Nhiều vấn đề "nóng" về giao thông, Bộ GTVT nói gì?

Thứ Ba, 30/01/2024, 06:24

Mới đây, một loạt vấn đề "nóng" liên quan đến tổ chức thi mô phỏng đối với bằng lái xe ôtô; cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn hay lộ trình phù hợp đổi giấy phép lái xe (GPLX) cho những trường hợp được cấp trước năm 2012 đã được cử tri nhiều tỉnh, thành gửi tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). 

Thi mô phỏng đối với bằng lái xe ôtô là nội dung bắt buộc phải thực hiện

Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông giúp người học nhận biết, phát hiện các tình huống mất an toàn thường xảy ra trong thực tế để lái xe an toàn. Tuy nhiên, gần đây, cử tri tỉnh Đồng Nai đã có kiến nghị về việc bãi bỏ việc tổ chức thi mô phỏng đối với bằng lái xe ôtô.

Trước kiến nghị này, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Phần mềm này mô phỏng các tình huống giao thông giúp người học nhận biết, phát hiện các tình huống mất ATGT thường xảy ra trong thực tế để lái xe an toàn; phần mềm được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu phần mềm mô phỏng dùng cho sát hạch, cấp (GPLX) tại các quốc gia như: Anh, Úc, Nhật, Singapore…

Nhiều vấn đề
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe tham gia giao thông.

Hiện nay, tỉ lệ học viên đạt yêu cầu nội dung sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đạt trên 80%. Bộ đã giao Cục Đường bộ Việt Nam điều chỉnh, cập nhật một số tình huống phù hợp thực tế, điều chỉnh thời gian nhận biết để người học dễ dàng tiếp thu, xử lý.

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, sau khi tiếp thu ý kiến của các sở GTVT, cơ sở đào tạo, học viên, cục đã phối hợp với các sở GTVT, chuyên gia, nhà khoa học và đơn vị xây dựng phần mềm điều chỉnh, nâng cấp phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, phần mềm mới sẽ được sử dụng để sát hạch từ ngày 1/2 tới đây.

Các nội dung đã điều chỉnh trong phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông gồm: Điều chỉnh, đồ họa lại một số tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp để nâng cao chất lượng hình ảnh, giúp người học lái xe dễ quan sát, nhận diện tình huống dễ hơn. Với phần mềm ôn tập, bổ sung ba tính năng gồm: Bổ sung và hiển thị tên của từng tình huống để người học nhận biết; bổ sung các nút cho phép chuyển sang các tình huống trước/sau, hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống; phần thi thử được thiết kế giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen. Phần mềm sát hạch được điều chỉnh: Tăng thời gian đếm ngược giữa các tình huống từ 3 giây lên 10 giây để học viên có thêm thời gian chuẩn bị. Điều chỉnh không cho nhấn đúp vào phần video; khi mở phần mềm thì giao diện chiếm toàn màn hình, không hiển thị thanh taskbar của Windows. Kéo dài mốc thời gian chấm điểm (từ mốc 5 điểm đến mốc 0 điểm) để giúp người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác bàn phím máy tính.

Cũng theo ông Thống, để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe thì việc trang bị kiến thức, nhận biết các tình huống mất ATGT là cần thiết. Phần mềm này cũng không phải là mới, khi xây dựng Cục Đường bộ Việt Nam đã tham khảo các nước đã thực hiện là Anh, Nhật, Australia và các tình huống tai nạn giao thông đã xảy ra ở Việt Nam.

Ngoài ra, phản hồi kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh về kiến nghị cần có lộ trình phù hợp đổi GPLX cho những trường hợp được cấp trước năm 2012, Bộ GTVT cho biết, Quyết định số 1207 ngày 29/5/2012 của Bộ GTVT quy định: "GPLX bằng vật liệu PET theo mẫu quy định được đưa vào sử dụng kể từ ngày 1/7/2012 và áp dụng cho các trường hợp: cấp mới, cấp đổi cho người có GPLX hết thời hạn sử dụng; cấp lại cho người có GPLX bị mất, hỏng".

Từ quy định trên, đối với GPLX ôtô vật liệu giấy bìa được cấp trước năm 2012 đều đã được cấp đổi theo thời hạn ghi trên GPLX. GPLX mô tô, xe máy vật liệu giấy bìa được cấp trước năm 2012 (trên giấy phép ghi: không có thời hạn).

Mặt khác, quy định tại Thông tư số 12/2017 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ quy định: "Việc đổi GPLX bằng giấy bìa sang GPLX bằng vật liệu PET được khuyến khích thực hiện trước ngày 31/2/2020".

Đối với GPLX mô tô, xe máy thì không có quy định bắt buộc người dân phải thực hiện việc đổi GPLX. Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, GPLX được phân chia thành 11 hạng. Trong số này, ba hạng GPLX không có thời hạn gồm A1 (lái xe mô tô hai bánh dung tích xilanh từ 50cm3 đến dưới 175cm3), A2 (lái xe mô tô hai bánh dung tích xilanh từ 175cm3 trở lên và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1) và A3 (lái mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho GPLX hạng A1 và các xe tương tự). Theo quy định hiện hành, người dân có thể đăng ký cấp đổi GPLX trực tiếp tại cơ quan cấp phép hoặc đăng ký trực tuyến qua cổng dịch vụ công. Mức lệ phí cho một lần đổi GPLX là 135.000 đồng.

Việc cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn là cần thiết

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình cho rằng, quy định của pháp luật hiện nay không có mức tối thiểu cho nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đây là quy định khá nghiêm khắc, áp dụng để ngăn chặn tình trạng sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông mà không có nới lỏng về ngưỡng giới hạn bị xử phạt. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông.

Trả lời kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021 về sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng, Bộ GTVT đã dự thảo các nội dung để phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định hành vi bị nghiêm cấm là: "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Bộ GTVT đã nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng; Xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ban, ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ đồng ý ban hành.

Theo Bộ GTVT, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. Việc quy định như đã nêu nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, qua đó hạn chế tai nạn giao thông.

Thời gian qua khi lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, ý thức của người dân đã được nâng cao. Quy định trên tiếp tục được đưa vào dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an xây dựng, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu kỹ lưỡng bảo đảm tính khả thi.

Đặng Nhật
.
.
.