Tập kết – Đoạn đầu của chặng đường thống nhất non sông

Những giá trị thiêng liêng và bài học cho hôm nay (bài cuối)

Thứ Năm, 05/09/2024, 07:49

Thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào về lớp cha anh qua những câu chuyện đi - ở - trở về trong hành trình thống nhất đất nước. Bắc – Nam sum họp một nhà, cả nước được sống trong hòa bình, chung tay xây dựng Tổ quốc giàu đẹp theo lời Bác: Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Và chặng đường thống nhất non sông khởi đầu từ “Tập kết” là bài học về tầm nhìn xa trong lãnh đạo, chỉ đạo, về tinh thần đoàn kết, thống nhất của dân tộc Việt Nam…

Vẹn nguyên 2 tiếng “thủy chung”

PV Báo CAND đã về thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá và tìm gặp được cụ Hoàng Bá Nghiên. Sắp tròn 100 tuổi và sau hai lần bị tai biến, đôi tai nghe câu được, câu mất… thế nhưng, khi chúng tôi gợi lại câu chuyện tập kết, đôi mắt ông lanh lợi hẳn lên.

Những giá trị thiêng liêng và bài học cho hôm nay (bài cuối) -0
Di tích Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh nằm bên bờ sông Tiền (Đồng Tháp).

Cụ Nghiên quê gốc ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; mồ côi mẹ từ nhỏ do bị giặc Pháp giết hại, không lấy được xác. Năm 1946, tham gia quân đội lên rừng đánh Pháp đến tháng 10/1954, cụ cùng đồng đội theo tàu thủy của Ba Lan ra Bắc, đóng quân tại Phà Ghép, nay là cầu Ghép, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá). Vừa kể chuyện, cụ Nghiên vừa kéo ống quần lên chỉ vào vết sẹo dài ở ống chân trái và bắp đùi. Đó là vết tích khi cụ cùng đồng đội làm nhiệm vụ chống di cư lại làng Công giáo Ba Làng liên tục 7 tháng trời và bị thương lần thứ 4 (5/1955). Sau khi bị thương, cụ theo đoàn an dưỡng về đóng quân tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá. Khi sức khoẻ ổn định, cụ được chuyển ngành sang Ban Nông nghiệp tỉnh công tác. Đến 1968, theo yêu cầu của trên, cụ từ biệt vợ con, trở lại miền Nam (đi B) đánh Mỹ liên tục 8 năm, sau đó tiếp tục đánh Pôn Pốt và làm chuyên gia 3 năm tại Campuchia...

Khi chúng tôi hỏi sao cụ không về quê hương Quảng Nam, cụ Nghiên nói do xa quê quá lâu, bố mẹ đã mất, anh em mỗi người mỗi ngả, trong khi đó, ở Hoằng Hoá cụ còn có vợ, 5 con và những người thân quen, gắn bó từ lâu. Con trai của cụ Nghiên - anh Hoàng Đại Thắng cho biết, ở quê nội của anh trước đây có tục lệ, khi bố mẹ mất thì khắc tên con lên bia mộ, thế nhưng tên cụ Nghiên thì không thấy. Sau này anh hỏi ra mới biết, vì cụ Nghiên đi theo cách mạng từ nhỏ nên gia đình không dám khắc tên vào, bởi khi kiểm đếm thiếu người giặc Pháp nghi ngờ, gây khó dễ với gia đình.

Rời nhà cụ Nghiên, chúng tôi càng hiểu thêm điều cụ nói về cái nghĩa đồng bào, đó chính là mảnh đất màu mỡ để vun đắp cho bao tình yêu và sự thủy chung nở hoa, đơm trái. Ngược lên Lâm trường Phúc Do (thuộc Công ty Cao su Thanh Hoá) thuộc địa bàn xã Cẩm Tân (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hoá) – nơi cách nay 70 năm có rất đông bộ đội, con em miền Nam tập kết sinh sống, làm việc, định cư lâu dài, chúng tôi đã gặp nhiều người cũng đã “bén duyên”, gắn bó quãng đời còn lại với mảnh đất này.

