường bộ và Cảnh sát giao thông chưa rõ ràng, dẫn tới chồng chéo.
Việc quy định tách biệt cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp GPLX quản lý lao động, sử dụng lái xe (do Bộ GTVT chủ trì) và cơ quan thực hiện nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm TTAGTGT đường bộ của lái xe chưa có sự chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin về việc cấp, cấp đổi, cấp lại GPLX và việc xử lý lái xe vi phạm giữa 2 lực lượng. Có trường hợp lái xe vi phạm nhiều lần trong thời hạn của GPLX tuy nhiên lái xe có thể được cấp đổi GPLX theo định kỳ. Ngoài ra, có một số trường hợp lái xe không mất GPLX nhưng làm thủ tục báo mất nhằm cấp thêm GPLX, dẫn đến tình trạng “lách luật”, sử dụng 2 GPLX để hoạt động, do đó, lực lượng chức năng khó phát hiện và xử lý triệt để theo quy định pháp luật…
Bên cạnh đó, điều đáng lưu ý nữa là chưa có quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc nâng cấp, tu sửa, bảo trì cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Hiện nay nhiều đoạn đường xuống cấp, hư hỏng, mặt đường xấu “ổ gà”, “bẫy giao thông”, vạch kẻ đường bong tróc, biển báo hiệu, đèn tín hiệu hư hỏng… Đây là các yếu tố, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông; thực tế đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi xảy ra các vụ TNGT có nguyên nhân từ tồn tại, hạn chế của hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông nhưng chưa có quy định cụ thể để xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Ban hành luật mới để khắc phục bất cập
Theo GS.TS Đỗ Đình Hoà, những bất cập trên cần được nghiên cứu để ban hành mới Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tách khỏi các nội dung về xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải trong Luật Giao thông đường bộ trước đây. Đưa ra các luận điểm để chứng minh cho sự cần thiết của việc ban hành mới Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, GS nhấn mạnh: Thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành TW Đảng khoá XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã chỉ rõ: “Một số cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.
Bộ Công an là cơ quan quản lý nhà nước về an ninh quốc gia (ANQG) và trật tự, an toàn xã hội (TTAGTXH), giữ vai trò nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. TTATGT nói chung và TTATGT đường bộ nói riêng là nội dung quan trọng trong TTATXH, vì thế theo nguyên tắc trên vấn đề bảo đảm TTATGT, phát hiện xử lý các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ phải thuộc trách nhiệm chính của ngành Công an. Hơn nữa, do tình hình thực tiễn đã có nhiều thay đổi, trong dòng chuyển động của giao thông hiện đại, quy mô lớn việc cùng một lúc điều chỉnh nhiều vấn đề phức tạp khác nhau trong cùng một văn bản luật như hiệu nay đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập.
Cụ thể, việc xác định nội dung, đối tượng điều chỉnh chính của Luật Giao thông đường bộ - một luật chuyên ngành- không rõ ràng, mạch lạc. Nhiều vấn đề khác nhau đan xen chống lấn nhau không thể hiện rõ nội dụng, tư tưởng chủ đạo của luật là về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hay bảo đảm TTATGT đường bộ. Vì thế, định hướng xây dựng và phát triển các yếu tố cấu thành hoạt động giao thông và vấn đề bảo đảm TTATGT trong Luật Giao thông đường bộ là không rõ ràng và không có các bước đi cụ thể…
Cho nên, dẫn đến tình trạng nhiều quy định của luật không được thực hiện tốt như kỳ vọng. Từ việc bảo đảm TTATGT đường bộ, đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng giao thông, cơ cấu phát triển phương tiện giao thông, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe… đều đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Hay như, quy định về phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ không hợp lý, nhiều nội dung quản lý không phù hợp với chức năng xã hội vốn có của từng ngành…
Từ đây, GS.TS Đỗ Đình Hoà đề nghị Quốc hội ban hành mới Luật TTATGT đường bộ (tách khởi các nội dung quy định về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong Luật GTĐB năm 2008). Theo đó, bên cạnh các nội dung cơ bản của một văn bản quy phạm phát luật về giao thông, như phạm vi đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ chuyên môn; quy định về người và phương tiện tham gia giao thông; quy tắc giao thông đường bộ; các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ bị nghiêm cấm; các biện pháp bảo đảm TTATGT và các cơ quan quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ…
Luật TTATGT đường bộ cần thể hiện rõ về các vấn đề như thống nhất quản lý nhà nước về TTATGT, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động giao thông đường bộ theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, xác định rõ bảo đảm TTATGT đường bộ, một nội dung cụ thể trong bảo đảm TTATXH phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của các ngành các cấp và của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Công an có trách nhiệm chính, giữ vai trò nòng cốt trong bảo đảm TTATGT đường bộ; trực tiếp tiến hành và chủ động phối hợp với các ngành, các cấp trong tổ chức tiến hành các biện pháp bảo đảm TTATGT, phát hiện xủ lý các vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ trên mặt đường. Xác định rõ trách nhiệm quản lý, tổ chức và duy trì các hoạt động giao thông “động” của ngành Công an…
GS.TS Đỗ Đình Hoà nêu rõ, ngành công an giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đường bộ, thế nhưng để thực hiện sứ mệnh này cần nhanh chóng xây dựng lực lượng CSGT chính quy hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo đảm TTATGT đường bộ trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng tại Việt Nam. Tăng cường các biện pháp quản lý giáo dục; kiện toàn tổ chức; kiểm tra giám sát; đào tạo nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng thực hành thành thạo các công tác nghiệp vụ. Thực hiện công khai minh bạch trước ống kính xã hội mọi hoạt động bảo đảm TTATGT của lực lượng CSGT.
Trong đó, thực hiện nghiêm túc việc ghi âm, ghi hình để lưu giữ trong hồ sơ xử lý vi phạm về trình tự thủ tục tiến hành việc xử lý và quan hệ tiếp xúc với người dân… trong phát hiện xử lý vi phạm TTATGT trên mặt đường. Tiếp tục đầu tư nâng cao các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng CSGT và hệ thống camera giám sát giao thông ở nơi công cộng để từng bước nâng hiệu quả phát hiện xử lý vi phạm TTATGT nói chung và thực hiện việc xử phạt nguội theo hình ảnh vi phạm được phát hiện lưu giữ trên các phương tiện thiết bị kỹ thuật điện tử nói riêng…