Nhiều quan ngại về thí điểm thuốc lá thế hệ mới
Ngày 27/10 vừa qua, Báo Lao Động đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Đề xuất thí điểm Thuốc lá Thế hệ mới: Liệu đã chín muồi?” với sự tham gia của các chuyên gia, gồm: Ông Phạm Văn Hòa - Uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ths. BS Vũ Văn Thành - Trưởng khoa bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi TW.
Theo điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành Việt Nam năm 2020, tỷ lệ sử dụng Thuốc lá Thế hệ mới (TLTHM) tăng 18 lần so với năm 2015. Trong bối cảnh đó, việc xem xét, đánh giá đề xuất của Bộ Công Thương về thí điểm kinh doanh đối với sản phẩm TLTHM, cụ thể là thí điểm trước có thời hạn với Thuốc lá làm nóng (TLLN) đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Mặc dù hướng đến mục tiêu xây dựng chính sách quản lý sản phẩm TLTHM nhằm hạn chế tình trạng hàng lậu, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, từ đó giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên, đề xuất này vẫn ghi nhận những ý kiến trái chiều về tính toàn diện và phù hợp đối với bối cảnh kinh tế-xã hội tại Việt Nam hiện nay.
Đánh giá thực tế dựa trên số liệu và nghiên cứu từ chính sách quản lý của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, các chuyên gia đã bày tỏ nhiều quan ngại về việc thực hiện đề xuất thí điểm kinh doanh TLTHM của Bộ Công Thương.
Trước khi thí điểm, cơ sở khoa học và pháp lý phải được làm rõ
Theo ông Phạm Văn Hòa, Uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, để một sản phẩm được lưu hành tại thị trường Việt Nam cần thông qua quá trình đánh giá tác động, đồng thời phải có khung pháp lý rõ ràng, chưa kể TLTHM còn là một sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Dựa vào các tiêu chí trên, việc thí điểm TLTHM ở thời điểm hiện tại là chưa thực sự phù hợp vì các đánh giá tác động nhiều mặt cũng như các cơ sở cần thiết khi xây dựng chính sách để quản lý mặt hàng này chưa hoàn thiện.
“Luật pháp của chúng ta quy định tiêu chuẩn, tiêu chí của thí điểm là phải có khảo sát, thống kê, đánh giá tác động về mặt lợi và hại của một sản phẩm. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, Việt Nam chưa có thống kê và đánh giá tác động của TLTHM đối với sức khỏe con người”, ông Hòa cho biết.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ: “Chúng ta có thể tận dụng những kết quả nghiên cứu của các nước khác nhưng không có nghĩa chúng ta mang nguyên kết quả này áp dụng với Việt Nam vì họ đánh giá dựa trên mẫu và những sản phẩm được lưu hành trong nước sở tại trong khi trong tay chúng ta hiện chưa có gì. Trên thực tế, các sản phẩm TLTHM trên thị trường Việt Nam chủ yếu là đồ thẩm lậu, chúng ta chưa biết rõ về quy cách, phẩm chất của các sản phẩm này. Chúng ta cần phải đánh giá tác động một cách toàn diện đối với sản phẩm TLTHM trên tất cả khía cạnh tiêu dùng, kinh doanh, con người và cả xuất nhập khẩu”.
Ông Nhưỡng cũng nhấn mạnh Việt Nam hiện vẫn chưa có khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng trong việc quy định hoạt động kinh doanh và quản lý TLTHM. Theo Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Thuốc lá điếu và TLTHM là những sản phẩm hoàn toàn khác nhau với các danh mục Mã HS riêng biệt. Vì vậy, việc áp dụng chính sách quản lý thí điểm sản phẩm này dựa trên khung pháp lý hiện hành đang áp dụng đối với sản phẩm Thuốc lá điếu truyền thống được các chuyên gia nhận định là không phù hợp.
Cần thêm thời gian nghiên cứu về nguy cơ và tác dụng của sản phẩm
Trước buổi tọa đàm, Báo Lao Động cũng đã tiến hành khảo sát trực tuyến đối với hơn 2.000 người (trên 18 tuổi) đã và đang hút thuốc. Kết quả cho thấy 97% người tham gia chia sẻ rằng họ biết đến và đã từng tiếp cận với sản phẩm TLĐT, trong khi với TLLN, con số này chỉ dừng ở mức 50%. Điều này còn đặt ra câu hỏi liệu rằng đề xuất thí điểm của Bộ Công Thương có thực sự cấp thiết ở thời điểm hiện tại? Hay chúng ta cần thêm thời gian để có thêm những đánh giá khoa học, khách quan và toàn diện trước khi luật hóa dòng sản phẩm còn nhiều tranh cãi này.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, Ths. BS Vũ Văn Thành - Trưởng khoa bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi TW cho biết, TLTHM ra đời với mục đích hướng đến việc tìm ra giải pháp giảm thiểu tác hại thay thế cho thuốc lá truyền thống, nhưng mức độ ảnh hưởng của sản phẩm này đến sức khỏe con người còn nhiều điểm cần xác thực.
“Có những tác hại phải sau nhiều năm mới thấy hậu quả. Trước khi đưa vào thí điểm, chúng ta cần phải xem xét giữa nguy cơ và lợi ích để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Thành bổ sung thêm.
Ghi nhận từ tọa đàm, có thể thấy rằng, nhiều chuyên gia vẫn đang bày tỏ nhiều quan ngại về việc thí điểm TLTHM tại thời điểm này, khi mà các điều kiện tiên quyết như các nghiên cứu đánh giá tác động về sức khỏe kinh tế xã hội, các quy chuẩn kỹ thuật, khung pháp lý dành riêng cho dòng sản phẩm này... đều chưa sẵn sàng. Với những vướng mắc hiện tại, có thể nhận định, đây chưa phải thời điểm phù hợp cho việc triển khai thí điểm sản phẩm TLTHM nói chung.