Chúng tôi gặp được cụ Lê Hữu Từ, 93 tuổi, quê gốc ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Trò chuyện với chúng tôi, cụ Từ cho hay, là con út trong gia đình có 9 anh em, 3 anh trai đi bộ đội, một người hi sinh tại chiến trường, một người thương binh và một người là bệnh binh. Ngày cụ tập kết ra Bắc, bố mẹ cũng không còn nữa. “Lúc đầu, tôi làm công nhân đường sắt tại Quảng Bình; đến tháng 4/1956 thì ra làm ở Ty Thủy lợi Thanh Hoá. Sau đó, khi lên công tác tại lâm trường Phúc Do…”, cụ Từ kể.

Theo lời cụ Từ, những ngày đầu đặt chân lên vùng đất này, đường sá đi lại cách trở, dân cư thưa thớt lại thiếu ăn, thiếu mặc, khó khăn đủ bề. Vậy nhưng bà con quanh đó vẫn rất tình cảm, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mỗi khi cán bộ, công nhân lâm trường cần. Cũng tại lâm trường này, ông đã nên duyên vợ chồng với bà Đào Thị Liêm, một cô gái ở Hà Phong, huyện Hà Trung lên vùng đất này xây dựng kinh tế mới. “Khi mới quen nhau, nhiều người can ngăn chỉ vì ông Từ ở Quảng Trị, sau này về lại quê thì lấy ai cậy trông. Thế nhưng, tình thương yêu chân thành đã khiến tôi đến với ông như định mệnh cuộc đời, không suy tính gì”, cụ Liêm tiếp lời cụ Từ khi nhớ lại những ngày gian khó nhưng rất đẹp và cho biết, hai cụ lần lượt có đến 5 người con…

Có điểm trùng hợp, không phải chỉ cụ Hoàng Bá Nghiên, cụ Lê Hữu Từ, mà cả cụ Phan Lão và Trần Xuân Ấm mà chúng tôi đã nhắc đến trong bài viết trước, sau khi lần lượt phải lòng những người con gái địa phương hiền ngoan, giỏi giang,… tất cả những “chàng trai Nam bộ” đều háo hức, năng nổ trong công việc, trở thành điển hình trong lao động, sản xuất. Không ít trường hợp vì lý do sức khỏe và nguyên do khác, họ đã gắn bó với vùng đất từng tập kết đến, tiếp tục sống trong tình yêu thương của gia đình, đồng bào; có thêm điều kiện để trọn nghĩa, vẹn tình. Hai vợ chồng cụ Từ giờ vẫn hay ngồi bên nhau, cùng nhắc lại bao kỷ niệm cũ...

Những di tích lịch sử vô giá

Trong những ngày trước dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, có mặt tại công trình xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (tọa lạc tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa), PV Báo CAND ghi nhận sự tất bật, khẩn trương của công trình trước ngày hoàn thiện. Công trình bao gồm nhiều hạng mục, trong đó tại Khu A là không gian tái hiện lịch sử cách mạng, sự kiện nhân dân Sầm Sơn đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, với điểm nhấn chính là tượng đài Con tàu tập kết. Tại Khu B, tái hiện khu lán trại ăn ở tạm thời của đồng bào, có tái hiện giếng nước, lán trại, nhà trưng bày hình ảnh, tư liệu, kỷ vật kết hợp dịch vụ. Khu C – khu công viên văn hóa du lịch, rộng đến 34ha tái hiện các yếu tố lịch sử, văn hóa 2 miền Nam – Bắc. Đặc biệt, có một Con đường ký ức dài 1,77km, nối các phân khu, đi qua các di tích, danh thắng hiện có trong khu vực…

Những giá trị thiêng liêng và bài học cho hôm nay (bài cuối) -1
Tượng đài Con tàu tập kết tại công trình xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Thanh Hóa đang giai đoạn chuẩn bị hoàn tất.

“Công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10/2024 tới. Đây là công trình có ý nghĩa to lớn về giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ, là địa chỉ đỏ đối với cả nước nói chung, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam và nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói riêng”, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết.

PV Báo CAND cũng về vùng đất Sen hồng Đồng Tháp, có mặt tại Di tích Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh. Nằm bên bờ sông Tiền, di tích được khởi công xây dựng từ 7 năm trước và khánh thành vào ngày 29/10/2019.

Từ ngoài nhìn vào, dễ dàng thấy rõ bức tượng trung tâm thể hiện nội dung  người mẹ miền Nam tiễn con đi tập kết. Người mẹ choàng lên vai đứa con thân yêu chiếc khăn rằn, sản phẩm đặc trưng vùng Nam bộ, hàm ý gửi gắm tình cảm thiêng liêng của miền Nam đến Bác Hồ, đến miền Bắc ruột thịt và cũng mang hàm ý “Ra đi để trở về” cho ngày đoàn tựu...

Tại Cà Mau, cụm công trình Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 nằm phía bờ Nam cửa sông Ông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời, cũng đang sắp hoàn thành. Hạng mục chính của công trình - Tượng đài Con tàu tập kết ra Bắc được thiết kế với hình tượng cách điệu chiếc tàu dài 25m, cao 10,5m, rộng 8,5m, chất liệu bằng đá granite. Trong các bức phù điêu 2 bên thân tàu, phía mặt đứng bên phải có hình ảnh Má Sảnh trao cây vú sữa cho bộ đội theo đoàn tập kết gửi đến Bác Hồ…

Sự kiện tập kết ra Bắc đã diễn ra cách đây ngót 7 thập kỷ nhưng những trang lịch sử, hồi ký, những câu chuyện kể về ngày tập kết, chuyển quân, những năm tháng sinh sống, lao động, học tập ở miền Bắc, cả chuyện những người ở lại, những cuộc trở về, chiến đấu, hy sinh anh dũng… vẫn được lưu giữ, tái hiện sinh động. Bí thư Thành đoàn Cao Lãnh (Đồng Tháp) Lê Thị Duy Linh cho biết, qua tìm hiểu sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954, càng thấu hiểu ý nghĩa to lớn, nhất là bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả vẫn luôn sáng ngời.

Anh Trần Đăng Khoa, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau bộc bạch, càng tìm hiểu, càng thấm thía về bài học quý báu về tình đoàn kết quân dân, tinh thần kiên trung, anh dũng của những người chiến sĩ cách mạng, sự hy sinh thầm lặng của người con miền Nam phải xa người thân, xa gia đình đi tập kết ra Bắc. “Tiếp nối truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau, thế hệ trẻ Cà Mau không ngừng học tập, rèn đức, luyện tài với tâm trong, chí sáng, hoài bão lớn đóng góp sức trẻ trong các phong trào xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Chúng tôi cũng sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, tích cực vun đắp những giá trị tốt đẹp mà lớp lớp cha anh đã dày công xây dựng”, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau chia sẻ.

Đồng quan điểm với chúng tôi - nhóm tác giả thực hiện vệt bài viết này, nhiều người khẳng định giá trị thiêng liêng từ sự kiện Tập kết ra Bắc tựa như một con đường, không phải chỉ còn trong ký ức mà vẫn hiện hữu... Đi trên con đường đó mang tên “Thống Nhất”, lớp trẻ hôm nay càng thấu hiểu, trân trọng sự hy sinh, mất mát không gì bù đắp của ông cha ta, những thành quả của lớp người đi trước, từ đó có thêm động lực để cùng chung sức, chung lòng, tiếp tục xây dựng, bảo vệ một Việt Nam ngày có thêm tiềm lực, vị thế và uy tín...

Những giá trị thiêng liêng và bài học cho hôm nay (bài cuối) -0
Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau).

Hưởng ứng Thư ngỏ của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cùng với nhiều cựu học sinh miền Nam, Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ đã tặng hình ảnh, tài liệu, hiện vật liên quan đến sự kiện lịch sử Tập kết ra Bắc năm 1954. Bà cũng tích cực kết nối, liên hệ với bạn bè từng là học sinh miền Nam đang sống tại nhiều tỉnh, thành khác hưởng ứng... “Thêm một lần nữa, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn Ðảng, Bác Hồ, đồng bào miền Bắc đã cưu mang và nhân dân 2 miền đã chiến đấu hy sinh, tạo điều kiện học hành, nuôi dưỡng để được an hưởng những ngày hoà bình”, bà Thơ chia sẻ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng cho biết, theo quy luật thời gian, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh trẻ trung, nhiệt huyết  năm xưa giờ đây đã thành ông, bà và có nhiều người đã về với đất mẹ. Nhưng chúng ta tin rằng với ý chí sắt đá, tình yêu quê hương vô bờ vẫn còn ngự trị trong tâm thức của mỗi nhân chứng lịch sử, sẽ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

T.Bình – V.Vĩnh – N.Hoa – Tr.Thắng
.
.
.